Giáo dục STEM không còn là cụm từ quá xa lạ với công chúng như vào thời điểm cách đây 7 năm, khi lần đầu Ngày hội STEM Quốc gia được tổ chức bởi Liên minh STEM dưới sự bảo trợ của Bộ KH&CN.

Thông qua sự kiện thường niên này, có thể nhìn thấy bức tranh rộng hơn về quá trình lan tỏa của giáo dục STEM ở Việt Nam, đặc biệt là ở các vùng nông thôn và miền núi.

Vì sao nông thôn và vùng cao?

Với đặc điểm phân bố dân cư ở nước ta, gần 70% số học sinh sinh sống ở các vùng nông thôn và miền núi – nơi các hoạt động bổ trợ giáo dục hay các hoạt động giáo dục STEM đều rất thiếu thốn. Nhận thấy điều đó, từ năm 2014, Liên minh STEM đã nỗ lực kêu gọi tài trợ từ các mạnh thường quân để tập trung hỗ trợ phát triển giáo dục STEM trước tiên ở các vùng khó khăn này.

Một số huyện vùng cao, vùng biên giới tích cực đẩy mạnh phong trào giáo dục STEM phải kể đến Lào Cai, Cao Bằng, Lai Châu, Lạng Sơn, Hà Giang, Nghệ An, Hà Tĩnh…, với thành tích nổi bật nhất là đưa STEM robot đến với học sinh tiểu học và THCS. Đặc biệt, các tỉnh như Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Hà Tĩnh còn phổ cập STEM robot đến cấp THPT - tất cả các trường THPT ở những địa phương này đều được các nhà hảo tâm và cựu học sinh tặng robot giáo dục. Với tốc độ như vậy thì chẳng bao lâu nữa, thành phố có thể sẽ phải “chạy theo” vùng cao về phổ cập robot và lập trình.

Hầu hết những huyện có phong trào giáo dục STEM sôi nổi đều tổ chức được Ngày hội STEM và hội thi lập trình robot của riêng mình. Để tổ chức những sự kiện đó, không thể không kể tới các nhà tài trợ thầm lặng, chưa bao giờ yêu cầu bất cứ sự vinh danh nào cũng như hàng chục giảng viên của Liên minh STEM đã hết sức hỗ trợ tập huấn và đồng hành, động viên, cổ vũ các thầy cô ở địa phương.

Trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, giáo dục STEM được định nghĩa là mô hình giáo dục tích hợp liên môn - khoa học ở cấp tiểu học; khoa học tự nhiên ở cấp THCS; và vật lý, hoá học, sinh học ở cấp THPT cùng với môn công nghệ, tin học và toán - để giải quyết các vấn đề thực tiễn của cuộc sống trong một bối cảnh nhất định có tính địa phương và toàn cầu.

Giáo dục STEM là một chính sách mang tầm vĩ mô nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực STEM phục vụ cho việc tiếp cận cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và chiến lược chuyển đổi số quốc gia.

Không chỉ có lập trình và robot

fdgfdg
Học lập trình cho robot tại Trường THCS Bản Phiệt, xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Nguồn:ngayhoistem.org

Không khó để nhận thấy, giáo dục STEM robot và lập trình luôn ở mặt tiền của các hoạt động khuyến STEM. Điều này dễ hiểu bởi robot là một biểu tượng của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, còn lập trình là một môn học thúc đẩy chuyển đổi số trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Hơn thế, các hoạt động thực hành robot sẽ mang lại sự hứng khởi nhất định cho các em học sinh và cả các thầy cô giáo khi được tiếp cận với một thứ tưởng như rất xa vời.

Nhưng hiển nhiên giáo dục STEM không chỉ bao gồm robot và lập trình. Trong tất cả các chương trình tập huấn giáo dục STEM, các giảng viên của Liên minh STEM luôn có các buổi tập huấn giúp thầy cô xác định các chủ đề/bài học STEM cho các môn học thành phần khác như toán, khoa học tự nhiên (vật lý, hoá học, sinh học), công nghệ, tin học.

Trong các Ngày hội STEM địa phương, có thể thấy, các em học sinh ngoài việc thể hiện tài năng ở các cuộc thi trình diễn robot, lập trình thì còn giới thiệu các sản phẩm gắn chặt với văn hoá địa phương như: xôi ngũ sắc, ném còn, nhuộm vải… đồng thời có sự tích hợp của các kiến thức phổ thông như: trộn màu, nhiệt độ sôi, chuyển động ném xiên, chuyển động tròn… Các sản phẩm này một lần nữa cho công chúng, nhất là phụ huynh học sinh, hiểu những gì con em mình đang được học tại trường và tính ứng dụng cao của kiến thức vào cuộc sống. Nó cũng là lời khẳng định rằng giáo dục STEM không chỉ có robot hay lập trình.

Mô hình stem nông nghiệp "Sự sinh trưởng và phát triển của thực vật" tại Trường Tiểu học, THCS và THPT Đoàn Thị Điểm, TP Hạ Long. Nguồn: ngayhoistem.org
Mô hình stem nông nghiệp "Sự sinh trưởng và phát triển của thực vật" tại Trường Tiểu học, THCS và THPT Đoàn Thị Điểm, TP Hạ Long. Nguồn: ngayhoistem.org

Thi tên lửa nước tại sân trường THPT Ngô Sĩ Liên, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Nguồn: ngayhoistem.org
Thi tên lửa nước tại sân trường THPT Ngô Sĩ Liên, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Nguồn: ngayhoistem.org

Học sinh làm thí nghiệm dấm ăn với baking soda trong tiết học STEM ở Trường THCS Nguyễn Du – Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Nguồn: ngayhoistem.org
Học sinh làm thí nghiệm dấm ăn với baking soda trong tiết học STEM ở Trường THCS Nguyễn Du – Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Nguồn: ngayhoistem.org

Một ngày trọn vẹn của học sinh

Trình bày thí nghiệm tại Ngày hội STEM 2019. Ảnh: Ngô Hà
Trình bày thí nghiệm tại Ngày hội STEM 2019. Ảnh: Ngô Hà

Ngày hội STEM Quốc gia đã qua 6 lần tổ chức, mô hình và quy mô mỗi năm đều có các điểm nhấn đặc biệt. Những năm đầu, Ngày hội chủ yếu gồm những sân chơi do các công ty giáo dục STEM tổ chức cho học sinh; hoạt động giáo dục STEM tại các trường phổ thông gần như vắng bóng. Nhưng các năm sau đó, các sản phẩm giáo dục STEM của học sinh địa phương không chỉ ở Hà Nội mà cả các vùng nông thôn như Nam Định, Thái Bình… đều đã hiện hữu, dù mới chỉ dừng lại ở dạng triển lãm. Càng về sau, các Ngày hội STEM càng gắn nhiều hơn với thực hành tại chỗ thông qua các lớp học có nội dung hết sức đa dạng: lập trình điều khiển robot; tạo ra điện từ thức ăn; lắp mô hình xe ô tô sử dụng năng lượng mặt trời; lắp mạch điện thông minh; sử dụng toán học để vẽ tranh, xếp gỗ (Tangram, Kapla, Tessellation); lớp học mẫu theo tiếp cận giáo dục STEM để học sinh tham gia và giáo viên có thể dự giờ; lớp học STEM do giáo viên địa phương giảng dạy... Số lượng các địa phương tham gia sự kiện cũng đông lên qua từng năm, trong đó có cả những vùng xa xôi như Thanh Chương (Nghệ An), Bảo Thắng (Lào Cai)…

Đặc biệt, từ năm 2017, Ngày hội bắt đầu có sự tham gia chủ động của các trường đại học khối ngành STEM. Nếu trước đó, các trường đại học chỉ đóng vai trò là nơi cho thuê địa điểm, thì từ năm 2017, Trường ĐH KH&CN Hà Nội (USTH) và Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) không chỉ đứng ra đăng cai tổ chức sự kiện mà còn tích cực tham gia vào giảng dạy STEM, tổ chức labtour – theo đó, toàn bộ các phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế được mở cửa để mọi người có thể tới tham quan, làm thí nghiệm và hỏi về mọi vấn đề từ hoạt động của các thiết bị, máy móc thí nghiệm cho đến công việc thường ngày của các nhà khoa học. Bên cạnh đó, các giảng viên đại học còn có các bài giảng đại chúng về các vấn đề khoa học và công nghệ được xã hội quan tâm. Có thể nói, sự tham gia của khối đại học vào Ngày hội STEM đã góp phần giải quyết được rất nhiều thắc mắc của học sinh và phụ huynh về tương lai của các ngành nghề STEM, nói cách khác là góp phần làm cho định hướng nghề nghiệp của học sinh trở nên rõ ràng hơn.

Cơ khí kỹ thuật không chỉ dành cho con trai mà cả con gái nữa. Trong ảnh: Hai em học sinh nữ hàn các đèn Led vào mạch điện để làm Găng tay Thanos tại Ngày hội STEM 2019. Ảnh: Ngô Hà
Cơ khí kỹ thuật không chỉ dành cho con trai mà cả con gái nữa. Trong ảnh: Hai em học sinh nữ hàn các đèn Led vào mạch điện để làm Găng tay Thanos tại Ngày hội STEM 2019. Ảnh: Ngô Hà

Qua các hoạt động bề nổi tại các Ngày hội STEM, vẫn có thể thấy một chiều sâu nhất định của các hoạt động dạy và học theo tiếp cận tích hợp liên môn ở các trường. Những nơi tổ chức được các Ngày hội STEM sôi nổi cũng là nơi thường diễn ra các cuộc thi như Xây dựng giáo án STEM ở huyện Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai) hay thi thiết kế mô hình học tập phục vụ cho giáo dục STEM tại TP Lào Cai, huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu), huyện Nam Trực (tỉnh Nam Định) và nhiều địa phương khác trên cả nước. Hy vọng rằng, dù chậm, nhưng giáo dục STEM tại các địa phương cuối cùng sẽ đi dần từ các hoạt động trình diễn sang hoạt động giáo dục thực chất hơn.

Để thích ứng với tình hình dịch bệnh, năm 2021, lần đầu tiên Ngày hội STEM được tổ chức trực tuyến dưới dạng các hội thảo dành cho các giáo viên và nhà chuyên môn.

Năm 2022, Ngày hội STEM Quốc gia vẫn được tổ chức dưới dạng hội thảo online nhưng có kết hợp với các hoạt động tại chỗ của các địa phương để kết nối thành chuỗi Ngày hội STEM.

Đáng nói, phần hội thảo - diễn ra tại trụ sở của Bộ KH&CN trong ngày chính hội (20/5) - sẽ có nhiều điểm khác biệt cơ bản so với trước đây. Ngày hội STEM Quốc gia năm nay mang chủ đề “Vượt lên biến động” với ý nghĩa khẳng định rằng, cho dù trong hoàn cảnh nào, giáo dục STEM cũng vượt qua các khó khăn và thách thức để đến với từng học sinh.

Với mong muốn Ngày hội STEM là sân chơi của chính học sinh và do học sinh, sự kiện sẽ dành hẳn một diễn đàn cho học sinh các cấp chia sẻ về các hình thức tổ chức hoạt động của câu lạc bộ STEM trong nhà trường, từ những đơn vị có bề dầy thành tích như Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam đến học sinh các khu vực vùng cao như huyện Bình Gia (tỉnh Lạng Sơn) hay Than Uyên (tỉnh Lai Châu). Tham dự hội thảo này đặc biệt còn có các cựu học sinh từng đạt giải cao trong các cuộc thi STEM quốc tế, đang làm nghiên cứu ở nước ngoài, nhằm cổ vũ tinh thần các em học sinh có niềm say mê với các hoạt động giáo dục STEM ở trong nước. Bên cạnh đó, còn có diễn đàn để các thầy cô ở địa phương, các chuyên gia và phụ huynh chia sẻ về hoạt động và kinh nghiệm giáo dục STEM của mình. Từ thảo luận của các bên, bức tranh toàn cảnh về giáo dục STEM ở Việt Nam có thể sẽ hiện ra đầy đủ và rõ nét.

Cũng trong khuôn khổ sự kiện, còn có chuỗi các Ngày hội STEM ở khoảng 10 địa phương như Phú Thọ, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Yên Bái, Cao Bằng, Lai Châu, Lào Cai… diễn ra từ cuối tháng 4 đến hết tháng 5/2022. Các Ngày hội tại địa phương được tổ chức theo format và có sự hỗ trợ của BTC Ngày hội STEM Quốc gia.

Tìm bạn đồng hành

Trong quãng thời gian 7 năm đồng hành cùng các hoạt động khuyến STEM ở nông thôn và vùng cao, bản thân Liên minh STEM cũng trưởng thành lên rất nhiều. Từ chỗ chỉ gồm một nhóm nhỏ các kỹ sư, giảng viên đại học tự lên kế hoạch và triển khai với nhau, đến nay, Liên minh STEM đã kêu gọi được sự ủng hộ, hỗ trợ của nhiều tổ chức và cá nhân, những người không muốn được nên tên trong vai trò của nhà tài trợ. Trong đó, phải kể đến Trường Đại học VinUni với vai trò nhà tài trợ rất lớn cho các hoạt động thúc đẩy giáo dục STEM cho khối THPT trên toàn quốc.

Đến nay, Liên minh STEM đã tiến hành tập huấn về giáo dục STEM cho hàng nghìn trường tiểu học, THCS, THPT trên cả nước. Liên minh STEM cũng đã kêu gọi được các cá nhân/tổ chức tặng tổng cộng hơn 2.000 bộ robot giáo dục cho các trường phổ thông trên khắp cả nước, mỗi trường 2- 5 bộ.

Không chỉ tập trung vào phổ biến giáo dục STEM, với các địa phương cần phát triển các CLB và các hoạt động nâng cao, các chuyên gia của Liên minh STEM đều hỗ trợ từ phương pháp cho đến trang thiết bị.

Cũng trong quãng thời gian đó, không thể không kể đến vai trò đồng hành, bảo trợ của Bộ KH&CN như một cơ quan cao nhất của chính phủ phụ trách các lĩnh vực STEM của đất nước. Thông qua báo Khoa học và Phát triển cùng tạp chí Tia Sáng - cơ quan ngôn luận của Bộ KH&CN, tin tức và tinh thần của các Ngày hội STEM đã lan toả ra khắp cả nước, tạo nên niềm tự hào và hứng khởi cho các trường mới bắt đầu tiếp cận giáo dục STEM. Hai ấn phẩm này còn đóng góp cho phong trào giáo dục STEM một trang web (ngayhoistem.org) tựa như không gian triển lãm các hoạt động giáo dục STEM quanh năm của bất kỳ trường học nào có nhu cầu. Hiện đã có gần 100 trường (từ mẫu giáo đến đại học) và doanh nghiệp giáo dục có triển lãm riêng trên trang web này.

Trên khắp cả nước, có rất nhiều người đang đóng góp cho xã hội theo cách của riêng mình. Nhưng trong các hoạt động khuyến STEM ở nông thôn và vùng cao, hiện nay hầu như chỉ có Liên minh STEM tham gia với mục đích phi lợi nhuận và không dùng ngân sách nhà nước. Hoạt động của các tổ chức độc lập như Liên minh STEM càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh về mặt chính sách vĩ mô, đã có những chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ từ năm 2017 và các công văn của Bộ GD&ĐT trong nhiều năm, nhưng nhìn chung, giáo dục STEM vẫn chưa trở thành nhiệm vụ chính được ưu tiên triển khai tại các trường phổ thông bởi muôn vàn khó khăn liên quan đến chương trình, nguồn lực… Vì thế, các trường rất cần những hỗ trợ trực tiếp, như cách mà Liên minh STEM vẫn đang làm: không chỉ tài trợ cơ sở vật chất mà còn đứng ra đào tạo, tập huấn, từ đó góp phần tạo môi trường và khuyến khích sự vào cuộc của chính quyền địa phương để thúc đẩy giáo dục STEM.

Để có thể tiếp tục mở rộng hoạt động, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cho các chương trình chuyển đổi số quốc gia hay phát triển khoa học và công nghệ, Liên minh STEM rất cần được tiếp sức bởi toàn xã hội, đặc biệt là của các công ty công nghệ lớn, các trường đại học có khối ngành STEM; và mong mỏi thay sự xuất hiện của các tổ chức giống như Liên minh STEM để chúng tôi có thêm bạn đồng hành trên con đường vạn lý này.

Qua nhiều năm tham gia thúc đẩy giáo dục STEM ở nhiều nơi trên cả nước, tôi nhận thấy, thiếu kiến thức và kinh nghiệm về giáo dục STEM là nguyên nhân chính dẫn tới việc chậm trễ trong triển khai giáo dục STEM. Hiện nay, nhiều cán bộ quản lý giáo dục các cấp chưa coi việc thúc đẩy giáo dục STEM là nhiệm vụ chính, cũng như chưa nhận thức rõ về vai trò đặc biệt quan trọng của giáo dục STEM đối với công cuộc chuyển đổi số trong giáo dục.

Thực tế cho thấy, những địa phương tiên phong triển khai giáo dục STEM đều là những nơi có lãnh đạo và cán bộ quản lý giáo dục tích cực học hỏi để cập nhật cái hay, cái mới từ giáo dục STEM và chuyển đổi số.

Bởi vậy, muốn thúc đẩy giáo dục STEM có kết quả thì phải tập huấn xóa mù kiến thức về giáo dục STEM cho lãnh đạo Sở Giáo dục, Phòng Giáo dục và hiệu trưởng các trường để tạo ra nhận thức chung. Họ cũng cần nắm vững những kiến thức tối thiểu về giáo dục STEM để có thể lập kế hoạch tập huấn giáo viên và tổ chức các hoạt động thúc đẩy giáo dục STEM.

Ông Đỗ Hoàng Sơn, thành viên Liên minh STEM