Trôi dạt lục địa là sự chuyển động tương đối với nhau của các lục địa trên Trái đất. Giả thuyết trôi dạt lục địa được nhà khoa học người Đức Alfred Wegener đưa ra lần đầu tiên vào năm 1912.

Ảnh: Alfred Wegener.
Alfred Wegener. Ảnh: History.

Quan điểm cho rằng các lục địa từng nối liền với nhau xuất hiện vào khoảng thế kỷ 16 dựa trên ý tưởng của Abraham Ortelius, một nhà địa lý học đồng thời là chuyên gia vẽ bản đồ người Flemish (Bỉ). Ortelius đã tạo ra tập bản đồ (atlas) hiện đại đầu tiên mang tên Theatrum Orbis Terrarum (Nhà hát của Thế giới). Ông nhận thấy hình dạng đường bờ biển của châu Mỹ và châu Âu/châu Phi dường như trùng khớp với nhau như những mảnh ghép trong trò chơi ghép hình. Do đó, ông đề xuất: chúng dần dịch chuyển rời xa nhau theo thời gian do động đất và lũ lụt. Tuy nhiên phải hơn 300 năm sau, lý thuyết về sự trôi dạt lục địa mới chính thức được đưa ra bởi Alfred Wegener, một nhà khoa học người Đức.

Wegener sinh ra ở Berlin, Đức vào năm 1880. Ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ thiên văn học tại Đại học Berlin năm 1904, nhưng sự quan tâm của ông trong lĩnh vực khoa học rộng hơn nhiều bao gồm cả địa vật lý, khí tượng học và khí hậu học. Những nghiên cứu của ông về khí tượng học đặc biệt quan trọng, vì ông là người đi tiên phong trong việc sử dụng khí cầu để theo dõi hoàn lưu khí quyển và xuất bản một cuốn sách giáo khoa tiêu chuẩn được sử dụng rộng rãi. Khi trở thành giảng viên tại Đại học Marburg, ông dành thời gian tham gia các cuộc thám hiểm đến đảo Greenland vào năm 1906 và 1912 để nghiên cứu về sự lưu thông không khí vùng Cực.

Một ngày nọ, khi đang nghiên cứu tài liệu trong thư viện của trường Đại học Marburg, Wegener tình cờ bắt gặp một bài báo khoa học liệt kê hóa thạch thực vật và động vật trên các vùng đất nằm ở hai phía đối diện của Đại Tây Dương. Ông nhận ra sự giống nhau đáng chú ý giữa các loại đá và hóa thạch, đặc biệt là hóa thạch thực vật. Cũng giống như Ortelius, Wegener nhận thấy hình dạng của các lục địa có thể ghép nối trùng khớp với nhau, ví dụ bờ Tây của châu Phi khớp với bờ Đông của Nam Mỹ. “Một niềm tin về tính đúng đắn của thuyết trôi dạt lục địa đã ăn sâu vào tâm trí tôi”, Wegener cho biết.

Ngày 6/1/1912, Wegener lần đầu tiên trình bày thuyết trôi dạt lục địa tại một cuộc họp của Hiệp hội Địa chất Đức diễn ra ở Frankfurt, ngay trước khi ông thực hiện một cuộc thám hiểm khoa học khác đến Đan Mạch và Greenland. Điều này mâu thuẫn với giả thuyết đang thịnh hành vào thời điểm đó – khi các nhà địa chất cho rằng những cây cầu đất liền (land bridge) từng kết nối các lục địa với nhau nhưng bây giờ đã chìm xuống đáy đại dương.

Theo Wegener, các lục địa từng là một khối đất liền duy nhất, sau đó chúng bị tách ra do lực ly tâm của Trái đất khi quay tròn hoặc hiện tượng tuế sai. Wegener ban đầu nghĩ rằng sống núi giữa đại dương có thể đóng một vai trò nào đó, vì đáy biển Đại Tây Dương liên tục bị “xé toạc” khiến vật chất nóng chảy trong lòng Trái đất phun trào lên. Nhưng cuối cùng ông từ bỏ quan điểm này.

Trong những năm tiếp theo, Wegener tìm kiếm thêm nhiều ví dụ về các sinh vật giống nhau trên những lục địa tách biệt. Đến năm 1915, ông tổng hợp bằng chứng thu thập từ nhiều ngành khoa học để hỗ trợ cho lý thuyết của mình và viết thành cuốn sách “The Origin of Continents and Oceans” (Nguồn gốc của các lục địa và đại dương). Trong đó, ông gọi tên khối đất liền chứa tất cả các lục địa là Urkontinent. Ông cũng tiếp tục tiến hành các cuộc thám hiểm để thu thập thêm bằng chứng, cập nhật luận thuyết của mình cho phù hợp. Phiên bản cuối cùng của cuốn sách được xuất bản ngay trước khi ông qua đời vào năm 1930 với một nhận xét mới : “Các đại dương trẻ hơn về mặt địa chất thường nông hơn so với các đại dương có độ tuổi lớn.”

Lý thuyết mới của Wegener đã gặp phải nhiều sự hoài nghi, đặc biệt là từ các nhà địa chất. Hiệp hội Các nhà địa chất Dầu mỏ Mỹ (AAPG) ghét bản dịch cuốn sách của ông đến nỗi họ đã tổ chức một hội nghị chuyên đề để phản đối lý thuyết trôi dạt lục địa. Trong số các nhà khoa học phỉ báng Wegener có nhà địa chất học Franz Kossmat, người cho rằng lớp vỏ đại dương là quá cứng để các lục địa có thể di chuyển.

Wegener không thực sự chỉ ra được cơ chế của hiện tượng trôi dạt lục địa một cách thuyết phục để cộng đồng khoa học chấp nhận rộng rãi. Nhưng lý thuyết của ông cũng được ủng hộ bởi một số nhà khoa học nổi tiếng như Arthur Holmes (nhà địa chất người Anh) và Alexander Du Toit (nhà địa chất người Nam Phi).

Vào thập niên 1950, nhiều cuộc thăm dò lớp vỏ Trái đất dọc theo đáy đại dương cung cấp bằng chứng cho thấy các lục địa thực sự di chuyển trên các mảng kiến tạo đang bị tách giãn hoặc hút chìm ở sống núi giữa đại dương. Đến cuối thập niên 1960, thuyết kiến tạo mảng ra đời và nhanh chóng trở nên phổ biến.

Với tư cách là một nhà thám hiểm, Wegener qua đời trong chuyến thám hiểm cuối cùng đến đảo Greenland. Năm 1930, nhóm của ông bắt đầu cuộc hành trình với mục tiêu thiết lập ba trạm nghiên cứu cố định trên các tảng băng của hòn đảo này nhằm theo dõi độ dày của chúng và quan sát thời tiết Bắc Cực quanh năm. Để cuộc thám hiểm thành công, Wegener cần di chuyển từ West Camp đến một địa điểm gọi là Eismitte, nơi nhóm dự định cắm trại qua mùa đông lạnh giá.

Wegener lên đường cùng với một chàng trai 23 tuổi tên là Rasmus Villumsen, nhà khí tượng học Fritz Loewe và 13 người bản địa Greenland trên những chiếc xe trượt tuyết chở đầy những vật dụng cần thiết. Nhưng nhiệt độ giảm xuống -60°C, trời lạnh đến mức khiến Loewe phải cắt bỏ ngón chân bị đóng băng của mình. Hầu hết những người bản địa quay trở lại West Camp cùng với Loewe. Hai người đàn ông cuối cùng đến được Eismitte bao gồm Wegener và Villumsen.

Do băng tan muộn hơn so với mức trung bình khoảng 6 tuần nên Wegener và Villumsen ở Eismitte quyết định quay trở lại West Camp sớm hơn dự kiến, bởi vì họ không đủ nhiên liệu sưởi ấm cho mùa đông. Hai người đàn ông khởi hành với hai con chó kéo xe trượt tuyết. Trên đường đi, họ phải giết từng con để làm thức ăn và phải đối mặt với cái giá lạnh khủng khiếp của vùng Cực. Dù đã nỗ lực hết mình nhưng cuối cùng không ai trở về được căn cứ West Camp. Người ta tìm thấy thi thể của Wegener vào ngày 12/5/1931 được Villumsen chôn cất cẩn thận và đánh dấu bằng ván trượt. Điều đó tức là, thi thể của Villumsen cho đến nay vẫn còn chưa được tìm thấy.