Trước khi bị con người can thiệp, phần lớn khu vực Bắc châu Âu được bao phủ bởi những cánh rừng nguyên sinh trải dài hàng ngàn km. Ngày nay, chúng hầu như đã biến mất, chỉ còn lại một vài mảng cây già cỗi ở mãi xa dãy Carpathians và các vùng núi khác. Rừng Bialowieza nằm giữa biên giới Ba Lan và Belarus là một ngoại lệ.

Bao phủ diện tích gần 1.500 km2, Bialowieza chính là khu rừng nguyên sinh cuối cùng còn sót lại ở vùng đồng bằng đất thấp châu Âu1. Đây cũng là nơi sinh sống của những cây vân sam (spruce), sồi (oaks), tần bì (ash) khồng lồ,… cùng hơn 20.000 loại động vật, bao gồm loài bò rừng châu Âu (bison)2 – đã bị săn bắt đến mức tuyệt chủng hồi đầu thế kỷ XX.

Các hoạt động săn bắn có giới hạn bắt đầu xuất hiện tại Bialowieza từ cuối thế kỷ XIV dưới sự cho phép của nhà vua Ba Lan. Sang thế kỷ XV, khu rừng ngày càng bị nhiều thợ săn xâm nhập, và chính bản thân vua Władysław Jagiełło (1362 – 1434) cũng thích săn bắn ở nơi này. Ông còn tự xây dựng cho mình một trang viên bằng gỗ ở ngay giữa rừng; dinh thự được sơn màu trắng và trở thành niềm cảm hứng cho tên gọi Bialowieza (mang nghĩa “tòa tháp màu trắng” trong tiếng Ba Lan).

Rừng Bialowieza. Ảnh: Andrii Zymohliad/Flickr

Tới thời vua Sigismund I (1467 – 1548), lệnh cấm săn bắn đã giúp Bialowieza được hưởng sự yên bình cho đến tận cuối thế kỷ XVII, trước khi một vài ngôi làng nhỏ mọc lên để phục vụ ngành công nghiệp khai thác quặng sắt và sản xuất hắc ín. Sau sự kiện chia cắt Ba Lan vào cuối thế kỷ XVIII3, Sa hoàng Pavel I (1754 – 1801) đã bãi bỏ quy định cấm săn bắn và Bialowieza lại một lần nữa trở thành địa bàn ưa thích của đám thợ săn. Kết quả là chỉ trong vòng 15 năm, số lượng bò rừng châu Âu đã sụt giảm từ 500 xuống còn dưới 200 con. Sang thế kỷ XIX, các thế lực chính trị thay nhau nắm quyền trên đất Ba Lan, số phận của khu rừng lại càng trở nên “bi thảm” hơn. Đầu thế kỷ XX, dưới sự kiểm soát của Đế quốc Nga, khu rừng được quây thành chốn săn bắn tiêu khiển cho hoàng gia, khiến hàng ngàn con nai, lợn rừng,… biến mất; và con bò rừng châu Âu hoang dã cuối cùng đã bị bắn hạ vào năm 1921.

Sau khi nền quân chủ Nga bị lật đổ4 và cuộc chiến Ba Lan – Liên Xô5 kết thúc năm 1921, Chính phủ Đệ nhị Cộng hòa Ba Lan (1918 – 1939)6 tuyên bố Bialowieza là khu bảo tồn quốc gia. Khi ấy, cả thế giới chỉ còn lại đúng 54 con bò rừng châu Âu, và rừng Bialowieza thì không có con nào. Vì vậy, năm 1929, Chính phủ Ba Lan đã đặt mua 4 con bò từ những vườn thú khác nhau trên thế giới để thả vào khu rừng. Trong vòng 10 năm, chúng đã sinh sôi lên thành 16 con.



Ảnh: Bộ Ngoại giao Ba Lan/Flickr

Nhưng khi mọi thứ tưởng đã dần đi vào nề nếp, Thế chiến II lại bùng nổ (1939 – 1945). Trước chiến dịch thanh lọc sắc tộc do Hitler (1889 – 1945) phát động, Bialowieza bất đắc dĩ trở thành nơi ẩn náu của các nhóm kháng chiến Ba Lan và Liên Xô. Tại đây đã diễn ra một số cuộc xung đột lẻ tẻ giữa quân nổi dậy với lực lượng Đức Quốc xã, và nhiều người tử trận được chôn cất ngay trong rừng. Sau khi chiến tranh kết thúc, Bialowieza được chia cho cả Ba Lan lẫn SSR Byelorussia (Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Byelorussia, tiền thân của Belarus sau này) kiểm soát. Phần thuộc Byelorussia bị đặt dưới sự quản lý chặt chẽ của nhà nước trong khi Ba Lan cho mở cửa lại vườn quốc gia Bialowieza vào năm 1947.

Đến năm 1992, sau khi Liên Xô tan rã7 và Cộng hòa Belarus tách ra, khu rừng được ghi vào Danh sách Di sản Thế giới cần được bảo tồn và thuộc quyền sở hữu của cả hai quốc gia.

Chú thích:
1. Đồng bằng châu Âu là khu vực cảnh quan phi đồi núi lớn nhất tại “Lục địa già” (mặc dù một số cao nguyên vẫn được tính nằm trong đây), trải dài từ dãy Pyrénées và Đại Tây Dương ở phía Tây tới dãy Ural ở phía Đông.
2. Bò rừng châu Âu (danh pháp: Bos primigenius) hay còn gọi là bò Tur, thường được xem là tổ tiên của bò nhà, từng phân bố rộng rãi cả ở châu Á lẫn châu Âu, có thể đạt trọng lượng cơ thể lên tới 500 – 1500 kg. Bò Tur hiện đã bị tuyệt chủng, không tồn tại ở trạng thái hoang dã mà chỉ còn con cháu đã được thuần hóa.
3. Sự phân chia khu vực thịnh vượng chung Ba Lan-Litva diễn ra trong giai đoạn nửa cuối thế kỷ VXIII, do các đế quốc Nga, Phổ và Habsburg Áo can thiệp.
4. Chỉ cuộc Cách mạng Tháng Hai và Tháng Mười năm 1917, dẫn tới sự sụp đổ của chế độ quân chủ ở nước Nga.
5. Cuộc chiến diễn ra giữa Liên Xô và Đệ nhị Cộng hòa Ba Lan do xung đột sắc tộc, cũng như thái độ chống cộng của Ba Lan, trên địa bàn ngày nay thuộc lãnh thổ Ba Lan, Belarus, Latvia, Litva và Ukraina.
6. Đệ nhị Cộng hòa Ba Lan là chính thể nắm quyền tại Ba Lan trong giai đoạn giữa hai cuộc Thế chiến (1918—1939). Năm 1938, Đệ nhị Cộng hòa Ba Lan là một trong những quốc gia lớn nhất châu Âu với dân số 27,2 triệu người (thống kê năm 1921).
7. Giữa Ba Lan và Nga có một mối quan hệ vô cùng phức tạp. Trong quá khứ, cả hai từng nhiều lần xung đột với nhau. Năm 1610 – 1612 là lần đầu tiên và duy nhất Ba Lan đánh chiếm sang Moskva. Nhưng trong suốt giai đoạn 1795 – 1918, Đế quốc Nga lại kiểm soát phần lớn lãnh thổ Ba Lan. Sau khi Liên Xô tan rã, quan hệ giữa hai nước bước sang một trang sử mới, song vẫn khá căng thẳng do những xích mích trong quá khứ.

Theo Amusing Planet