Thông tin nào được giữ lại trong bộ nhớ theo thời gian, và phần nào bị mất? Những câu hỏi này dẫn đến nhiều giả thuyết khoa học trong nhiều năm, và bây giờ, các nhà nghiên cứu đã có thể đưa ra một số câu trả lời.

Nghiên cứu mới, được công bố trên tạp chí Nature Communications, chứng minh rằng ký ức của chúng ta trở nên ít sống động và chi tiết hơn về mặt hình ảnh theo thời gian, chỉ có ý chính cuối cùng còn được lưu giữ.

Kết quả này có thể có ý nghĩa trong một số lĩnh vực, bao gồm hiểu rõ những thay đổi có hại liên quan đến ký ức sau chấn thương, việc lấy lời khai của nhân chứng trong các vụ án, hay thậm chí là phương pháp ôn thi tốt nhất.

Một nghiên cứu mới cho thấy ký ức về hình ảnh mờ dần theo thời gian, chỉ để lại các nội dung chính của sự kiện. Ảnh minh họa.

Ký ức không phải là bản ghi chính xác của quá khứ, và quá trình ghi nhớ có tính chủ quan rất cao - các nghiên cứu trước đây đã gợi ý rằng nội dung của ký ức có thể thay đổi mỗi khi chúng ta nhớ lại nó.

Tuy nhiên, chính xác thì ký ức của chúng ta khác với trải nghiệm ban đầu như thế nào, và ký ức biến đổi theo thời gian như thế nào, cho đến nay vẫn rất khó đo lường trong môi trường phòng thí nghiệm.

Đối với nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã phát triển một phần mềm máy tính đo lường tốc độ mọi người có thể nhớ lại các đặc điểm nhất định của ký ức thị giác khi được yêu cầu.

Những người tham gia đã học các cặp từ-hình ảnh và sau đó được yêu cầu nhớ lại các yếu tố khác nhau của hình ảnh khi từ trong cặp từ-hỉnh ảnh được nhắc đến. Ví dụ: những người tham gia được yêu cầu nhớ ra, càng nhanh càng tốt, hình ảnh được tô màu hay đen trắng (một chi tiết tri giác), hoặc hình ảnh biểu thị một đối tượng động hay vô tri (một yếu tố ngữ nghĩa).

Những bài kiểm tra này, nhằm kiểm tra chất lượng của ký ức hình ảnh, được thực hiện vào hai thời điểm: ngay sau khi người tham gia vừa học cặp từ-hình ảnh và sau hai ngày. Kết quả thời gian phản ứng cho thấy, những người tham gia dễ nhớ lại các yếu tố có ý nghĩa, ngữ nghĩa hơn những yếu tố hình ảnh bề mặt, tri giác.

Julia Lifanov, tác giả chính của nghiên cứu từ Đại học Birmingham, cho biết: "Nhiều lý thuyết về trí nhớ cho rằng theo thời gian, và khi mọi người kể lại câu chuyện của mình, họ có xu hướng quên đi những chi tiết hình ảnh bề mặt nhưng vẫn giữ được nội dung ý nghĩa, ngữ nghĩa của một câu chuyện".

"Hãy tưởng tượng hồi tưởng về bữa tối trước thời kỳ Covid với một người bạn - bạn rất khó nhớ lại cách trang trí bàn ăn nhưng biết chính xác món bạn đã gọi; hoặc bạn nhớ cuộc trò chuyện với người phục vụ, nhưng không nhớ màu áo của anh ta. Các chuyên gia trí nhớ gọi hiện tượng này 'ngữ nghĩa hóa'", Lifanov giải thích.

Giáo sư Maria Wimber, tác giả cao cấp của nghiên cứu từ Đại học Glasgow, cho biết: "Việc trí nhớ hướng tới sự hồi tưởng về các yếu tố ngữ nghĩa mà chúng tôi chứng minh trong nghiên cứu này chỉ ra rằng ngay từ đầu những ký ức thường thiên về nội dung có ý nghĩa - và các nghiên cứu trước đây cũng đã cho thấy sự thiên vị này được phản ánh rõ ràng trong các tín hiệu não".

"Ký ức của chúng ta thay đổi theo thời gian và mục đích sử dụng, đó là khả năng thích nghi. Chúng ta thường muốn ký ức của mình lưu giữ lại những thông tin hữu ích nhất có thể trong trường hợp chúng ta gặp phải những tình huống tương tự trong tương lai", Wimber nói thêm. Và các chi tiết hình ảnh bề mặt, chẳng hạn như màu áo, thì ít quan trọng hơn cho mục đích này.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra, khuynh hướng thiên vị nội dung ngữ nghĩa trở nên mạnh mẽ hơn đáng kể theo thời gian. Khi những người tham gia quay lại phòng thí nghiệm hai ngày sau đó, họ trả lời các câu hỏi chi tiết về hình ảnh và tri giác chậm hơn nhiều, nhưng vẫn có khả năng hồi tưởng nhanh các nội dung ngữ nghĩa. Tuy nhiên, sự thay đổi từ ký ức giàu chi tiết sang ký ức dựa trên khái niệm/ nội dung chính ít rõ rệt hơn ở nhóm đối tượng được xem lại các hình ảnh nhiều lần, thay vì phải cố nhớ lại.

Nghiên cứu mới có ý nghĩa trong việc thăm dò bản chất của ký ức trong nghiên cứu sức khỏe và bệnh tật. Nó cung cấp một công cụ để nghiên cứu những thay đổi có hại liên quan đến ký ức, ví dụ như trong rối loạn căng thẳng sau chấn thương, khi bệnh nhân thường bị ám ảnh bởi những ký ức đau buồn và có xu hướng khái quát hóa những trải nghiệm này trong những tình huống mới ở hiện tại.

Các phát hiện mới này cũng giúp hiểu được trí nhớ của nhân chứng trong một vụ án có thể bị sai lệch như thế nào khi nhớ lại cùng một sự kiện; và chứng minh rằng việc tự kiểm tra bản thân trước các kỳ thi (ví dụ: bằng cách sử dụng thẻ ghi nhớ) sẽ làm cho thông tin có ý nghĩa lưu lại lâu hơn.

Nguồn: