Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos vừa thông báo, nước này đã phát hiện xác chiến hạm San Jose của Tây Ban Nha bị đắm sau một trận hải chiến tại vùng biển Caribbean hơn 300 năm trước.

Sự việc này lập tức châm ngòi cho một cuộc chiến khác về pháp lý giành quyền sở hữu kho báu được cho là lên tới 17 tỷ USD.

Bức tranh tái hiện cảnh San Jose bị chiến hạm Anh bắn chìm. Ảnh: Wikimedia
Bức tranh tái hiện cảnh San Jose bị chiến hạm Anh bắn chìm. Ảnh: Wikimedia

Trận hải chiến vùng Caribbean và kho báu khổng lồ

Ngày 5/12, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos chia sẻ thông tin tìm thấy con tàu San Jose trên Twitter. “Với tư cách là nhà lãnh đạo đất nước, tôi vui mừng thông báo rằng chúng ta đã phát hiện vị trí chiến hạm San Jose sau 307 năm nó bị đắm. Đây là phát hiện vĩ đại, nếu không muốn nói là một trong những phát hiện lớn nhất trong lịch sử loài người. Có thể nói chúng ta đã tìm thấy một di sản văn hóa dưới nước của nhân loại” - ông Juan Manuel Santos chia sẻ.

San Jose được xác định nằm ở độ sâu 300m cách thành phố biển Cartagena - phía bắc Colombia khoảng 25km. Cuộc tìm kiếm kể trên do hải quân Colombia cùng Viện Nhân chủng và Lịch sử nước này thực hiện.

Đội tìm kiếm đã sử dụng kỹ thuật thăm dò bằng công nghệ sonar - công nghệ phổ biến trong phân tích bản đồ hàng hải và thăm dò đáy biển. Sau khi phát hiện con tàu, họ đã đưa một tàu ngầm cỡ nhỏ xuống chụp ảnh thực tế. Phân tích hình ảnh những khẩu đại bác bằng đồng cùng hàng loạt đồng tiền vàng kiểu Tây Ban Nha hồi thế kỷ 17-18, đội tìm kiếm đi đến kết luận đây chính là con tàu San Jose huyền thoại.

Tờ Daily Mail cho hay, con tàu đắm hiện chứa khoảng 11 triệu đồng tiền vàng, bạc cùng vô số ngọc và đá quý khác. Theo ước tính, kho báu này có thể có giá trị đến 17 tỷ USD. Lịch sử con tàu này cũng ly kỳ, hấp dẫn chẳng kém số báu vật nó mang theo, liên quan mật thiết đến cuộc chiến tranh kế vị Tây Ban Nha diễn ra từ năm 1701-1714.

Theo đó năm 1700, Vua Tây Ban Nha Carlos II băng hà. Do không có con trai nên ông để lại di chiếu truyền ngôi cho cháu là Philippe - Công tước của Anjou, cũng là cháu của Vua Louis XIV của Pháp. Philippe lên ngôi để trở thành Vua Felipe V. Lo ngại ảnh hưởng của liên minh Tây Ban Nha - Pháp, các nước khác ở châu Âu gồm Anh, Bồ Đào Nha và Hà Lan… ủng hộ Hoàng đế đế quốc La Mã Leopold I trong việc đòi quyền kế vị cho dòng họ Habsburg, cụ thể là cho Charles - con trai thứ hai của vị hoàng đế này và cũng là cháu của Vua Carlos II. Tây Ban Nha rơi vào một cuộc nội chiến tranh ngai vàng.

Để có tiền cho chiến tranh, liên minh Tây Ban Nha - Pháp liên tục điều tàu chiến đến châu Mỹ để chuyên chở vàng bạc, châu báu về châu Âu. Tuy nhiên, những chuyến đi như vậy luôn bị hải quân Hoàng gia Anh đe dọa cướp phá nhằm cắt đứt nguồn cung tiền quan trọng của đối phương.

Trong bối cảnh đó, năm 1708, Vua Philippe cử hạm đội gồm 14 tàu đến châu Mỹ để chở vàng, bạc, đá quý và đồ trang sức thu thập ở các thuộc địa Nam Mỹ rồi chuyên chở về châu Âu. Hạm đội gồm 11 tàu chở hàng và 3 tàu chiến lớn nhất là San Jose (trang bị 64 khẩu đại bác, 600 thủy thủ), San Joaquin (64 khẩu đại bác, 400-500 thủy thủ) và Santa Cruz (44 khẩu đại bác, 300 thủy thủ). Khi trở về từ châu Mỹ, vàng bạc châu báu tập trung hầu hết ở ba chiến hạm lớn này.

Không may là họ đã đụng độ hạm đội tàu chiến của hải quân Anh tại đảo Pequena Baru, cách Cartagena gần 50km. Dù chỉ có 4 chiến hạm gồm Expedition (70 khẩu đại bác), Kingston (60 khẩu đại bác), Portland (50 khẩu đại bác), Vulture (8 khẩu đại bác); nhưng hải quân Anh vẫn quyết định tấn công vì tự tin về ưu thế hỏa lực.

Trận chiến diễn ra vào chiều tối ngày 7/6/1708. Sau 1 tiếng rưỡi giao tranh, rượt đuổi ác liệt, cuối cùng chiến hạm San Jose và hai tàu khác của Tây Ban Nha bị đánh chìm. Chỉ có 11 trong tổng số 600 thủy thủ trên tàu San Jose thoát chết. Những con tàu Tây Ban Nha khác may mắn chạy thoát về bến cảng Cartagena.

Trận chiến ba bên giành kho báu

San Jose bị đắm sau một cuộc chiến khốc liệt. Thế nhưng hơn 307 năm sau, nó vẫn là tâm điểm cho một cuộc chiến khác để giành quyền sở hữu kho báu. Theo CNN, việc phát hiện ra con tàu với khối tài sản khổng lồ chắc chắn sẽ khơi lại một cuộc chiến pháp lý đòi quyền sở hữu giữa ba bên, gồm chính quyền Colombia, Tây Ban Nha và Sea Search Armada (SSA) - một công ty chuyên trục vớt tàu biển có trụ sở tại Mỹ.

Thực ra, không phải cho đến khi con tàu San Jose được phát hiện mới xảy ra tranh chấp pháp lý. Đáng nói nhất và dai dẳng nhất là cuộc chiến đòi quyền lợi giữa Công ty SSA và chính quyền Colombia. Theo Công ty SSA, ngay từ năm 1981, họ đã xác định được vị trí con tàu San Jose nằm ở thềm lục địa ngoài khơi bờ biển Colombia và chính thức nộp vị trí đó cho Colombia vào năm 1982.

Năm 1984, Colombia có thỏa thuận với các công ty Mỹ chuyên tìm kho báu, trong đó đáng chú ý nhất là việc cho họ hưởng 35% tổng giá trị các kho báu được phát hiện. Tuy nhiên, sau đó Quốc hội Colombia đã phá vỡ thỏa thuận này khi thông qua một đạo luật trao cho nước này mọi quyền đối với kho báu từ các con tàu đắm và chỉ chi cho các công ty như SSA khoảng 5% giá trị kho báu tìm được. Chưa hết, theo SSA, số tiền này còn bị đánh thuế 45%.

SSA lập tức quyết định đưa vụ việc ra tòa. Một số tòa án ở Colombia đã ra phán quyết ủng hộ công ty này khi kết luận luật mới kể trên trái với hiến pháp. Tòa án vùng Barranquilla thậm chí còn phán quyết, khi tìm được kho báu trong tàu San Jose, kho báu sẽ được chia đôi cho SSA và Chính phủ Colombia. Theo đơn kiện mà SSA nộp tại Mỹ, Tòa án tối cao Colombia cũng tán thành cách phân chia này.

Đáng ngạc nhiên là SSA dù thắng trên “sân khách” nhưng lại liên tiếp thua kiện trên “sân nhà”. Hai lần thưa kiện tại Mỹ vào các năm 2011 và 2015 của công ty đều bị tòa án Mỹ bác bỏ.

Trong cuộc họp báo cuối tuần trước, Bộ trưởng Văn hóa Colombia Garces Cordoba cho biết, tất cả vụ kiện đều đã được phân xử theo hướng có lợi cho chính quyền Colombia.
Phía Colombia luôn tuyên bố họ giành chiến thắng trong các phiên tòa về sự việc này và SSA không có quyền hay lợi ích gì đối với số tài sản trên chiến hạm San Jose. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành SSA Jack Harbeston phủ nhận điều này và khẳng định rằng tất cả các tuyên bố đó chỉ là “những lời dối trá lặp đi lặp lại”.

“Chính phủ Colombia dường như không hề có thiện ý trong việc thi hành phán quyết của Tòa án tối cao Colombia. Rõ ràng mục đích của họ là ngăn cản chúng tôi hưởng quyền lợi đối với tài sản của mình. Đây là những động thái coi thường pháp luật, tước quyền sở hữu tài sản của công dân Mỹ và trực tiếp vi phạm Hiệp định thương mại Colombia - Mỹ” - Jack Harbeston nói.

Ông này cáo buộc Chính phủ Colombia dùng sức mạnh quân sự đe dọa SSA, cho rằng điều này “chẳng khác gì hành động của thực dân Tây Ban Nha xâm chiếm châu Mỹ ngày xưa”.

Ngoài SSA, Chính phủ Colombia còn đang phải đối mặt với cuộc chiến pháp lý với một đối thủ nặng ký hơn là Chính phủ Tây Ban Nha. Hiện nước này đã yêu cầu phía Colombia cung cấp thêm tin tức về việc tìm ra vị trí tàu San Jose. Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Garcia-Margallo cho biết, họ muốn đàm phán để đạt một thỏa thuận hợp lý với Colombia về vấn đề này. “Họ hiểu chúng tôi đang bảo vệ lợi ích của mình cũng như chúng tôi hiểu họ đang bảo vệ lợi ích của quốc gia. Thế nên tôi tin mọi việc sẽ được xử lý một cách thân thiện” - ông Jose Garcia-Margallo nói.

Tuy nhiên, nếu mọi chuyện không suôn sẻ, Tây Ban Nha sẵn sàng đưa vụ việc ra phân xử tại Liên Hợp Quốc. Về phần mình, Colombia tuyên bố sẽ trục vớt, đồng thời xây dựng một bảo tàng trưng bày các hiện vật được tìm thấy bên trong con tàu. “Chúng tôi sẽ xây dựng một bảo tàng lớn tại Cartagena” - Tổng thống Santos cho biết trên Đài truyền hình quốc gia Colombia từ căn cứ hải quân tại Cartagena.