Buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp là tội phạm đứng thứ tư trên thế giới - sau buôn vũ khí, ma túy và buôn người - với nguồn lợi nhuận tạo ra lên tới 7-23 tỷ USD mỗi năm. Vậy nhưng rất hiếm khi dòng tiền này bị nhắm đến trong các cuộc điều tra tội phạm.

Báo cáo mới của Cơ quan Điều tra môi trường quốc tế (EIA) mang tên “Money Trails - Identifying financial flows linked to wildlife trafficking” (tạm dịch: Dấu vết tiền - Xác định các dòng tài chính liên quan đến buôn bán động vật hoang dã) xem xét thực trạng hiện tại và đưa ra lý do sử dụng các cuộc điều tra tài chính và luật chống rửa tiền làm tiêu chuẩn khi điều tra tội phạm động vật hoang dã.

Cùng với phân tích các rào cản thực thi pháp luật, báo cáo đưa ra nghiên cứu trường hợp về hai cuộc điều tra lớn của EIA để theo dõi các đường đi nước bước của dòng tiền từ buôn lậu động vật hoang dã.

Vụ án Mikocheni

Trong thập kỷ qua, Tanzania đã bị săn trộm nhiều voi hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở Châu Phi. Giữa 2009-2014, số lượng voi ở đây giảm 60%, từ 110.000 xuống còn 43.000. Tanzania là mục tiêu của các nhóm tội phạm có tổ chức buôn bán ngà voi thô từ Đông Phi đến các thị trường đang phát triển ở Đông Á, chủ yếu là Trung Quốc. Lợi nhuận tiềm năng là rất lớn, một kg ngà voi thô mua từ những kẻ săn trộm ở địa phương có giá khoảng 50 USD và có thể bán với giá lên tới 2.000 USD ở Trung Quốc.

Vào tháng 11/2013, ở đỉnh điểm của nạn buôn lậu, cảnh sát ở Dar es Salaam, thủ đô thương mại của Tanzania, chú ý đến một ngôi nhà lớn ở khu nhà giàu thuộc ngoại ô Mikocheni với các hoạt động vận chuyển đáng ngờ. Cuối cùng, cảnh sát đột kích và bắt ba người đàn ông Trung Quốc đang đóng gói các phần ngà voi vào bao tải, ngụy trang lẫn với vỏ sò và tỏi. Tổng cộng, 706 miếng ngà nặng 1,8 tấn đã bị thu giữ và có giá trị khoảng 2,5 triệu USD.

Ngôi nhà bị đột kích tại Mikocheni.

Ba người đàn ông được xác định là Huang Gin, Xu Fujie và Chen Jinzhan. Hai người đầu tiên đã ở Tanzania trong nhiều năm, người thứ ba đến từ Uganda vài ngày trước cuộc đột kích. Nhóm này khi bị phát giác đã tìm cách dùng 50.000 USD tiền mặt mua chuộc các sĩ quan bắt giữ. Cả ba người bị buộc tội sở hữu bất hợp pháp động vật hoang dã và tham nhũng. Huang và Xu sau đó bị kết án 30 năm tù, trong khi Chen được tha bổng vì chỉ vừa mới đến. Các cuộc điều tra tiếp theo đã dẫn đến việc xác định và bắt giữ hai công dân Tanzania làm nhiệm vụ cung cấp ngà voi cho cơ sở bị đột kích - Salvius Matembo và Julius Philemon Manase.

Rà soát thêm các tài liệu được tìm thấy tại kho hàng, cảnh sát phát hiện hai người Tanzania đã dùng địa chỉ này để đăng ký hai công ty: Evergo International và YQP International. Hoạt động bình phong của hai công ty này là nhập khẩu nông sản và thực phẩm từ Trung Quốc, và xuất khẩu hải sản tới Trung Quốc. Nhiều thùng tỏi Trung Quốc đã được tìm thấy tại cơ sở trong cuộc đột kích. Hồ sơ công ty chỉ đến hai công dân quốc tịch Trung Quốc, Deng Jiyun và Zhang Mingzhi kiểm soát hai công ty. Cả hai trốn về Trung Quốc ngay sau cuộc đột kích. Mặc dù INTERPOL phát lệnh truy nã, hai người này vẫn chưa bị bắt.

Các hoạt động chuyển khoản của Evergo International và YQP International liên quan đến bốn công ty "kinh doanh thực phẩm và xuất nhập khẩu" ở Trung Quốc đại lục và ba công ty ở Hồng Kông. Có ngày, nửa triệu USD tiền mặt được chuyển vào tài khoản công ty, nhưng các ngân hàng không báo cáo giao dịch đáng ngờ. Hai trong số bốn công ty Trung Quốc được đăng ký tại Hồ Nam, vốn được biết đến như một trung tâm buôn bán ngà voi.

Dựa trên các thông tin thu được, cảnh sát Tanzaniathu tiếp tục thu giữ 4,7 tấn ngà voi trị giá 5,9 triệu USD. Các nhân viên tại cơ sở đều chịu án tù dài, tuy nhiên những điều phối viên người Trung Quốc đã bỏ trốn ngay sau vụ bắt giữ ban đầu.

Các dấu hiệu EIA lưu ý từ vụ án này là những khoản thanh toán tiền mặt rất lớn vào các tài khoản cá nhân ở các khu vực có nguy cơ buôn lậu cao, và tài khoản của các công ty xuất khẩu các mặt hàng có giá trị tương đối thấp như vỏ sò từ Đông Phi sang Châu Á.

Một vụ án khác, vụ án tập đoàn Shuidong, buôn lậu giữa Châu Phi và Trung Quốc cũng được mô tả chi tiết trong báo cáo.

Julian Newman, Giám đốc Chiến dịch thuộc EIA và là tác giả của báo cáo cho biết: “Bao lâu nay, buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp chưa bị coi là một loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng… Có lẽ vì vậy mà rất nhiều cơ hội đã bị bỏ lỡ, ví dụ, các vụ bắt giữ lớn hàng lậu động vật hoang dã như ngà voi hoặc vảy tê tê được sử dụng cho mục đích quảng bá hơn là dùng làm vật chứng điều tra những ông trùm giấu mặt luôn giữ được đôi tay sạch sẽ dù lợi nhuận họ thu về thật bẩn thỉu”.

Các nghiên cứu trường hợp EIA cũng cho thấy việc sử dụng rộng rãi hệ thống tài chính chính thức của các tập đoàn tội phạm động vật hoang dã và các ngân hàng có vai trò quan trọng trong việc phát hiện và báo cáo các giao dịch đáng ngờ liên quan đến buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.

Newman nói rõ: “Các ông trùm buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp không phải là không thể chạm tới và các công cụ để làm việc này ngày càng có sẵn - chúng ta chỉ cần theo dõi tiền của họ để đưa họ vào sau song sắt”.

Xem báo cáo đầy đủ (tiếng Anh) tại đây.

Nguồn:

EIA, PanNature