Quan điểm chọn người của Trần Huy Liệu thật khác biệt so với nhiều người cùng thời: đặt niềm tin vào cả những trí thức cũ và cán bộ trẻ.

Giáo sư Trần Huy Liệu
Giáo sư Trần Huy Liệu

Ở thời điểm hiện nay, quan điểm này không có gì lạ, thậm chí là việc đương nhiên phải làm để vừa có được ngay những cán bộ nghiên cứu tốt, vừa có thể chuẩn bị lực lượng cho tương lai. Tuy nhiên vào thời điểm đó, khi Việt Nam mới trải qua hai sự kiện quan trọng là Cải cách ruộng đất (giai đoạn 1953-1956) và Nhân văn giai phẩm (giai đoạn 1955-1958), vấn đề tuyển chọn và đào tạo nhân lực theo đúng tiêu chuẩn, phẩm chất của người làm nghiên cứu khoa học thực sự là một bài toán khó bởi phần lớn những người đã trưởng thành hoặc ngay cả một số anh em trẻ đều thuộc thành phần gia đình địa chủ, tư sản hay tiểu tư sản. Do đó, để làm được điều này, người lãnh đạo phải có bản lĩnh và cả sự khéo léo cần thiết. Đó là cách mà giáo sư Trần Huy Liệu, người từ năm 1960 là Viện trưởng Viện Sử học, đã áp dụng tư khi còn là trưởng ban Ban Sử Địa Văn, được Trung ương Đảng thành lập từ năm 1953 (năm 1954 đổi thành Ban Văn Sử Địa) – cơ sở nền tảng để thành lập Viện Sử học. Bằng nhiều cách, ông đã cố gắng đề xuất, can thiệp để tạo điều kiện giữ chân các trí thức cũ có kiến thức làm công tác chuyên môn như Trần Văn Giáp, Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Ngọc Tỉnh, Nguyễn Khắc Đạm…, mạnh dạn tuyển các cán bộ trẻ có trình độ về như Văn Tạo, Bùi Đình Thanh, Nguyễn Hồng Phong, Nguyễn Công Bình, Chương Thâu… Sau này, hầu hết trong số họ đều có ít nhiều đóng góp vào nền sử học cũng như nền khoa học xã hội - nhân văn hiện đại của Việt Nam.

Nhớ lại thời kỳ đó, giáo sư Văn Tạo kể: “Việc này gặp không ít khó khăn, ví dụ như khi giáo sư Trần Huy Liệu nhận ông Nguyễn Đổng Chi ở lại Ban Văn Sử Địa làm việc thì tỉnh Hà Tĩnh đã gửi công văn ra yêu cầu Nguyễn Đổng Chi phải về địa phương học tập cải tạo. Do vậy, ông Liệu phải cậy nhờ lên Thủ tướng Phạm Văn Đồng can thiệp mới giữ được ông Chi ở lại và sau này trở thành nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Đổng Chi nổi tiếng”.

Không riêng trường hợp ông Nguyễn Đổng Chi, các giáo sư Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo… sau khi phải rời trường, nghỉ dạy ở Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là ĐHQGHN) đã được ông nhận và mời về làm việc. Sau khi không còn giảng dạy, làm việc tại Viện Sử học từ năm 1960 đến khi về hưu vào năm 1965, giáo sư Đào Duy Anh đã có nhiều thời gian tập trung vào nghiên cứu, xuất bản hoặc hiệu đính, biên dịch chú giải nhiều tác phẩm có giá trị, ví dụ cuốn “Đất nước Việt Nam qua các đời (1964), “Chữ Nôm, nguồn gốc, cấu tạo và diễn biến” (1975), “Lịch triều hiến chương loại chí” (1961 - 1962), “Đại Nam thực lục” (1962 - 1977), “Phủ biên tạp lục” (1964), mạch nguồn mà ông vẫn còn tiếp tục thực hiện cho đến khi qua đời vào năm 1988.

Nhìn nhận lại những nỗ lực này, giáo sư Văn Tạo đánh giá, “giáo sư Liệu làm được điều đó vì có uy tín lớn, ông cũng được cả lãnh đạo lẫn trí thức nể trọng. Bản thân ông cũng rất mực coi trọng trí thức”.

***

Với Trần Huy Liệu chuyện vượt qua cả những quan điểm quản lý nhà nước chưa thật gần với hoạt động nghiên cứu khoa học là điều ông hết sức trăn trở. Điều đó thể hiện đậm nét qua lời chia sẻ qua thư của ông với Văn Tạo đang học ở Nga: “Hiện nay, [ở viện] có một mâu thuẫn không tránh khỏi là chương trình công tác chung thì nặng cần có nhiều thì giờ, công sức để làm; trái lại, việc bồi dưỡng cán bộ đòi hỏi càng nhiều thì giờ vào đó càng có hiệu quả”. Trước những vấn đề đặt ra, Trần Huy Liệu đã nghĩ đến giải pháp mà ông và các đồng nghiệp có thể áp dụng: “Do đó, lúc này, Viện chú ý vào việc căn bản là đào tạo cán bộ tại chỗ, với chương trình nghiên cứu sinh, nay mai sẽ thực hiện”.

Để nâng cao chất lượng chuyên môn và trình độ cho cán bộ nghiên cứu trong viện, Trần Huy Liệu đã mời các nhà khoa học nước ngoài như GS Mađaiép, GS Gôbơ (Liên Xô)... sang hợp tác nghiên cứu và trao đổi. Trong thư năm 1962, ông cũng đề cập đến việc mời GS Gôbơ, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô sang trao đổi: “…Vừa rồi, Viện ta có gửi công văn sang nói nếu ổng (tức ông Gôbơ) sang được vào tháng 5 nhằm lúc đó Viện đương có cuộc Hội nghị chuyên đề có đại biểu các nơi về dự để tổng kết kinh nghiệm về xây dựng lịch sử các ngành, các xí nghiệp và các địa phương thì tốt. Tuy nhiên chẳng biết ông già có ngại nóng rồi chùn lại không?”. Tác động của những buổi trao đổi này, theo lời giáo sư Văn Tạo thì: “Các nhà khoa học Liên Xô như Mađaiép, Gôbơ đã tạo ra những ý nghĩ mới lạ cho chúng tôi về phương pháp nghiên cứu lịch sử và nhận thức lịch sử. Họ cũng mở ra cho chúng tôi sự mới mẻ về một nền văn hóa khác và khát vọng được đến đó học tập”.

Giáo sư Trần Huy Liệu sớm làm báo ở Sài Gòn và tiếp tục nghiệp báo từ thập niên 20 - 30 với các tờ Đông Pháp thời báo (1925 - 1926), Hòn Cau tuần báo (1931 - 1934), Tiếng sóng bể (1931 - 1934), Tin tức (1938), Đời nay (1938 - 1939), Tiếng suối reo (1941 - 1945)… Năm 1935, cuốn “Sơ thảo khởi nghĩa Thái Nguyên” của ông đã được một nhà in tư nhân (Bảo Ngọc) xuất bản.

Trong thời gian đảm trách nhiệm vụ quản lý, ông vẫn tiếp tục có nhiều công trình như “Sơ thảo lịch sử cận đại Việt Nam” (1950), “Lịch sử tám mươi năm chống Pháp” (quyển 1 và quyển 2 gồm tập hạ và tập thượng); Tài liệu tham khảo lịch sử cách mạng cận đại Việt Nam, 12 tập (viết chung với các ông Nguyễn Lương Bích, Nguyễn Khắc Đạm, Nguyễn Công Bình, Văn Tạo, NXB Văn- Sử- Địa xuất bản trong ba năm 1956 - 1957 - 1958); “Lịch sử Thủ đô Hà Nội” do ông chủ biên xuất bản năm 1960 cùng nhiều công trình nghiên cứu về Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ, về phong trào Cần Vương, Đông kinh Nghĩa thục… Đặc biệt cuốn “Lịch sử 80 năm chống Pháp” đã được đưa vào làm sách giáo khoa trong các trường đại học và sau đó được trao Huy chương Humboltd.

Nguồn: baotanglichsu.vn