Hector Berlioz là một nhà soạn nhạc tinh túy của chủ nghĩa Lãng mạn. Di sản quý báu mà ông để lại, ngoài những tác phẩm âm nhạc bất hủ còn có cuốn "Hồi ký" (xuất bản năm 1870) mang giá trị văn học lớn - một áng văn chương thật sự xứng đáng được đặt cạnh các kiệt tác âm nhạc đồ sộ của ông.

Trong lịch sử âm nhạc, Hector Berlioz (1803-1869) là nhân vật độc nhất vô nhị, một thiên tài có tầm nhìn xa đến mức lúc sinh thời rất ít người thực sự hiểu ông, nhiều người đời sau vẫn còn sai lạc trong việc đánh giá ông. Không có nhà soạn nhạc nào gây nhiều tranh cãi như ông. Cảm xúc khi nghe âm nhạc Berlioz luôn có xu hướng tạo ra niềm ngưỡng mộ thái quá hoặc sự chê bai không công bằng.

Hồi ký của Hector Berlioz vừa được ấn hành vào tháng 10/2022. Nguồn: NA9

Suốt cuộc đời mình, Berlioz nổi tiếng với tư cách nhạc trưởng hơn là với tư cách nhà soạn nhạc. Nước Pháp, quê hương ông, vẫn do dự trong việc công nhận thiên tài của ông nhưng khán giả Tây Âu lại yêu mến các buổi trình diễn của ông. Như nhận xét của nhà phê bình âm nhạc nổi tiếng người Anh Ernest Newman, Berlioz “đã vô tình được sinh ra trong một quốc gia không chuộng nhạc lắm vào một trong những thời kỳ âm nhạc ở quốc gia đó thực sự xuống cấp nhất.”

Bị bỏ quên trong phần lớn thế kỷ 20, âm nhạc của Berlioz đã được hồi sinh từ những năm 1960 và 1970, đa phần là nhờ những nỗ lực không ngừng của nhạc trưởng người Anh Colin Davis, người đã thu âm trọn bộ âm nhạc của Berlioz, đưa ra ánh sáng một số tác phẩm ít được biết đến của ông và nhờ công sức to lớn của nhà âm nhạc học David Cairns, tác giả cuốn tiểu sử Berlioz đáng tin cậy. Lịch sử âm nhạc chứng kiến sự hồi sinh và đánh giá lại âm nhạc của Berlioz sau màn dàn dựng trọn vẹn lần đầu tiên vở opéra Những người thành Troie [Les Troyens] tại Royal Opera House, Covent Garden (London) năm 1957. Thế giới âm nhạc cuối cùng đã thức tỉnh, dù muộn màng, trước toàn bộ tài năng không thể phủ nhận của Berlioz.

Berlioz by August Prinzhofer, 1845
Chân dung Hector Berlioz (1803-1869) do August Prinzhofer vẽ năm 1845. Nguồn: INT

Berlioz là nhà soạn nhạc lỗi lạc và cũng là một trong những nhạc trưởng có ảnh hưởng và lôi cuốn nhất thế kỷ 19. Ông đã tạo ra cuộc cách mạng âm thanh của dàn nhạc qua cách phối khí, khởi xướng ý tưởng theo phong cách Lãng mạn: kể chuyện bằng âm nhạc. Ông đồng thời nổi tiếng với việc sử dụng dàn nhạc khổng lồ cho các tác phẩm của mình, chỉ huy dàn nhạc với hơn một nghìn nhạc công tại một số buổi hòa nhạc.

Berlioz là một hiện tượng vô cùng đặc biệt trong lịch sử âm nhạc. Ngay từ nhỏ, cậu bé Hector đã thông thạo nhiều loại nhạc cụ như flûte, guitare, frageolet... Điều đó góp phần vào khuynh hướng sáng tạo những màu sắc mới cho dàn nhạc sau này và ông trở thành một trong những nhà cải cách âm nhạc vĩ đại. Nhờ ông mà hai nhạc cụ harpe và kèn cor Anh mới có mặt trong dàn nhạc như ngày nay. Ông còn là bậc thầy về phối hợp bộ kèn và bộ dây. Chỉ riêng những thành tựu trong lĩnh vực dàn nhạc đã đủ đảm bảo cho Hector Berlioz vị trí một thiên tài.

Điều không thể phủ nhận: Berlioz là một trong những nhà phối khí vĩ đại nhất mọi thời đại. Tất cả các khái niệm hiện đại về phối khí đều xuất phát từ cuốn sách giáo khoa quan trọng của ông, Đại chuyên luận về nhạc khí và phối dàn nhạc hiện đại (1843). Tác phẩm sư phạm này đã tạo dựng danh tiếng của Berlioz như một bậc thầy về dàn nhạc.

Berlioz là một con người cô đơn vĩ đại – cô đơn ngạo nghễ trên đỉnh cao của sự nghiệp và cô đơn giằng xé dưới vực thẳm của tình yêu. Ông luôn bị cô lập trong bối cảnh âm nhạc Pháp và vẻ đẹp kỳ dị trong tác phẩm của ông đã khơi dậy sự hoài nghi đi đến ghen ghét và đố kỵ tại quê hương mình. Nhà soạn nhạc đã vô tình gây thù chuốc oán khi ra mặt phản đối rất nhiều sáng tạo tầm thường, thậm chí xuẩn ngốc, đương thời và sự bất cẩn trong việc trình diễn các tác phẩm của Beethoven, Gluck và Weber mà ông vô cùng yêu thích. Những năm cuối cùng của ông được đánh dấu bởi sự nổi tiếng ở nước ngoài và sự thù địch ở quê nhà.

Berlioz còn là một nhà văn sung mãn, một cây bút phê bình sắc sảo, người từ khi mới bắt đầu sự nghiệp đã có nhiều bài phê bình âm nhạc, sử dụng một phong cách táo bạo, mạnh mẽ và châm biếm. Mặc dù vừa yêu vừa ghét công việc đặc thù này, ông vẫn là một trong số ít những nhà soạn nhạc lớn có những áng văn xuôi cũng hoàn mỹ và sâu sắc như âm nhạc của mình.

Vào tháng 3/1848, khi khởi thảo cuốn Hồi ký trong căn phòng trọ trên Phố Harley (London), Berlioz đã bày tỏ ý định của mình hết sức rõ ràng. Cuốn Hồi ký không phải là “lời thú tội”. Berlioz tự thân là một cuốn tiểu thuyết, không những thế, còn là một cuốn tiểu thuyết sử thi hấp dẫn! Cùng với âm nhạc của mình - mỗi tác phẩm không chỉ là nhạc phẩm thuần túy mà còn là một kỷ niệm sâu sắc - Hồi ký chính là cuốn tự truyện đời ông. Sở hữu một trí tuệ mẫn tiệp và năng khiếu hài hước bẩm sinh, Hector Berlioz đã tạo nên một sức sống mãnh liệt và bất tử cho cuốn sách về đời mình.

Trong di sản văn chương của Berlioz, Hồi ký được đọc, chuyển ngữ nhiều và thường xuyên nhất. Một cuốn tự truyện mang đậm màu sắc tiểu thuyết trữ tình. Một tác phẩm văn chương được viết dưới ánh sáng của âm nhạc. Một cuốn phim trong đó - tác giả kiêm diễn viên chính Hector Berlioz - đã nhập vào rất nhiều vai: nhà soạn nhạc, nhạc trưởng, ông bầu biểu diễn, nhà phê bình âm nhạc…

Các chương, các sự kiện đều được Berlioz khéo léo sắp xếp theo trình tự thời gian, và có sự kết hợp giữa phần hồi ký và phần những lá thư. Thông qua những tiết lộ chi tiết và sâu sắc, hình ảnh Berlioz dần hiện ra rõ nét. Một người đàn ông tài năng xuất chúng bị chính lòng đam mê cháy bỏng cộng với sự sáng tạo vượt bậc của mình đẩy lên một vị trí nổi bật cô đơn cho tận cuối đời. Một thiên tài sinh nhầm thời, nhầm chỗ. Một con người đầy ắp khát vọng, trong tình yêu và trong sự nghiệp nhưng phải quy phục trước hoàn cảnh trớ trêu, phũ phàng.

So với các cuốn hồi ký thông thường, cấu trúc Hồi ký của Hector Berlioz là khác thường, bởi lẽ trong đó có sự đan xen nhiều thể loại văn học khác nhau, các lá thư và tường thuật tiểu sử được tác giả xếp cạnh các bài tiểu luận phê bình, các bài báo. Những thể loại này, dưới ngòi bút tài ba của ông, đều được đặc trưng bởi cùng một văn phong tự do, thoải mái, dễ dàng chuyển đổi từ chủ đề này sang chủ đề khác với bút pháp trôi chảy, hóm hỉnh, dí dỏm nhưng lại châm biếm nhẹ nhàng, sâu cay. Di sản văn học sử đã ăn sâu vào trí nhớ siêu việt của ông từ thuở còn thơ, một kho tàng quý giá mà không phải nhà soạn nhạc nào cũng có được. Từng trang, từng chương trong hồi ký, với những đoạn trích thơ, văn đắt giá được ông đưa vào đã lôi cuốn người đọc đến tận trang cuối.

Như một nhà phê bình sách đã nói “Bất cứ ai chưa từng đọc toàn bộ cuốn sách – dù có là người yêu nhạc hay không – đều đã bỏ lỡ một kiệt tác”, cuốn Hồi ký của Berlioz thật sự là vô giá đối với những độc giả quan tâm đến đời sống nghệ thuật theo nghĩa rộng nhất của từ này.

Dự án dịch và xuất bản Hồi ký của Hector Berlioz tại Việt Nam được bắt đầu từ năm 2013 với sự ủng hộ của nhiều người. Nhân dịp cuốn sách vừa được phát hành, 20h tối Chủ nhật, 4/12/2022, tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom VCCA (Vincom Mega Mall, Royal City, 72A Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) sẽ diễn ra chương trình trò chuyện và hòa nhạc “Berlioz và những người bạn”.

Phần trò chuyện có sự hiện diện của hai dịch giả - Lê Ngọc Anh và Nguyễn Tuấn Anh - và người biên tập bản thảo - Nguyễn Ngọc Chi. Phần hòa nhạc có sự góp mặt của nghệ sĩ violin Doãn Tuấn Anh, nghệ sĩ piano Trang Dung, và nhóm Operaphila. Chương trình vào cửa miễn phí.