Yoga là một trong số ít các phương pháp tập luyện chú trọng vào sự thống nhất và hài hòa giữa tâm trí và cơ thể. Nền văn minh Indus-Sarasvati ở miền Bắc Ấn Độ đã phát triển những lý thuyết đầu tiên về yoga cách đây gần 5000 năm.

Yoga là một môn tập luyện tập trung vào sự linh hoạt, nhịp thở và sức mạnh. Mọi người thường tập yoga để rèn luyện sức khỏe tinh thần và sự tĩnh lặng, bên cạnh những lợi ích về mặt thể chất mà nó mang lại.

Ngày nay, yoga phổ biến đến mức bạn có thể thấy nó ở khắp mọi nơi. Đó có thể là các lớp học tại trung tâm thể dục ở địa phương, các chương trình truyền hình hay mạng xã hội. Quy trình thực hành các loại yoga đôi khi chỉ đơn giản là việc bạn trải thảm yoga trong phòng khách và thực hiện một số động tác chào Mặt trời trước khi làm việc.

Lịch sử phát triển của yoga thường được chia thành bốn giai đoạn chính, bao gồm thời kỳ Kinh Vệ đà tiền cổ điển, cổ điển, hậu cổ điển và thời kỳ hiện đại.

Ảnh: Wikipedia.

Thời kỳ Kinh Vệ đà tiền cổ điển

Có rất nhiều giả thuyết về mốc thời gian yoga bắt đầu xuất hiện. Một số người nói rằng nó đã ra đời cách đây khoảng 5.000 năm hoặc lâu hơn. Nhưng theo thông tin từ Bộ Ngoại giao của Chính phủ Ấn Độ, nền văn minh Indus-Sarasvati ở miền Bắc Ấn Độ là những người đầu tiên phát triển lý thuyết về yoga vào khoảng năm 2.700 trước Công nguyên.

Từ “yoga” có nguồn gốc từ chữ tiếng Phạn “yuj” có nghĩa là “tham gia” hoặc “hợp nhất”. Thuật ngữ này xuất hiện lần đầu tiên trong Rigveda, văn bản lâu đời nhất trong số bốn văn bản tôn giáo được gọi chung là Kinh Vệ đà. Rigveda là bộ sưu tập các bài thánh ca tiếng Phạn của Ấn Độ – một trong những văn bản linh thiêng nhất của Ấn Độ giáo ra đời vào khoảng năm 1500-1200 trước Công nguyên, theo Bách khoa toàn thư Britannica.

Các mẹo để kiểm soát hơi thở và cân bằng năng lượng đã được thảo luận trong Kinh Vệ đà. Phương pháp luyện tập giống như yoga cũng xuất hiện trong một văn bản tiếng Phạn khác gọi là kinh Upanishad.

Trong cuốn sách “Những cái nhìn thoáng qua về Raja Yoga: Giới thiệu về Kinh Yoga của Patanjali”, tác giả Vimala Thakar tiết lộ rằng người dân Ấn Độ cổ đại thường tìm đến một “rishi”, hay người đã giác ngộ, để xin lời chỉ dẫn về những giáo lý trong Kinh Vệ đà. Yoga trong thời kỳ này được gọi là yoga Vệ đà.

Thời kỳ cổ điển

Yoga sau đó chuyển sang giai đoạn cổ điển từ năm 500 trước Công nguyên đến năm 800 sau Công nguyên, theo Bộ Ngoại giao Ấn Độ. Trong thời gian này, nhiều tài liệu mới đã trình bày một cách có hệ thống các phương pháp tập yoga. Nổi bật nhất trong số đó là “Kinh Yoga” của nhà hiền triết Patanjali ở Tamilakam cổ đại.

Kinh Yoga là tài liệu ghi chép bằng tiếng Phạn về lý thuyết và thực hành yoga. Nó được coi là tài liệu cần phải đọc đối với những người theo thuyết du già. Kinh Yoga đề cập đến khái niệm “ashtanga” hay tám nhánh (bước) của yoga bao gồm: Yama (Giới), Niyama (Luật), Asana (Tư thế), Pranayama (Điều khí), Pratyahara (Điều tâm), Dharana (Tập trung), Dhyana (Thiền), Samadhi (Định). Ngày nay, hệ thống tám bước của Patanjali đã trở thành nền tảng của thực hành yoga hiện đại.

Nhiều học giả cho rằng cả Ấn Độ giáo và Phật giáo đóng vai trò không thể thiếu trong việc hình thành các hệ thống yoga chặt chẽ và mạch lạc. Trên thực tế, yoga là một trong sáu trường phái triết học của Ấn Độ giáo.

Thời kỳ hậu cổ điển

Nhiều thế kỷ sau khi tác phẩm Kinh Yoga của Patanjali ra đời, yoga vẫn tiếp tục phát triển trong giai đoạn từ năm 800 đến năm 1700 sau Công nguyên. Nguyên nhân một phần là do nguồn gốc tôn giáo của yoga, cũng như lợi ích của nó đối với sức khỏe tinh thần – yếu tố được coi là trọng tâm của yoga trong suốt nhiều thế kỷ.

Tuy nhiên, những người tập luyện ngày càng muốn khám phá cách thức yoga cải thiện thể chất của một người. Họ coi thể chất quan trọng hơn tinh thần trong hành trình đi đến giác ngộ, dẫn đến nhiều thay đổi đối với các loại hình yoga.

Theo Med India, những người tập yoga trong thời kỳ này đã phát triển các phương pháp lấy cơ thể làm trung tâm như Tantra yoga và Hatha yoga. “Hatha” là một từ tiếng Phạn có nghĩa là “sức lực”, qua đó phản ánh tầm quan trọng của thể chất trong loại hình yoga này.

Thời kỳ hiện đại

Theo báo cáo của Tạp chí Yoga, các bậc thầy yoga đã bắt đầu đi đến châu Âu và châu Mỹ để chia sẻ những giáo lý về yoga từ cuối những năm 1800. Người đầu tiên truyền giảng về yoga là Swami Vivekananda vào năm 1893. Những lời dạy của ông đã được giới trí thức phương Tây đón nhận một cách nồng nhiệt và hiếu kỳ, trong số đó bao gồm cả những học giả nổi tiếng như Ralph Waldo Emerson và Arthur Schopenhauer.

Các chuyên gia yoga như Tirumalai Krishnamacharya và Swami Sivananda cũng có nhiều công lao trong việc truyền bá Hatha yoga đến với công chúng. Sivananda đã xuất bản hơn 200 cuốn sách về lý thuyết và thực hành yoga. Năm 1924, Krishnamacharya mở trường dạy Hatha yoga đầu tiên ở Mysore, Ấn Độ. Sivananda thành lập tổ chức Divine Life Society (DLS) vào năm 1936 để giảng dạy các triết lý của Ấn Độ giáo, trong đó có yoga.

Indra Devi là người phụ nữ đầu tiên theo học Krishnamacharya. Cô tiếp tục dạy những lớp yoga đầu tiên ở Trung Quốc, sau đó mở một trong những phòng tập yoga đầu tiên ở Hollywood vào năm 1948. Cô có nhiều học trò nổi tiếng, chẳng hạn như Gloria Swanson. Cô được mệnh danh là “đệ nhất phu nhân yoga”.

Sau thành công của Devi, nhiều trường học yoga khác đã ra đời vào thế kỷ 20. Đó là nơi giảng dạy các các trường phái Bikram yoga của Bikram Choudhury và Sivananda yoga.

Một trong những khía cạnh khiến yoga trở nên phổ biến, thậm chí trở thành xu hướng, chính là việc sử dụng nó như một hình thức tập thể dục. Sự pha trộn giữa phong cách thể dục của phương Tây với các tư thế yoga cổ điển bắt đầu diễn ra từ thế kỷ 20. Không lâu sau đó, yoga đã phát triển thành một ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ đô la, với giá trị ước tính hiện nay khoảng 80 tỷ USD trên toàn cầu. Theo Statista, doanh thu của ngành yoga ở Mỹ là 11,56 tỷ USD vào năm 2020, tăng lên so với doanh thu 9,09 tỷ USD vào năm 2015.

Cũng trong năm 2015, Liên Hợp Quốc công bố ngày 21/6 là “Ngày Quốc tế Yoga”, được tổ chức hằng năm. Một năm sau đó, UNESCO công nhận yoga là một môn tập luyện nằm trong danh sách “di sản văn hóa phi vật thể”, đồng nghĩa với việc yoga chính thức được công nhận là một phần không thể thiếu của văn hóa Ấn Độ.