Màu hồng đã xuất hiện từ một tỷ năm trước. Đây từng là màu sắc của những thợ săn cổ đại dữ dằn, những người phụ nữ Pháp quyền lực, và cả các bé trai nữa.

Phu nhân de Pompadour, người giúp phổ biến màu hồng ra khắp châu Âu.
Phu nhân de Pompadour, người giúp phổ biến màu hồng ra khắp châu Âu.

Màu hồng trong thế giới cổ đại


Từ một nghiên cứu vào năm 2018, các nhà khoa học đã phát hiện ra chất màu hồng sáng trong những tảng đá có tuổi đời 1,1 tỷ năm - hóa thạch của hàng tỷ vi khuẩn lam nhỏ bé từng phiêu du trong các đại dương.

Con người cổ đại đã cố gắng tìm cách lấy được màu hồng từ tự nhiên để tô điểm cho cuộc sống của mình. Chẳng hạn, trên Dãy núi Andes khoảng 9.000 năm về trước, những tay thợ săn mạnh mẽ ở vùng đất hiện nay là nước Peru đã mặc trang phục từ da thú có sắc hồng nhờ hồng thổ, một chất nhuộm oxit sắt tự nhiên cổ nhất mà loài người từng sử dụng.

Song, con người không hài lòng với việc quệt chất màu này lên những bức tường trong các hang động, hay sử dụng nó trong khi thuộc da thú. Từ thời Ai cập cổ đại, con người đã sử dụng đất son để phủ lên làn môi và đôi má. Khi dặm lên da, chất nhuộm màu đỏ khiến da ửng hồng, khiến người nhìn liên tưởng tới tình yêu, tình dục và sắc đẹp. Những hỗn hợp có màu sắc tương tự phổ biến trên toàn thế giới, sử dụng mọi thứ từ quả dâu nghiền cho tới rau dền đỏ.

Màu sắc của mỹ phẩm và chủ nghĩa thực dân


Tuy chúng ta không biết từ này bắt nguồn từ đâu, song từ “màu hồng” (pink) đã được dùng để mô tả màu sắc trong thế kỷ 18. Hồi đó, hồng là màu sắc có mối liên hệ mật thiết với chủ nghĩa thực dân. Vì việc chế tạo mỹ phẩm đòi hỏi chất màu này, những người châu Âu đã khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở những khu vực khác trên thế giới.

Ví dụ, khi cố gắng chiết xuất chất nhuộm màu hồng nhạt từ vỏ cây và nhựa cây màu đỏ của các cây gỗ vùng Brazil, các thương nhân châu Âu đã buộc những công nhân bị bắt làm nô lệ chặt vô vàn cây gỗ, tới mức đất nước này bị phá rừng trầm trọng và loại cây kể trên gần như tuyệt chủng.

Trong kỷ nguyên này, Đế quốc Anh đã bành trướng sự đô hộ của mình trên khắp thế giới, các nhà làm bản đồ đã sử dụng màu hồng để đánh dấu lãnh thổ của Anh quốc. Và, hẳn các bạn đã đoán được, sắc hồng là màu chủ đạo trên những tấm bản đồ này.

Cơn sốt thời trang với màu hồng

Khi các sắc đỏ trở nên phổ biến và rẻ hơn, giới quý tộc châu Âu thế kỷ 18 quay sang mê đắm màu hồng. Sử gia nghệ thuật Michel Pastoureau viết rằng “những tầng lớp được hưởng đặc quyền cao nhất trong xã hội châu Âu muốn có những màu nhạt hơn, nửa sắc độ, và những cải tiến mới nhất trong các sắc thái màu để nổi bật hơn hẳn so với tầng lớp trung lưu, những người giờ đây có thể dùng những màu sắc sáng và mạnh”.

Khi thuốc nhuộm tổng hợp xuất hiện vào giữa thế kỷ 19 – tạo ra màu hồng tím, hay còn gọi là màu hoa cà – màu hồng trở nên dễ tiếp cận hơn bao giờ hết. Đến những năm 1930, màu hồng sáng trở thành cơn sốt thời trang thực sự. Nhà thiết kế cách tân Elsa Schiaparelli đã biến “màu hồng gây sốc” trở thành màu sắc đặc trưng của mình, giúp truyền bá phong cách thời trang thịnh hành cho trang phục của nữ giới.

Vào năm 1935, ngay cả những tờ báo địa phương như News and Observer ở Raleigh, North Carolina,cũng tuyên bố “HỒNG LÀ SẮC MÀU ƯA CHUỘNG”. Và vào năm 1939, một nhà bình luận hoàng gia đã viết trên tờDaily Telegraph ở London rằng màu hồng phổ biến tới nỗi cả phù dâu lẫn quý tiểu thư mới ra mắt xã hội thượng lưu đều mặc trang phục mang màu này.

Màu hồng cho các… bé trai?

Quanh thời gian này, màu hồng còn liên quan tới một lĩnh vực khác: thời trang cho trẻ sơ sinh. Giới tính và thời trang cho em bé đã đan xen vào nhau. Vào khoảng Chiến tranh thế giới I, các mục tư vấn thời trang và hướng dẫn xã giao đều bắt đầu với lời khuyên rằng các bà mẹ nên mặc cho con mình màu sắc phù hợp với giới tính.

Nhưng đó là những màu nào? Tạp chí Time đã đăng một cuộc khảo sát các nhà bán lẻ diễn ra vào năm 1927 về màu sắc quần áo cho trẻ sơ sinh. Những người tham gia có quan điểm trái ngược hoàn toàn: người thì khuyến nghị bé trai nên mặc màu hồng, người thì cho rằng màu hồng là hợp nhất với trẻ em gái.

Nghiền sâu yên chi làm màu nhuộm. Nguồn: Haute Culture
Nghiền sâu yên chi làm màu nhuộm. Nguồn: Haute Culture

Tuy nhiên, vào những năm 1960, các bà mẹ đã bắt đầu mua quần áo màu hồng cho các bé gái, còn các bé trai được cho mặc màu xanh dương. Đây thực chất là chiêu trò của các nhà bán lẻ. Bởi sau Chiến tranh Thế giới II, xã hội nỗ lực củng cố vai trò giới tính truyền thống trong các gia đình Mỹ, và màu hồng được chọn để thành dấu hiệu cho giới tính nữ của em bé.

Mặt tối của màu hồng


Màu hồng cũng từng bị coi là biểu tượng cho sự ẻo lả, yếu đuối, hàm chứa ác ý.

Chẳng hạn, dưới thời Đức quốc xã, màu hồng được dùng để dán nhãn cho đàn ông đồng tính ở các trại tập trung và trại hành quyết. Và khi Chiến tranh Lạnh bắt đầu, những người bị cho là có cảm tình với Cộng sản sẽ bị gọi bằng cái tên xúc phạm là “pinko” – một từ để chỉ những người có khuynh hướng chính trị thiên tả.

Các thành viên của phong trào giải phóng phụ nữ cũng cố gắng tránh xa màu sắc gắn liền với nữ tính và tình dục. Trong khi đó, những người phản đối nữ quyền lại lấy màu hồng làm biểu tượng. Như trong những năm 1960-1970, tác giả Helen B. Andelin luôn diện các trang phục màu hồng khi thuyết trình trước công chúng, nhằm khuyến khích phụ nữ từ bỏ nữ quyền và chấp nhận cuộc sống nội trợ.

Màu hồng trong xã hội ngày nay

Màu hồng vẫn gắn liền với nữ tính ngày nay. Tuy nhiên, trong các thập niên gần đây, các nhóm từng bị gắn với màu sắc này với hàm ý coi thường đã có những động thái dùng chính nó làm tuyên ngôn.

Ví dụ, cộng đồng LGBTQ lại dùng chính màu hồng làm biểu tượng cho phong trào đòi công bằng xã hội cho mình. Năm 1987, Liên minh giải phóng sức mạnh phòng chống AIDS (ACT UP) đã dùng hình tam giác màu hồng kẹo cao su trong chiến dịch “Im lặng = Cái chết” để nâng cao nhận thức về HIV-AIDS và xóa bỏ sự kì thị đối với căn bệnh thế kỷ.

Nguồn: nationalgeographic