Đứng nổi bật bên bờ Bắc sông Moskva ở thủ đô Moscow (nước Nga) là một trong những thánh đường Chính thống giáo (Orthodox) cao nhất thế giới (103m) – Nhà thờ Chúa Kitô Đấng cứu độ (The Cathedral of Christ the Saviour). Nhưng cùng với những biến cố trong thế kỷ 20 ở nước Nga, công trình kỳ vĩ này cũng đã trải qua không biết bao nhiêu thăng trầm.

Hình vẽ nhà thờ Đức Kitô Đấng cứu độ năm 1905. Ảnh: Shutterstock.
Hình vẽ nhà thờ Đức Kitô Đấng cứu độ năm 1905. Ảnh: Shutterstock.

Nhà thờ ban đầu

Sau khi đẩy lùi đoàn quân chinh phạt của Napoléon và cuộc hành trình trở về đầy gian khổ giữa mùa đông khắc nghiệt, Sa hoàng Alexander I thề sẽ xây một nhà thờ để vinh danh Chúa, bởi ông tin chính ân sủng của Ngài đã cứu rỗi Tổ quốc khỏi họa diệt vong.

Ban đầu, Sa hoàng muốn thấy một thiết kế mang phong cách Tân cổ điển (Neoclassical) rực rỡ với nhiều biểu tượng của Freemasonic (Hội tam điểm), và kiến trúc sư Aleksandr Lavrentyevich đã được giao thực hiện nhiệm vụ này. Nhưng em trai và là người kế vị Alexander I, Nicholas I, lại là người chịu nhiều ảnh hưởng sâu sắc của Chính thống giáo và không thích lắm những nét tự do, phóng túng của trường phái Tân cổ điển. Vì thế, ông đã yêu cầu thay đổi thiết kế, học tập phong cách của Thánh đường Hagia Sophia ở Constantinople (Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay). Địa điểm ban đầu được lựa chọn để xây dựng nhà thờ tại Đồi chim sẻ (Sparrow Hills) cũng bị chuyển sang một khu đất khác gần Điện Kremlin. Năm 1839, gần 3 thập kỷ sau khi Alexander I đưa ra ý tưởng, người ta bắt đầu đào móng để xây dựng công trình, và phải mất thêm 40 năm nữa khi những giàn giáo cuối cùng được dỡ xuống, nhà thờ được làm lễ thánh hiến vào năm 1883.

Đó thực sự là một công trình tuyệt đẹp. Sa hoàng Nicholas I đã cho gọi những họa sĩ giỏi nhất của đất nước tới để tô vẽ nội thất của nó. Công việc này cũng phải mất đến 20 năm. Chính giữa bên trong nhà thờ là hành lang dẫn được bao quanh bởi một gian trưng bày hai tầng, với những bức tường được khảm bằng các loại đá cẩm thạch, granit, … Tầng trệt của gian trưng bày đã được làm riêng cho đài tưởng niệm chiến thắng trước Napoleon, còn tầng trên thì giành cho giàn hợp xướng. Ngoài ra, mái vòm khổng lồ của nhà thờ còn được mạ bằng một lớp vàng dát mỏng.

Nhưng chỉ 34 năm sau, cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga (1917) nổ ra đã lật đổ chế độ quân chủ và dẫn tới sự ra đời của Liên bang Xô viết (1922). Những người Bolshevik vốn tin vào chủ nghĩa vô thần (atheism) và không muốn để Giáo hội có quá nhiều ảnh hưởng đối với xã hội. Vì thế, nhiều tài sản của nhà thờ dần bị tịch thu, tín đồ bị làm khó dễ, và thậm chí hàng ngàn người bị trục xuất đến các trại lao động cải tạo ở vùng Siberia lạnh giá. Trong tình cảnh ấy, việc thánh đường Chúa Kitô Đấng cứu độ nằm ngay cạnh điện Kremlin cũng là điều không thể chấp nhận được. Mặc dù vậy, nó vẫn tồn tại được khoảng mười năm, cho đến khi bị phá sập bằng thuốc nổ (năm 1931) theo lệnh của Đại nguyên soái Joseph Stalin.

Cung điện Liên Xô

Các lãnh đạo Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô bắt đầu nhen nhóm kế hoạch xây dựng một công trình khác mà họ cho rằng sẽ phải thật để đời. Đó là một trung tâm hành chính khổng lồ, đủ để chứa tất cả đại biểu tới từ các nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô Viết. Stalin muốn tòa nhà này phải trở thành biểu tượng của Liên Xô và để tôn vinh sự siêu việt của chủ nghĩa xã hội. Như đúng tên gọi của nó, Cung điện Xô viết (The Palace of the Soviets) theo dự kiến sẽ trở thành tòa nhà cao nhất trên Trái đất – lên tới 415 m, với tượng Lenin ở trên cùng cao 100 m.

Trong kế hoạch, Cung điện Xô viết sẽ được xây dựng ngay chính trên nền của Nhà thờ Chúa cứu độ bị phá hủy. Việc khởi công được bắt đầu vào khoảng cuối những năm 1930. Người ta đã đào một hố tròn lớn và động vào cả nền móng của nhà thờ cũ. Nền mới được đổ bê tông, hơi lõm xuống với các vòng tròn đồng tâm theo phương thẳng đứng, theo dự kiến sẽ mang những cột sảnh chính. Người Nga mới chỉ bắt đầu dựng khung thép để xây các tầng thấp khi đội quân của Hitler tràn qua, và công việc xây dựng bị buộc phải dừng lại. Trong chiến tranh, một phần khung thép đã được dựng lên trước đó lại bị dỡ xuống để sử dụng cho các công sự phòng thủ và cầu đường ở Moscow. Vì thế, dự án sau đó đã không bao giờ được khởi động lại.

Nhưng một số người vẫn nuôi hy vọng, đặc biệt là kiến trúc sư Liên Xô gốc Do Thái Boris Iofan, người đã thiết kế tòa nhà. Ông cố gắng tiếp tục hoàn thiện thiết kế, kết hợp thêm chủ đề vinh quang với các họa tiết của Huân chương Chiến thắng (Order of Victory) để trang trí cho những bức tường bên trong. Tuy nhiên, bản thảo của ông đã không bao giờ được sử dụng, và đến năm 1958, toàn bộ dự án bị hủy bỏ.

Bể bơi moscow

Theo gợi ý của Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev, nền móng hình tròn không sử dụng đã được đổ đầy nước và biến thành một bể bơi công cộng. Hồ bơi Moscow (Moscow Pool) mở cửa năm 1960 chính là bể bơi lớn nhất Liên Xô và cũng là một trong những bể bơi lớn nhất thế giới ở vào thời điểm đó. Bể bơi độc nhất vô nhị hình tròn này có đường kính lên đến 130 m với sức chứa hơn 20 ngàn người. Nó được mở cửa quanh năm, ngay cả trong mùa đông, nhờ nhiệt độ nước thường xuyên được điều tiết để trở nên mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông. Nhờ đó, nó đã rất nổi tiếng, thu hút tới 24 triệu khách trong thập kỷ đầu tiên.

Thánh đường mới

Nhà thờ Đức Kitô Đấng cứu độ mới được xây dựng lại. Ảnh: Shutterstock.
Nhà thờ Đức Kitô Đấng cứu độ mới được xây dựng lại. Ảnh: Shutterstock.

Trong giai đoạn Liên Xô suy yếu, chính sách kiểm soát tôn giáo dần được nới lỏng và các cộng đồng Kitô trên khắp đất nước bắt đầu tìm cách khôi phục lại thánh đường cùng các sinh hoạt truyền thống. Sau khi Liên Xô sụp đổ, người ta quyết tâm xây dựng lại nhà thờ biểu tượng cũ, ngay trên chính khu đất của bể bơi. Hơn một triệu người Muscovite (gốc Moscow) đã quyên tiền cho dự án. Năm 1994, bể bơi Moscow Pool bị phá dỡ và công việc xây dựng lại nhà thờ cũ được thực hiện khẩn trương. Nhà thờ Chúa Kitô đấng cứu độ mới sau khi hoàn thành đã được làm lễ thánh hiến vào năm 2000, và đến nay lại trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách tới với Moscow.