Nhóm tác giả Trường Đại học Cần Thơ đã nghiên cứu tác dụng diệt trừ sâu tơ - một trong những loài sâu rau nguy hại nhất - của dịch chiết lá chuối già, mở ra hướng sản xuất chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường và an toàn cho ngành nông nghiệp.

Nền nông nghiệp Việt Nam mỗi năm chịu nhiều tổn thất nghiêm trọng do sự mất kiểm soát các sâu bọ gây bệnh, hại cây trồng, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế cho người nông dân.

Trong đó, sâu tơ là loại sâu gây hại nguy hiểm nhất trên rau họ thập tự. Khi tấn công vườn rau, chúng tạo ra những lỗ thủng trên lá, làm lá rau xơ xác. Sâu tơ gây hại đặc biệt nghiêm trọng ở giai đoạn rau mới trồng, sâu non mới nở đục lá tạo thành rãnh. Ở tuổi lớn, sâu tơ ăn toàn bộ biểu bì khiến lá bị thủng lỗ chỗ. Ở mật độ cao, sâu ăn hết thịt lá, chỉ còn trơ gân lá, làm giảm năng suất. Sâu non cũng ăn các bắp cải đang phát triển, làm bắp cải biến dạng hoặc không thể cuốn bắp, tạo điều kiện cho bệnh thối nhũn phát triển.

Để phòng trừ sâu tơ, hiện nay người dân sử dụng nhiều biện pháp như canh tác đúng thời vụ; trồng xen canh với hành, tỏi; dùng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, sinh học,… Tuy nhiên, để xử lý nhanh chóng và hiệu quả, nông dân thường lựa chọn các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học. Điều này không những gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng, môi trường mà còn làm gia tăng tình trạng kháng thuốc ở sâu hại.

Chuối già, cây trồng quen thuộc ở Việt Nam.   Ảnh: Internet
Chuối già, cây trồng quen thuộc ở Việt Nam. Ảnh: Internet

Chuối già (hay còn được gọi là chuối tiêu, chuối hương), được nhiều nghiên cứu công bố cho thấy các bộ phận như rễ, hoa, lá có thể dùng cho mục đích y học. Cụ thể như điều trị vết thương mới, vết cắt và côn trùng cắn từ nước ép lá; dịch chiết của rễ có thể diệt trừ giun sán; nhựa của cây dùng để chữa bệnh tiêu chảy, kiết lỵ,…

Các hợp chất hoạt tính sinh học được tìm thấy trong lá cây chuối già bao gồm alkaloid, tannin, flavonoid, glycosid tim, saponin, đường deoxy và cacbohydrat. Một trong những hợp chất đó là alkaloid với các công dụng như chống oxy hóa, chống sốt rét, chất chống côn trùng, bảo vệ cây.

Lá chuối được nhóm tác giả lấy tại huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, chọn những lá từ cây trưởng thành (màu xậm, lộ vân lá), không bị sâu, nấm hay cháy lá.

Lá chuối đem rửa sạch qua nước, sấy khô và nghiền nhỏ 1-2 mm. Sử dụng 20gr mẫu được cho vào erlen 250ml và thêm vào 1gr than hoạt tính vào nguyên liệu. Sau đó, dung môi được thêm vào thực hiện quá trình ngâm trích, tiến hành lọc và làm khan bằng Na2SO4. Dịch chiết thô được tiến hành cô đuổi dung môi bằng hệ thống cô quay áp suất thấp để thu được cao chiết.

k
Phân tích các chất có trong dịch chiết lá chuối già. Ảnh: NNC

Thành phần hóa học của cao chiết lá chuối già được phân tích máy sắc ký ghép phối phổ GCMS. Kết quả phân tích khối phổ cho thấy trong cao chiết có chứa các hợp chất hóa học như Dodecane, Pyrrolidine, Tetradecane, Hexadecane, Octadecane, Neophytadiene, Hexadecanoic acid,… Trong đó, Piperidine là một hợp chất thuộc hợp chất alkaloid.

Cao chiết thô pha trong 16 mL ethanol 99% hỗ trợ quá trình hòa tan, sau đó pha loãng với nước đạt thể tích là 40 mL với các nồng độ lần lượt là 10, 20 và 30 g/L, phun trực tiếp lên sâu. Thí nghiệm được tiến hành trên sâu tơ khoảng 10 ngày tuổi, khỏe mạnh. Kết quả cho thấy số sâu chết tăng khi tăng nồng độ của thuốc. Trong đó, ở nồng độ 30 gr/l, số lượng sâu chết nhiều nhất. Sâu chết hoàn toàn sau khi phun 35 phút.

Nhóm tác giả cũng đã xây dựng được quy trình trích ly dịch chiết thô lá chuối già, có thể ứng dụng tạo chế phẩm sinh học mới cho ngành nông nghiệp.

Nghiên cứu đã được công bố trên số 3, năm 2023 của tạp chí khoa học của Trường Đại học Cần Thơ.