Từ thế kỷ 18, thành phố Belfast ở Bắc Ireland1 đã trở thành một trung tâm công nghiệp phát triển với diện mạo rất khác bây giờ.

Sông Lagan ở Belfast. Ảnh: William Murphy/Flickr
Sông Lagan ở Belfast. Ảnh: William Murphy/Flickr

Một con sông lớn chảy qua khu vực trung tâm thành phố, hai bên là các nhà máy và xưởng sản xuất vải lanh tốt nhất thế giới. Nhưng con sông về sau lại bị lấp và mãi mãi biến mất dưới lòng đất. Nhiều cư dân Belfast ngày nay thường tỏ ra hết sức ngạc nhiên khi biết đã từng có một dòng sông chảy ngay bên dưới chân họ.

Ban đầu, Belfast vốn chỉ là một ngôi làng nhỏ nằm tại nơi hợp lưu của hai con sông Farset và Lagan. Mỗi khi thủy triều xuống thấp, một bãi cát hẹp lộ ra và đóng vai trò như lối đi tự nhiên; khu vực này sau đó được phát triển thành giao lộ của hai tuyến đường giao thông quan trọng – High Stree và Victoria. Tại một điểm cách đó hơn 200m về phía Đông, sông Farset bắt đầu đổ vào Lagan. Bản thân tên gọi gốc (trong tiếng Ireland) của khu định cư – Béal Feirste – cũng đã mang nghĩa là “bãi cát bắc qua cửa sông”. Cho đến tận thế kỷ 17, Belfast vẫn chỉ là một ngôi làng không mấy tên tuổi. Nhưng tới năm 1640, Phó vương Ireland (người toàn quyền đại diện vua Anh và cai trị Ireland trên thực tế) quyết định trao cho Belfast một quy chế hải quan riêng và di chuyển trạm hải quan đến đây, qua đó thúc đẩy sự bùng nổ của hoạt động thương mại. Belfast dần trở nên thịnh vượng từ nửa sau của thế kỷ 17, và những bến tàu tấp nập mọc lên khắp hai bên bờ sông Farset. Cũng trong khoảng thời gian này, ngành buôn bán vải lanh bắt đầu nở rộ ở Bắc Ireland; và đến giữa thế kỷ 18, hơn 1/5 lượng vải xuất khẩu của cả đảo Ireland đều được vận chuyển qua Belfast. Sang thế kỷ 19, Belfast đã trở thành trung tâm sản xuất vải lanh lớn nhất thế giới và được mệnh danh là “Linenopolis”.

Khúc sông trên đường High Street. Hình vẽ năm 1830
Khúc sông trên đường High Street. Hình vẽ năm 1830

Nhưng cùng với quá trình công nghiệp hóa, hai con sông Farset và Blackstaff (một nhánh lớn của sông Lagan) cũng bắt đầu bị tàn phá khi trở thành kênh thoát nước tự nhiên của các nhà máy dọc hai bên bờ. Không có chế tài quản lý, họ ngang nhiên đổ rác thải, hóa chất,… chưa qua xử lý xuống thẳng lòng sông khiến nước sông ngày càng ô nhiễm; và khi không còn chịu đựng nổi mùi hôi thối, giới chức Belfast quyết định lấp sông. Nhưng do đây là một công việc hết sức tốn kém cho nên nó lại được chia thành nhiều giai đoạn. Theo ghi chép trong cuốn The Town Book of the Corporation of Belfast xuất bản năm 1892, khúc sông Farset tại đường High Street đã bị chôn lấp hoàn toàn vào năm 1770; trong khi đoạn cuối tại đường Princes Street thì mãi đến năm 1804 mới được xử lý xong – tác giả George Benn thuật lại trong cuốn A history of the town of Belfast (lịch sử Belfast), xuất bản năm 1877. Nhưng theo BBC, phải tới năm 1848, toàn bộ sông Farset mới biến mất dưới lòng đất; còn sông Blackstaff thì cũng bị che lấp hoàn toàn vào năm 1881.

Bản đồ quy hoạch thành phố Belfast giữa thế kỷ 19.
Bản đồ quy hoạch thành phố Belfast giữa thế kỷ 19.

Lặng lẽ nằm bên dưới gót giày của người dân Belfast, dòng sông ngày nào hầu như đã bị lãng quên nhưng di sản của nó vẫn sống mãi với thành phố. Có một con đường mang tên Skipper Street vốn là nơi các thuyền trưởng và thuyền viên nghỉ ngơi trong lúc tàu của họ đang được neo đậu để dỡ hàng trên khu vực cầu cảng tại High Street. Một con đường khác – Bridge Street – được lấy cảm hứng từ cây cầu nhỏ từng bắc qua Farset. Các quán rượu The Crow’s Nest (Tổ quạ) ở đường Skipper, The Morning Star (Sao Mai) tại lối vào Pottinger, Mermaid Inn (Nàng tiên cá) và Wilson’s Court (Pháp viện Wilson) là những địa danh tiêu biểu cho mối liên hệ này. Ngoài ra còn có tháp đồng hồ Albert Memorial Clock được xây dựng để tưởng nhớ Hoàng tế Albert (1819 – 1861) – chồng của Nữ hoàng Victoria (1819 – 1901), hiện là một trong những điểm đến nổi tiếng nhất của thành phố. Tháp được xây bằng sa thạch, cao 35m và nghiêng khoảng 4 feet so với phương thẳng đứng vì nó nằm ngay trên khu đất ngập nước được cải tạo từ Farset.
Tháp đồng hồ Albert Memorial Clock ở Belfast. Ảnh: William Murphy/Flickr
Tháp đồng hồ Albert Memorial Clock ở Belfast. Ảnh: William Murphy/Flickr

Hoạt động buôn bán vải lanh tại Belfast bắt đầu sụt giảm sau Thế chiến I (1914 – 1918) trước sự xuất hiện của các loại quần áo cotton được sản xuất hàng loạt với chi phí rẻ hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, những ngành công nghiệp nặng truyền thống của Belfast, bao gồm đóng tàu (Belfast từng là có một xưởng đóng tàu lớn nhất thế giới, nơi chế tạo con tàu RMS Titanic nổi tiếng), cũng trải qua một giai đoạn suy tàn nghiêm trọng trong thập niên 1960 do cuộc xung đột sắc tộc, tôn giáo The Troubles – liên quan đến vị thế chính trị của Bắc Ireland2 – kéo dài gần 30 năm. Hiện nay, phần lớn các cơ sở đóng tàu và dệt may cũ của thành phố đều đã được thay thế bằng những khu trung tâm mua sắm, trường đại học, khách sạn và sân bay trong một nỗ lực nhằm biến Belfast trở thành một trung tâm du lịch hàng đầu Vương quốc Anh.
----
Chú thích:
1. Bắc Ireland là một bộ phận của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, nằm ở phía Đông Bắc của đảo Ireland, tiếp giáp với Cộng hòa Ireland.
2. Trong nhiều năm, Bắc Ireland là nơi diễn ra một cuộc xung đột đẫm máu do mâu thuẫn giữa hai lực lượng: i) những người dân tộc chủ nghĩa, chủ yếu là tín đồ Công giáo La Mã, luôn tự nhìn nhận mình là người Ireland và muốn đòi độc lập; ii) nhóm xem mình là người Anh (British), chủ yếu là tín đồ Kháng cách, muốn tiếp tục duy trì sự phụ thuộc vào Anh. Năm 1998, sau khi các bên liên quan ký kết Thỏa thuận Thứ sáu Tuần Thánh, Bắc Ireland được trao quy chế tự trị lớn hơn – theo thỏa thuận, Bắc Ireland có quyền hợp tác với phần còn lại của đảo Ireland (tức Cộng hòa Ireland) trên một số lĩnh vực, trong khi Chính phủ Anh vẫn duy trì quyền kiểm soát trên các lĩnh vực khác mặc dù Cộng hòa Ireland “có thể trình bày quan điểm và đề xuất”.