Thế giới đã từng nhiều lần chứng kiến siêu lạm phát – hệ quả của chiến tranh, chính sách tài khóa yếu kém, song chủ yếu và trực tiếp nhất là do nguồn cung tiền tăng trưởng quá nhanh so với năng lực thực sự của nền kinh tế.

Lượng tiền Bolivars đủ để mua một con gà (2,4 kg) ở Venezuela hiện tại. Ảnh: Carlos Garcia Rawlins/Reuters.
Lượng tiền Bolivars đủ để mua một con gà (2,4 kg) ở Venezuela hiện tại. Ảnh: Carlos Garcia Rawlins/Reuters.

Siêu lạm phát đầu tiên được ghi nhận xảy ra vào thời kỳ Cách mạng Pháp cuối thế kỷ 18 (1789 – 1799), khiến vật giá tăng trung bình 143% mỗi tháng. Nhưng phải sang thế kỷ 20, loại hình lạm phát vượt tầm kiểm soát này mới có dịp trở lại hoành hành, từ Đông Âu, Trung Á, Mỹ Latinh, Tây Âu, Đông Nam Á và châu Phi – cả thảy 17 lần.

Kinh tế Venezuela hiện đang lâm vào cảnh tuyệt vọng, lạm phát có thể tăng lên tới 1 triệu % vào cuối năm nay, khiến hàng triệu người vật lộn vì thực phẩm và các vật dụng thiết yếu (kem đánh răng, giấy vệ sinh, …) Trong thập niên 1990 – 2000, siêu lạm phát cũng tàn phá Zimbabwe, và chính phủ nước này đã có lúc phải phát hành tờ giấy bạc mệnh giá 100 triệu đô la (ZWL) – tương đương 30 USD hiện nay – trong một nỗ lực tuyệt vọng để duy trì tiêu dùng.

Tuy nhiên, lạm phát của Zimbabwe vẫn chưa phải là kinh hoàng nhất trong lịch sử. Vị trí quán quân phải thuộc về Hungary trong giai đoạn 1945 – 1946, khi tốc độ tăng giá mỗi ngày phải đạt tới gần 200 %.

Kết thúc Đệ nhị Thế chiến, sau khi tách khỏi Đế quốc Áo – Hung (12/11/1918), Hungary lần đầu tiên có đồng tiền của riêng mình – đồng kronoa. Tuy nhiên, chính phủ mới còn non trẻ và chưa có một nền kinh tế thực sự vững mạnh để chống lưng, đồng tiền nhanh chóng mất giá và biến động vượt tầm kiểm soát. Để chấm dứt tình trang lạm phát, chính phủ quyết định loại bỏ korona và phát hành đồng pengő vào năm 1927, dựa trên bản vị vàng.

Mới đầu, pengő đã trở thành một trong những đồng tiền ổn định nhất thế giới, giúp Hungary vượt qua cuộc đại suy thoái trong thập niên 1930 và phần lớn Đệ nhị Thế chiến với rất ít thiệt hại. Nhưng đến năm 1944, khi quân đoàn của Hitler tràn sang, dẫn tới những cuộc giao tranh ác liệt giữa Đức Quốc xã và Liên Xô, nền kinh tế Hungary lâm vào cảnh lầm than, giá trị của đồng pengő cũng tụt xuống đáy và không thể phục hồi, ngay cả khi chiến tranh chấm dứt.

Bằng một tư duy “ngây thơ” rằng nếu không thể kiểm soát được đà sụt giảm của đồng pengő thì ít nhất cũng phải đảm bảo cho mọi người có đủ tiền chi tiêu, chính phủ quyết định in thêm tiền, khiến cả đất nước ngập chìm trong những tờ giấy bạc. Chính lập luận theo kiểu ngụy biện và thiếu hiểu biết về kinh tế thị trường như vậy đã đẩy nền kinh tế Hungary tới bên bờ vực. Vật giá bắt đầu tăng phi mã, như tờ Business Insider viết:“Tại Budapest, một món đồ có giá 379 pengő trong tháng 9/1945 sẽ phải mua bằng 72.330 pengő trong tháng 1/1946; 453.886 pengő trong tháng 2; 1.872.910 pengő trong tháng 3; 35.790.276 pengő trong tháng 4; 11.267 triệu pengő vào 31/5; 862 tỷ pengő vào 15/6; 954 tỷ pengő vào 30/6; 3 tỷ tỷ pengő vào 7/7; 11 nghìn tỷ tỷ pengő vào 15/7; và 1 nghìn tỷ nghìn tỷ pengő vào 22/7”.

Tại đỉnh điểm của cơn lạm phát, vật giá hầu như tăng gấp đôi sau mỗi 15 giờ. Khi mới được phát hành năm 1927, tỷ giá quy đổi pengő so với USD là 5.26/1. Tháng 6/1944, khi lạm phát bắt đầu xuất hiện, pengő mất giá khoảng 33% so với USD, và khi đồng tiền sụp đổ – lên đến 460 nghìn tỷ nghìn tỷ pengő/1 USD (tháng 6/1946).

Để đương đầu với tình trạng này, chính phủ không còn cách nào khác phải tiếp tục in tiền mới với giá trị danh nghĩa không ngừng tăng lên. Pengő được thay thế bằng các đơn vị tiền tệ mới đặc biệt: mpengő (1 mpengő = 1 triệu pengő), bpengő (1 bpengő = 1 tỷ pengő), adopengö – được phát hành để đóng thuế và chi trả dịch vụ bưu chính. Tất cả các đồng tiền đều có cùng mẫu thiết kế, chỉ khác nhau về màu sắc.

Trên đây là hình ảnh tờ giấy bạc 100 triệu bpengő có đến 20 số 0. Đó chính là tờ tiền mệnh giá cao nhất từng được lưu hành, nhưng do tỷ lệ lạm phát siêu tồi tệ, nó đã chỉ đổi được khoảng 1/20 xu (cent) tiền Mỹ. Thậm chí, một đồng bạc ghi mệnh giá cao hơn – 1 tỷ bpengő – cũng đã được in ra (hình bên dưới), nhưng chưa kịp đưa vào lưu hành.

Tờ bạc 100 triệu bpengő được phát hành trong đợt siêu lạm phát năm 1946. Ảnh: Wikimedia.
Tờ bạc 100 triệu bpengő được phát hành trong đợt siêu lạm phát năm 1946. Ảnh: Wikimedia.

Tờ bạc 1 tỷ bpengő đã được in ra nhưng chưa kịp đưa vào lưu hành. Ảnh: Wikimedia.
Tờ bạc 1 tỷ bpengő đã được in ra nhưng chưa kịp đưa vào lưu hành. Ảnh: Wikimedia.

Tháng 7/1945, Hungary phát hành lượng tiền trị giá 25 tỷ pengő. Đến tháng 1/1946, con số này tăng lên 1.646 nghìn tỷ pengő; 65 nghìn tỷ pengő (tháng 5); 47 nghìn tỷ nghìn tỷ pengő (tháng 7); và cuối cùng chính phủ hết cả giấy [đủ chất lượng] để in tiền. Sang tháng 8/1946, Hungary quyết định khai tử đồng pengő cùng các đơn vị tiền tệ đặc biệt dựa trên nó để bắt đầu lại từ đống đổ nát. Một đồng tiền mới – forint – được phát hành với tỷ giá 1 ăn 400.000 quadrillion pengő (sau 4 là 29 số 0). May mắn là tình trạng kinh tế Hungary đã dần trở nên ổn định, đồng forint đã vượt qua bao thăng trầm đến tận thập niên 1990 khi quá trình chuyển đổi sang cơ chế thị trường đã gây một chút ảnh hưởng bất lợi đến giá trị của nó.

Hiện tại, người dân Hungary vẫn đang dùng forint, nhưng nó sẽ chính thức bị thay thế bằng đồng Euro kể từ 2020 theo cam kết trong lộ trình gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Với chính sách này, trừ khi EU bị khủng hoảng, còn lại Hungary sẽ không bao giờ chứng kiến siêu lạm phát như trong quá khứ nữa.