Menes là vị vua đã thống nhất vùng đất Ai Cập vào khoảng năm 3100 trước Công nguyên để thành lập Vương triều thứ nhất. Trong thời gian Menes cai trị hơn 60 năm, đời sống của người dân Ai Cập luôn được đảm bảo với nguồn thực phẩm dồi dào, xã hội tương đối ổn định.

Vua Menes. Ảnh: Wikimedia.
Vua Menes. Ảnh: Wikimedia.

Giống như câu chuyện hai anh em sinh đôi Romulus và Remus đã thành lập đế chế La Mã hùng mạnh, người Ai Cập cổ đại cũng có một nhân vật huyền thoại hợp nhất vùng đất Thượng và Hạ Ai Cập để trở thành vị vua đầu tiên của Vương triều thứ nhất – vua Menes. Và cũng giống như cặp song sinh người La Mã, có nhiều truyền thuyết gắn liền với Menes. Ông là đề tài của nhiều cuộc tranh luận. Các học giả đôi khi đặt câu hỏi liệu tên thật của ông có phải là Menes hay không, thậm chí họ còn nghi ngờ về sự tồn tại của ông ngoài đời thực.

Menes xuất hiện trong một số văn bản cổ xưa. Theo Danh sách Vua Turin (Turin King List) – một tài liệu giấy cói viết bằng chữ tượng hình có niên đại từ thời kỳ Pharaoh Ramesses II – Menes là “vị vua người” đầu tiên của Ai Cập sau khi các vị thần và bán thần cai trị vùng đất này. Bảo tàng Ai Cập ở thành phố Turin đang lưu giữ và trưng bày tài liệu quý giá nói trên.

Ngoài ra, các bức phù điêu trong đền thờ Pharaoh Ramesses II ở Thebes cũng gọi Menes là vị vua đầu tiên của Ai Cập. Menes đứng vị trí đầu tiên trong Danh sách Vua Abydos (Abydos King List) – một danh sách liệt kê tên gọi, niên hiệu của 76 vị vua Ai Cập cổ đại được chạm khắc trên bức tường của đền thờ Pharaoh Seti I ở thành phố Abydos.

Menes có nhiều biệt danh khác nhau. Mặc dù ông vẫn xuất hiện với tên gọi Menes trong cuốn biên niên sử của nhà sử học Manetho sống ở thế kỷ 3 trước Công nguyên, nhưng tên ông được viết là Meni trong hai danh sách vua ở Vương triều thứ 19 của Ai Cập. Một số tên khác của ông bao gồm Min, Manas và Minaios [theo cách gọi lần lượt của hai nhà sử học Hy Lạp Herodotus, Diodorus Siculus và nhà sử học người Do Thái Josephus trong những tác phẩm của họ].

Nhiều học giả hiện đại thậm chí cho rằng Menes không phải tên của một cá nhân cụ thể, mà đó là tên gọi chung cho tất cả những vị vua đầu tiên có công thống nhất Ai Cập. Một số người khác lại đồng nhất Menes với Narmer, vị pharaoh thuộc Vương triều thứ nhất. Kết luận này dựa trên tấm bảng đá Narmer được James E. Quibell phát hiện tại thành phố Hierakonpolis vào năm 1898. Nội dung hình vẽ trên tấm bảng đá cho thấy Narmer là người đã thống nhất Ai Cập. Hai con dấu khai quật ở khu nghĩa địa Umm el-Qa’ab, Abydos cũng ghi nhận ông là vị vua đầu tiên của Vương triều thứ nhất.

Tấm bảng đá Narmer miêu tả vị vua đã thống nhất Ai Cập. Ảnh: History.
Tấm bảng đá Narmer miêu tả vị vua đã thống nhất Ai Cập. Ảnh: History.

Do thiếu các bằng chứng khảo cổ học nên chúng ta có rất ít thông tin về cuộc đời vua Menes. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu về Ai Cập cổ đại thường đồng ý rằng Menes sinh ra ở thành phố Hierakonpolis (Nekhen) hoặc thành phố Thinis vào khoảng năm 3100 trước Công nguyên. Thời gian cai trị của ông kéo dài 62 năm.

Để hợp nhất vùng đất Thượng và Hạ Ai Cập, Menes sử dụng nhiều chiến lược chính trị và cả vũ lực. Nổi bật nhất trong số đó là việc ông kết hôn với một thành viên của hoàng gia ở vùng đất phía Nam Ai Cập để củng cố thêm quyền lực. Trong thời gian cai trị, ông luôn nỗ lực để duy trì hòa bình và mang lại trật tự cho vương quốc của mình. Ông đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng nền văn hóa Ai Cập thời kỳ đầu, bao gồm việc đưa vào phong tục hiến tế và thờ cúng các vị thần.

Nhiều học giả nhận định Ai Cập trải qua thời đại hoàng kim dưới triều đại của vua Menes. Nhà sử học người La Mã Pliny cho biết Menes đã giúp người dân biết làm giấy cói và sử dụng chữ viết. Ông cũng là vị vua đầu tiên ban hành luật ở Ai Cập. Sử gia Manetho viết về Menes như một chiến binh mạnh mẽ, đánh thắng nhiều cuộc chiến để mở rộng biên giới vương quốc của mình.

Theo nội dung ghi trên các tài liệu giấy cói đang được lưu giữ tại Bảo tàng Ai Cập và cuốn sách “Lịch sử” của Herodotus, Menes cho xây dựng một con đập lớn ở sông Nile để chuyển hướng dòng chảy của nó qua thành phố Memphis nhằm cấp nước cho người dân và phát triển thủy lợi. Memphis sau này trở thành kinh đô của Ai Cập do có vị trí chiến lược và đất đai màu mỡ. Đây cũng là thành phố lớn nhất thế giới thời bấy giờ với số dân khoảng 30.000 người.

Trong thời gian Menes cai trị, đời sống của người Ai Cập luôn được đảm bảo với nguồn thực phẩm dồi dào, xã hội tương đối ổn định. Riêng tại thành phố Memphis, Menes cho xây nhiều cung điện tráng lệ và dạy cho người dân lối sống thanh lịch, sang trọng. Họ thường phủ những tấm vải đẹp, xa hoa lên bàn hoặc ghế ngồi để trang trí. Họ không phải làm việc vất vả như trước nên có nhiều thời gian dành cho gia đình và sở thích cá nhân như điêu khắc, chơi thể thao, sản xuất bia, trồng vườn,…

Trong số các huyền thoại về Menes, chúng ta không thể bỏ qua hai câu chuyện liên quan đến nhà vua và những động vật mang tính biểu tượng của người Ai Cập cổ đại, đó là cá sấu và hà mã. Câu chuyện thứ nhất kể về việc Menes cho xây dựng thành phố Crocodilopolis [thành phố cá sấu] để tôn vinh con vật từng cứu mạng ông. Trong một lần bị chó săn tấn công, Menes đã thoát nạn nhờ leo lên lưng một con cá sấu trong hồ Moeris và di chuyển đến nơi an toàn.

Câu chuyện thứ hai kể về cái chết của Menes. Nhà sử học Manetho viết rằng Menes bị hà mã cắn chết trong một vụ tai nạn. Kể từ đó, hà mã trong văn hóa Ai Cập là một sinh vật đáng sợ nên thường xuyên bị săn lùng và tiêu diệt. Cái chết do hà mã gây ra cũng được coi là một trong những cái chết tồi tệ nhất ở Ai Cập thời cổ đại.

Ngoài ra, hà mã có liên quan mật thiết với vị thần hỗn loạn Set – vị thần đã giết anh trai Osiris và bị con trai của Osiris là Horus đánh bại. Thần bảo vệ Taweret, vợ của Set, thường được mô tả là người phụ nữ với cái đầu của một con hà mã. Bản chất của hai vị thần Set và Taweret bắt nguồn từ những quan sát của người Ai Cập về hà mã: con cái có nhiệm vụ bảo vệ và nuôi dưỡng con non, trong khi đó con đực hung dữ và phá hoại hơn.

Sau khi qua đời, thi thể Menes được chôn cất trong lăng mộ tại Saqqara – khu nghĩa địa của thành phố Memphis. Djer, con trai của Menes, trở thành người kế vị ngai vàng. Do Djer lên ngôi khi tuổi còn nhỏ nên vợ của Menes [Nữ hoàng Neithotepe] đã nhiếp chính, hỗ trợ con trai xử lý chuyện triều chính.