Nội dung những giấc mơ của con người không hề cố định, thay vào đó chúng có thể thay đổi đáng kể trong suốt cuộc đời của chúng ta. Trẻ em có xu hướng mơ về động vật, trong khi đó người lớn thường mơ về các tương tác xã hội, từ bạn bè cho đến những người thân xung quanh.

Ảnh: Jorm Sangsorn.
Ảnh: Jorm Sangsorn.

Tôi vẫn còn nhớ những cơn ác mộng thời thơ ấu, đôi khi rất rõ ràng, Alex Orlando, biên tập viên của tạp chí Discover Magazine, chia sẻ. “Ví dụ, trong một giấc mơ lặp đi lặp lại, con chó becgie của bố mẹ tôi biến thành một con quái vật khổng lồ với nanh vuốt sắc nhọn và đôi mắt rực lửa. Nhưng càng lớn tuổi, những giấc mơ của tôi càng trở nên thực tế hơn, hầu hết chỉ xoay quanh những tương tác xã hội bình thường với bạn bè và người quen”, Orlando nói.

Những giấc mơ có sự đa dạng cả về nội dung lẫn hình thức. Hơn nữa, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng các loại trạng thái mơ khác nhau – từ giấc mơ sáng suốt (lucid dream) cho đến những cơn ác mộng – cũng mang nhiều sắc thái đa dạng giống như trạng thái chúng ta đang thức. Vậy giấc mơ của chúng ta thay đổi như thế nào trong suốt cuộc đời?

“Đáng ngạc nhiên là có rất ít dữ liệu để trả lời câu hỏi này”, Patrick McNamara, nhà thần kinh học và nhà nghiên cứu giấc mơ tại Trường Y thuộc Đại học Boston (Mỹ), cho biết. “Dựa trên một hoặc hai nghiên cứu, có vẻ như những yếu tố bạo lực trong giấc mơ có xu hướng giảm dần theo tuổi tác”.

Mặc dù vậy, các nhà nghiên cứu vẫn đang tiếp tục đào sâu vào tiềm thức của con người để hiểu rõ hơn về yếu tố tâm lý học và khoa học thần kinh của những giấc mơ. Dưới đây là những gì họ tìm hiểu được về sự thay đổi của những giấc mơ khi chúng ta ngày càng già đi.

Trẻ em mơ về điều gì?


Một trong những khác biệt lớn nhất giữa giấc mơ của trẻ em và người lớn là trẻ em có xu hướng mơ về động vật thường xuyên hơn.

“Trẻ em mơ rất nhiều về động vật, các thành viên thân thiết trong gia đình, những người bạn thân và quái vật khác thường”, McNamara nói.

Nhà khoa học David Foulk là người đã thực hiện phần lớn những công trình nghiên cứu nền tảng về giấc mơ của trẻ em vào thập niên 1970, và nghiên cứu của ông tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong lĩnh vực này cho đến tận ngày nay. Trong một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đối với trẻ em từ 3 đến 5 tuổi, Foulkes nhận thấy giấc mơ của chúng xuất hiện không thường xuyên và tương đối ngắn, thiếu chuyển động và cốt truyện rõ ràng, cũng như thường có sự xuất hiện của các loài động vật. Ví dụ, giấc mơ của một trẻ mẫu giáo có thể đơn giản như sau: “Tôi đang ngủ trong bồn tắm” hoặc “Có một con cá trong một cái bát trên bờ sông”.

Theo Foulkes, trong độ tuổi từ 5 đến 8 tuổi, những giấc mơ của trẻ xuất hiện thường xuyên hơn và trở nên dài hơn, có các tình tiết phức tạp và chúng cũng tích cực tham gia vào các sự kiện trong giấc mơ. Trong độ tuổi từ 9 đến 11 tuổi, phần lớn giấc mơ của trẻ giống như người lớn.

Giấc mơ xảy ra chủ yếu trong giấc ngủ chuyển động mắt nhanh (REM). Nội dung giấc mơ chủ yếu liên quan đến hình ảnh và âm thanh. Mọi người hiếm khi kể lại trải nghiệm nếm hoặc ngửi thứ gì đó, trừ khi họ mắc chứng rối loạn lưỡng cực.

Thanh thiếu niên mơ về điều gì?


Ở tuổi thanh thiếu niên, những giấc mơ lặp đi lặp lại có thể cùng chung chủ đề. Một nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Montréal (Canada) vào năm 2015 cho thấy những người trẻ từ 11 đến 15 tuổi mơ nhiều nhất về việc đối đầu với quái vật và động vật, tiếp theo là những giấc mơ về xô xát, ngã và bị truy đuổi.

Tuy nhiên, việc nghiên cứu giấc mơ ở trẻ em và thanh thiếu niên vẫn có những hạn chế nghiêm trọng. Trong khi nhiều nhà khoa học cho rằng phương pháp duy nhất để nghiên cứu giấc mơ một cách đáng tin cậy là trong phòng thí nghiệm, thì một số nhà khoa học khác lại lo ngại môi trường không quen thuộc tại đây có thể khiến trẻ gặp khó khăn khi nói về giấc mơ của mình – hoặc thậm chí bóp méo, xuyên tạc giấc mơ của chúng.

Thêm vào đó, việc dựa vào lời kể của những người nằm mơ sau khi họ thức dậy có thể không đáng tin cậy, bởi vì những ký ức về giấc mơ của họ có thể bị sai lệch, lộn xộn, không chính xác hoặc không đầy đủ.

Giấc mơ thay đổi ở tuổi trưởng thành

So với trẻ em và thanh thiếu niên, người lớn có xu hướng kể lại những giấc mơ ít bạo lực hơn, và ít tình huống mà người nằm mơ trở thành nạn nhân hơn. Ngoài ra, người lớn có xu hướng mơ về những người lớn khác, từ bạn bè cho đến những người quan trọng xung quanh.

“Người lớn mơ nhiều về những người quen biết và có rất nhiều tương tác xã hội giữa các nhân vật trong giấc mơ”, McNamara cho biết.

Tuy nhiên, có một số khác biệt đáng chú ý liên quan đến giới tính. Đàn ông mơ nhiều hơn về sự xung đột hoặc đối đầu thù địch với những người đàn ông khác. Trong khi đó, phụ nữ thường mơ về mối quan hệ hài hòa với cả nam và nữ.

Những giấc mơ ở tuổi già

Khi chúng ta về già, giấc mơ thường có tính chất chiêm nghiệm hơn. Người lớn tuổi thường mơ về những di sản mà họ sẽ để lại, mối quan hệ và các tương tác với những người thân yêu còn sống và đã khuất. Khả năng nhớ lại giấc mơ của người già cũng giảm sút đáng kể so với những người trẻ.

Giấc mơ vẫn xảy ra cho đến cuối đời. Một số nghiên cứu trên các bệnh nhân tại những trung tâm, dịch vụ chăm sóc đặc biệt cho người cao tuổi vào giai đoạn cuối đời cho thấy những giấc mơ của họ đặc biệt sống động và mãnh liệt, bao gồm cả những giấc mơ về việc đi du lịch và gặp gỡ với người thân đã khuất.

“Những giấc mơ ở giai đoạn cuối đời đã được nghiên cứu với những kết quả thú vị”, McNamara nói. “Theo các nghiên cứu, nhiều người già thường mơ thấy những giấc mơ ‘chuẩn bị’ cho cái chết. Đó có thể là hình ảnh họ đang sửa soạn hành lý, lên tàu, lên máy bay để đi đâu đó – giống như thể giấc mơ đang báo trước cho họ biết rằng đã đến thời điểm họ sắp phải ra đi”.

Nói cách khác, những giấc mơ theo chúng ta từ những khoảnh khắc đầu tiên cho đến những khoảnh khắc cuối cùng trong cuộc đời.

Ở mọi lứa tuổi, một số giấc mơ là dấu hiệu báo động đỏ và bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ.“Điều đáng lo ngại là khi bạn liên tục xuất hiện những giấc mơ liên quan đến việc không thở được. Đây là dấu hiệu cảnh báo về chứng ngưng thở khi ngủ. Người bệnh thường mô tả giấc mơ như đang nín thở dưới nước hoặc bị nhấn chìm cho đến khi tỉnh dậy với tiếng thở dốc” Alex Dimitriu, chuyên gia về giấc ngủ tại SiliconPsych, cho biết.