Liệu con người có thể sở hữu công nghệ để hồi sinh một người đã chết hay không? Giáo sư James Hiram Bedford chắc chắn hy vọng như vậy. Ông đã chờ đợi ngày đó trong hơn 50 năm qua khi là người đầu tiên trên thế giới đóng băng cơ thể trong phòng thí nghiệm tại Tổ chức Kéo dài Sự sống Alcor ở bang Arizona, Mỹ.

Các bác sĩ tiêm hóa chất chống đông dimethyl sulfoxide vào máu của Bedford. Ảnh: Alcor.
Các bác sĩ tiêm hóa chất chống đông dimethyl sulfoxide vào máu của Bedford. Ảnh: Alcor.

James Hiram Bedford là giáo sư tâm lý học tại Đại học California (Mỹ). Trước lúc qua đời vào năm 1967, Bedford bày tỏ mong muốn được làm đông lạnh cơ thể để chờ hồi sinh và phục hồi ý thức với công nghệ tiên tiến hơn trong tương lai. Bedford mắc bệnh ung thư thận và các tế bào ung thư đã di căn vào phổi. Ông biết cái chết sắp xảy ra với mình nên viết di chúc để lại 100.000 USD cho việc bảo quản thi thể.

Khi Bedford qua đời vào ngày 12/1/1967, mọi người đều hết sức ngạc nhiên với di nguyện của ông. Tại thời điểm đó, khoa học về bảo quản cơ thể đông lạnh vẫn còn là một ý tưởng mới và chưa có kỹ thuật nào được thử nghiệm hiệu quả ngoài thực tế. Người ta chỉ sử dụng công nghệ bảo quản lạnh một cách hạn chế đối với các mô và tế bào nhỏ như tinh trùng và trứng, thay vì toàn bộ cơ thể người.

Tôn trọng ước muốn của Bedford, cô y tá chăm sóc ông đã chạy sang từng nhà hàng xóm để thu thập băng đá trong tủ lạnh, nhằm phục vụ việc bảo quản ban đầu thi thể. Sau đó, cô gọi điện cho Hiệp hội Kéo dài Sự sống (LES) nhờ giúp đỡ. Tổ chức này thành lập vào năm 1964 với mục tiêu nghiên cứu và phát triển những cách thức làm đông lạnh người chết [do bệnh tật hoặc chấn thương], giữ cho các cơ quan của họ không bị hủy hoại để chờ được cứu sống trong tương lai với sự tiến bộ của khoa học.

Ngay lập tức, một nhóm chuyên gia LES đến nhà Bedford và bắt đầu tiến hành các bước bảo quản thi thể cho ông. Họ tiêm hóa chất chống đông vào máu của ông trong khi vẫn tiếp tục bơm oxy vào hệ thống tuần hoàn nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại tới bộ não. Cơ thể ông sau đó được đặt bên trong một thùng chứa đầy đá khô (khoảng -79ºC), trước khi đưa vào môi trường nitơ lỏng ở nhiệt độ -196ºC.

Hai năm tiếp theo, thi thể Bedford được lưu trữ và bảo quản tại một cơ sở ở Phoenix, bang Arizona trước khi chuyển đến một cơ sở mới ở California. Tám năm sau, cơ thể đóng băng tiếp tục bị di chuyển thêm một lần nữa. Trong khi con trai và vợ rất trung thành với di nguyện của Bedford, những người thân khác không muốn thực hiện cách an nghỉ đặc biệt này. Họ yêu cầu các bác sĩ phải “rã đông” Bedford và chôn cất ông. Vì vậy, một cuộc chiến pháp lý giữa các thành viên trong gia đình Bedford đã xảy ra. Chi phí bảo quản thi thể và kiện tụng kéo dài tiêu tốn hết 100.000 USD mà Bedford để lại.

Không lâu sau, do không chịu được chi phí bảo quản quá cao, con trai Bedford chuyển thi thể của cha về nhà và tự mình định kỳ thay nitơ lỏng. Vào năm 1982, Mike Darwin – đại diện của Tổ chức Kéo dài Sự sống Alcor – thuyết phục gia đình đưa Bedford đến cơ sở của mình. Darwin hứa sẽ bảo quản thi thể ông trong một môi trường an toàn với chi phí thấp hơn. Mặc dù có một chút do dự nhưng cuối cùng con trai của Bedford cũng đồng ý.

Hiện nay, cơ thể đóng băng của Bedford vẫn đang nằm trong phòng thí nghiệm tại Tổ chức Kéo dài Sự sống Alcor. Tuy nhiên, tình trạng hiện tại của ông không được tiết lộ. Một cuộc kiểm tra vào năm 1991 cho thấy phần thân trên và cổ, cũng như cánh tay của Bedford đổi màu và đỏ lên giống như bị viêm do nhiễm trùng. Phần mũi xẹp xuống do bị đè nèn bởi một phiến đá khô trong quá trình đóng băng ban đầu, còn phần da trên ngực thì rạn nứt. Nếu Bedford được hồi sinh, vẻ bề ngoài của ông sẽ bị biến dạng.

Viễn cảnh hồi sinh một cơ thể đóng băng cho đến nay vẫn còn khá xa vời và thiếu tính thực tế. Nhiều người trong cộng đồng khoa học thậm chí còn cho rằng đây là hành động phi đạo đức. Ngay cả khi một bước đột phá y tế như vậy trở thành hiện thực, rất khó để Bedford có thể sống lại do ông chỉ trải qua một quá trình thủy tinh hóa (vitrification) thô sơ. Trong khi đó, kỹ thuật thủy tinh hóa thực sự [biến chất lỏng của cơ thể thành một dạng gel đặc mà không gây ra sự hình thành các tinh thể băng gây hại] phải đến những năm 1980 mới xuất hiện.

Ngoài ra, chất chống đông dimethyl sulfoxide – từng được cho là hợp chất hữu ích cho quá trình đông lạnh lâu dài – hiện nay không còn được sử dụng và nó gần như chắc chắn đã làm tổn hại não của Bedford trong thời gian qua. Theo một thông cáo báo chí của Tổ chức Kéo dài Sự sống Alcor, Bedford vẫn đang ở trong kho lạnh với tình trạng giống như hôn mê sâu và mọi hoạt động trao đổi chất đã tạm ngừng lại. Bedford không còn tồn tại về mặt pháp lý nhưng ông ấy cũng không chết.

Mặc dù công nghệ làm đông lạnh cơ thể chờ hồi sinh có nhiều cải tiến kể từ thời Bedford, nhưng đến nay chưa có bằng chứng nào cho thấy công nghệ này thực sự hoạt động. “Một bệnh nhân được bảo quản xác bằng phương pháp đông lạnh có thể phải chịu đựng những tổn thương không thể khắc phục trong quá trình thủy tinh hóa, khiến họ không khác gì người chết”, theo nhận định của một giáo sư y khoa tại Đại học Oregon (Mỹ).

Tính đến nay, cả thế giới có hơn 350 người chết được bảo quản ở nhiệt độ thấp tại một trong bốn cơ sở cung cấp dịch vụ này bao gồm: 2 cơ sở ở Mỹ (Tổ chức Kéo dài Sự sống Alcor, bang Arizona và Viện Cryonics, bang Michigan); 1 ở Nga (công ty KrioRus), và 1 ở Bồ Đào Nha (cũng là phòng thí nghiệm của Alcor). Chi phí một người phải bỏ ra nếu muốn làm đông lạnh sâu toàn bộ cơ thể tại Viện Cryonics là 35.000 USD. Đối thủ của họ, Alcor, đề xuất mức giá 200.000 USD. Trong khi nếu thực hiện tại công ty KrioRus, bạn sẽ phải trả 37.600 USD.

“Y học hiện đại có thể chữa khỏi nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo mà cách đây 50 năm các bác sĩ phải bó tay. Phương pháp làm đông lạnh cơ thể cũng tương tự như vậy. Nó giống như một liều thuốc cấp cứu giúp cơ thể không trở nên tồi tệ hơn, các tế bào không bị phân hủy để đợi kỹ thuật tiên tiến trong tương lai khắc phục vấn đề đó”, Max More, giám đốc Alcor, cho biết.