“Đọc gì về Đông Dương?”, một bài viết của Georges Bois đăng trên tuần san Indochine số 20 (ra ngày 23/1/1941), thể hiện rất rõ mối băn khoăn lớn của không chỉ hầu hết người Pháp mà của cả bản thân người Việt trong bối cảnh những va chạm, tiếp nhận tri thức giữa kẻ thực dân và xứ thuộc địa đã trở thành nếp sinh hoạt thường nhật.

Tuần san Indochine, dẫu ra đời muộn, cũng muốn góp câu trả lời, từ bài viết ngắn trên, và hàng trăm bài viết có chủ đề, nội dung phong phú khác.

Georges Bois đã liệt kê một danh mục dài các cuốn sách, công trình khảo cứu gắn với Đông Dương, mà trước hết và nhiều nhất, là về Việt Nam. Đây là một chỉ dẫn đến hôm nay vẫn có thể hữu ích vì mức độ gói gọn, cụ thể, bao quát về đất nước, con người, lịch sử, tôn giáo, văn minh, các đoàn truyền giáo và cả các vấn đề thực tiễn của công cuộc di dân. Nhiều cuốn sách trong danh mục này đã được dịch sang tiếng Việt và trở thành công cụ nhập môn nghiên cứu Việt Nam, chẳng hạn: Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ của P. Gourou, Rừng người Thượng của H. Maitre, Bắc Kỳ tạp lục của Souvignet, Tỉnh Thanh Hóa của Ch. Robequain, các tiểu luận của L. Cadière…

Việt Nam qua tuần san Indochine 1941-1944 do Lưu Đình Tuân tuyển chọn và dịch lại 47 bài viết quan trọng về Việt Nam trên tuần báo minh họa Indochine viết bằng tiếng Pháp, thuộc Hội Alexandre de Rhodes, ra số đầu tiên ngày 12-9-1940.
Việt Nam qua tuần san Indochine 1941-1944 do Lưu Đình Tuân tuyển chọn và dịch lại 47 bài viết quan trọng về Việt Nam trên tuần báo minh họa Indochine viết bằng tiếng Pháp, thuộc Hội Alexandre de Rhodes, ra số đầu tiên ngày 12-9-1940.

Dĩ nhiên, bài viết của Georges Bois chỉ đơn giản là liệt kê và không thể át đi nhiều bài viết có hàm lượng thông tin và kiến văn quan trọng khác. Những người muốn hồi cố về lễ tết, tập tục trong quá khứ có thể đọc lại các bài “Tết và thờ cúng tổ tiên” của Bouchet, “Ngày Tết của người An Nam” của Nguyễn Văn Vĩnh, “Thờ Đức Thánh Trần” của Petiliot, “Ngựa và voi trong việc thờ cúng của người An Nam” của Dumoutier, “Tục nhuộm răng đen ở Đông Á và Đông Dương” của P. Huard,…

Những người ưa lần giở từng trang sử khám phá, tái thiết và xây dựng thuộc địa của người Pháp, một công việc mà giờ đây vẫn còn ăm ắp các kí ức không dễ pha phôi trên chiều dài mảnh đất hình chữ S, có thể tìm đọc loạt bài về Đà Lạt (“Đà Lạt” của P. Munier; “Sự ra đời của Đà Lạt” của A. Baudrit; “Cao nguyên Nam Trung kỳ”); về Sài Gòn (“Chợ Lớn” của André Surmer; “Khu nhà lá ở Sài Gòn-Chợ Lớn” của Hérivaux); về Hà Nội (“Đời phu xe Hà Nội” của Nguyễn Xuân Chữ; “Một Hà Nội lớn hơn” của Pineau).

Những ai chuyên chú tham chiếu các khúc ngoặt vốn gian nan nhưng cũng lắm tựu thành của nghệ thuật, của giáo dục và khoa học thời đầu thế kỉ XX, có thể nhâm nhi từng trăn trở, bàn luận và nhiều câu chuyện thú vị qua loạt bài: “Vấn đề trường học trong vùng người Thượng” của J. Rochet; “Giáo dục hiện đại và phụ nữ An Nam” của Trịnh Thục Oanh; “Trường Mỹ thuật Hà Nội” của J. H; “Phác thảo những giai đoạn chính của lịch sử Mỹ thuật An Nam” của L. Bezacier; “Các họa sĩ sơn mài Hà Nội”; “Hồi tưởng của một nhà khảo cổ Đông Dương”…

Không khó để nhận thấy, vào thập niên 1940, quá trình biến đổi xã hội Việt Nam từ truyền thống sang hiện đại vẫn là nguồn cảm hứng lớn đồng thời là nguồn dữ liệu chân thực để các tác giả truyền tải trên Indochine. Xuất phát từ vị thế “chinh phục” và “khai sáng”, các kí giả/học giả Pháp, dù sao, cũng không thuyên giảm giọng điệu hào hứng, say mê khi nhắc đến những dấu ấn cả về chính trị lẫn kinh tế xã hội quan trọng làm thay đổi diện mạo xứ thuộc địa: con đường sắt nối Vân Nam với cảng Hải Phòng; cầu Doumer; Nha địa dư Đông Dương; Nha Khí tượng và Đài thiên văn Đông Dương; Trường Mỹ thuật Hà Nội; Hàng không Đông Dương; Vấn đề La-tinh hóa các ngôn ngữ Đông Dương…

Một cách chủ ý, các tác giả đã nhắc lại nhiều số liệu trong việc qui hoạch thành phố, xây dựng công trình giao thông mà ngày nay vẫn còn được kế thừa; đã nhắc đến một số ngành nghề như trồng chè, cà phê, làm giấy được hưởng lợi nhờ người Pháp đầu tư, cải tiến kĩ thuật; đã đề cập sự thay đổi, có lẽ là tích cực nhất, trong tư duy khai thác và bảo vệ các giá trị di sản văn hóa vốn bắt đầu xuống cấp ở thời điểm đó.

Nhưng trên hết, lần theo các bài viết thoạt tiên gây cảm giác tự si ấy, chúng ta có thể trầm tĩnh nhìn lại, nếu không muốn nói là phải học hỏi và lắng nghe một cách kĩ lưỡng, những viễn kiến và công việc cụ thể của hàng loạt “kẻ xa lạ” gắn chặt với xứ thuộc địa, từ họa sư sơn mài Joseph Inguimberty, nhà điêu khắc Évaritiste Jonchère, bác sĩ trứ danh Alexandre Yersin, nhà quy hoạch đô thị Ernest Hébrard, nhà khảo cổ H. Parmentier, cho đến các chính trị gia thực dân như Paul Doumer, Jean Decoux.

Họ, dù chưa hề đầy đủ, song được nhắc đến như là điển hình của tinh thần dám làm, dám đối mặt thử thách và cả tham vọng lớn lao khi bắt tay gầy dựng cơ đồ nơi đất khách. Thành hay bại, họ đều xuất hiện trong các bài báo với tư cách là phép thử đối với sự trì trệ, lạc hậu và thủ cựu của xung quanh. Bởi thế, lịch sử An Nam thuộc địa, như về sau ghi nhận, không chỉ là tổng số những gì kê kiểm được mà còn là sự bay bổng trong cảm xúc, nét văn minh trong cách ứng xử, tư duy duy mĩ trong vô số các phác thảo chưa kịp hoàn tất.

Bền bỉ, kiên trì và nhất quán, Paul Boudet nhận định, là phẩm chất cần thiết để thực hiện một công trình lớn như cầu Long Biên. Không thiếu lời bàn lùi và giễu nhại từ phía quan lại An Nam, thậm chí “khi người ta giới thiệu đường nét kiêu hãnh và duyên dáng của cây cầu trong hình vẽ toàn cảnh, nhiều người lo ngại khối sắt hình răng cưa nhẹ tới mấy cũng không bao giờ có thể thành hiện thực”. Thế nhưng cây cầu 30.300m3 đá và 5.300 tấn sắt ấy đã hoàn thành trước thời hạn và khiến diễn văn nào phải ngợi ca sự vĩ đại của nó. Còn với quy hoạch đô thị, G. Pineau nhấn mạnh phải có hiểu biết mĩ học, nên “công luận cần phải không khoan nhượng với việc làm xấu đô thị bằng các công trình cá biệt”. Nhưng dường như điều này bất khả và thực trạng là “các chợ, trường học, lò sát sinh sao chép một cách ngớ ngẩn một số mẫu có sẵn trong cẩm nang xây dựng”.

Việt Nam qua tuần san Indochine 1941-1944 cung cấp mảnh ghép đáng kể để tìm về tổng thể báo chí tiếng Pháp trước 1945. Theo dịch giả Lưu Đình Tuân, “những người Pháp viết cho Indochine là những người sống muộn hơn và lâu hơn ở Đông Dương vào lúc văn hóa Pháp-Nam đã giao thoa với nhau nhiều hơn”. Tính chất “hai trong một” này, theo tôi, làm cho những bài viết rút bớt khoảng cách vô hình giữa người trong - ngoài cuộc để tiến đến một sự cộng thông chung về Việt Nam. Tâm thế hài hòa ấy, cùng những bức ảnh tư liệu đáng giá, một lần nữa, có thể khiến chúng ta bần thần vì quá khứ tưởng đã mất vẫn hiện diện sinh động không ngờ.