"Cõi người dưng" viết về những du dân Mỹ thế kỷ 21 mà phần lớn là người già đơn độc, nạn nhân của kinh tế suy thoái hoặc không muốn/không thể phụ thuộc vào con cái. Bởi vậy, họ chọn thu hẹp cuộc sống trong chiếc xe, lên đường theo tiếng gọi “tái sinh vào cuộc đời đầy tự do và phiêu lưu”.

Tác giả Jessica Bruder cấu trúc cuốn bút kí Cõi người dưng, đời du dân Mỹ thế kỉ 21 theo lối trình hiện một gương mặt, hoàn kết một ước mơ. Các chương sách vừa minh định các khía cạnh của phương thức sống “di động sản” (trên xe hơi, xe tải, nhà-xe): nguồn cơn, diễn biến, thách thức… bằng các tư liệu, khảo cứu phong phú vừa làm lay động cảm xúc người đọc bằng những cuộc trò chuyện đầy tính chiêm nghiệm, những chi tiết sinh hoạt sinh động, những nhân vật có cá tính thú vị.

Không phải là sự ghé ngang lối này, gõ cửa những cuộc đời gói trong xe bốn bánh, sức thuyết phục của cuốn sách, “tài” của tác giả được xác lập bằng chính sự dấn thân, rong ruổi 3 năm, và trở thành “mệnh” du dân.

Tác giả Jessica Bruder. Nguồn: INT
Tác giả Jessica Bruder. Nguồn: INT

Điểm giống nhau giữa dân du mục, một phương thức sinh tồn lâu đời gắn với cơ cấu xã hội, tài nguyên bản địa, văn hóa chủng tộc, với du dân Mỹ thế kỉ 21, đối tượng của cuốn sách Cõi người dưng, là họ đều từ bỏ nhà cửa truyền thống để sống cuộc sống dịch chuyển.

Điểm khác nhau là dân du mục mang theo gia đình, cộng đồng, của cải… trên hành trình, còn du dân phần lớn là những người già, đơn độc thu hẹp cuộc sống của mình trong chiếc xe. Họ không phải là lữ khách trên những chuyến du lịch đường dài, họ là những nhà “du hành” toàn thời gian, tồn sinh trên đường. Họ là những người hiểu rõ giá trị lao động, yêu lao động, lao động cật lực cả đời nhưng là nạn nhận của kinh tế suy thoái. Họ là những người già không sống nổi bằng trợ cấp an sinh xã hội, không muốn hoặc không thể phụ thuộc vào con cái. Họ là những công dân chật vật giải quyết xung đột giữa tiền thuê nhà tăng còn tiền lương thì cố định. Từ bỏ cuộc đấu không cân sức, họ “hack hệ thống”, thoát ra khỏi cuộc sống hưu trí với ảo tưởng như an nhàn, trở thành lao động cao tuổi, lên đường theo tiếng gọi “tái sinh vào cuộc đời đầy tự do và phiêu lưu”.

Lao động cao tuổi là gì? Là sự thất bại của mô hình tài chính hưu trí Mỹ, gồm an sinh xã hội, đóng góp cá nhân vào lương hưu, kết hợp giữa đầu tư với tiết kiệm. Là cơ hội làm giàu của ông chủ lớn khi có nguồn lao động cung ứng tức thì cho nền kinh tế vi mô. Là công nhân thời vụ, tập trung trong vài tháng dịp cuối năm, trong các nhà kho của Amazon. Là lao động cắm trại, “cắm vào là chạy”. “Họ mang “nhà” theo, biến các bãi trailer thành các thị trấn sớm nở tối tàn sau khi công việc chấm dứt. Họ không ở đủ lâu để hình thành công đoàn. Với công việc tay chân nặng nhọc, nhiều người thậm chí còn mệt lử, không thể bầu bạn nổi sau ca làm.” (tr.106)

Cuốn sách của Jessica Bruder không ít lần nhắc đến bộ phimThelma và Louise(1991) của Ridley Scott. Bộ phim được coi là một biểu tượng nữ quyền, kể vể cuộc chạy trốn của hai người bạn nữ sau một cuộc giết người để phòng vệ. Khắc họa tình thế ngặt nghèo, phía trước là vực thẳm của đường trường, nó gợi ra động cơ của cuộc phiêu lưu là sinh tồn trong những bất trắc, nắm chắc tay lái tiến vào một tương lai rất khó đoán định dưới sự rượt đuổi của một kẻ thù vô hình kiểu mê cung quyền lực Kafka. Cuộc sống du dân có chu kì theo năm, như loài di thê qua các địa vực để kết bầy trong mùa sinh sản, tìm nguồn thức ăn, tránh thời tiết xấu, họ tìm kiếm công việc tại các chương trình Camperforce, tụ họp trong các đại hội RTR nơi họ hòa nhập vào “du tộc” của mình, hay độc hành trên đường trường xử lí những hỏng hóc xe cộ, bệnh tật bất thình lình, thái độ “không hài lòng” của chính phủ…

Cõi người dưngthực ra không vô định, không “dửng dừng dưng” bởi nó còn được đan dệt bởi những mối quan hệ tình cờ mà nồng hậu. Hợp thành từ những cuộc đời đa dạng, tính cách độc đáo sẵn sàng giúp đỡ những kẻ lạc đường, nâng đỡ kẻ yếm thế hơn. Những tình bạn được xây dựng cố kết năm qua năm bằng gặp gỡ, chia tay và mong đợi hội ngộ. Họ viết blog chia sẻ kinh nghiệm sinh tồn trên hành trình, vài dự phóng tương lai, niềm vui sướng hay sự than thở… như cách giữ liên lạc và thường trực thông báo sự hiện tồn.

Cuốn
Cuốn bút kí của Jessica Bruder được xuất bản lần đầu vào năm 2017. Ảnh: NXB Phụ nữ

Nhân vật chính của cuốn sách là Linda May, bà mẹ đơn thân của hai cô con gái, bắt đầu đời du dân vào năm 2010 ở tuổi xế chiều với một quá khứ nhiều “lần sóng nổi”, “mấp mé bờ vực”. Là người thích giao du, bà hiện thân cho sự thân thiện, cởi mở, tốt bụng. Hành trình du mục của Linda được ghi lại trong cuốn sách là hành trình của một cuộc chạy việt dã. Bà trở thành du dân không phải để trôi dạt, một mặt nó là kết quả của tình thế “lựa chọn việc cứ hẹp dần theo tuổi tác”, một mặt nó là sảnh chờ, cuộc tích lũy để đạt được ước mơ, mua một mảnh đất xây một căn nhà tự cung tự cấp theo mô hình sinh thái Earthship. Điều đáng ngưỡng mộ sâu sắc ở bà không chỉ là tình bạn đẹp đẽ với nhân vật khác, sự chăm lo cho gia đình, tình yêu với thiên nhiên, động vật, cuộc vật lộn với những rủi ro đường trường… mà nó còn là lòng tự trọng, sự phản tư cay đắng của kiếp người. Nỗ lực ngày từng ngày, giờ từng giờ, trong từng cử điệu lao động, băng qua sự cực nhọc, nhàm chán của công việc trong kho hàng Amazon, Linda không thôi thấy mình có lỗi khi đang tham gia vào “tập đoàn chủ nô lớn nhất thế giới”, như một sự tiếp tay của nền kinh tế tiêu dùng. Linda May viết trên Facebook: “Nền kinh tế của chúng ta được xây trên lưng nô lệ mà ta duy trì ở các quốc gia khác… bất kì quốc gia nào ở thế giới thứ ba có lực lượng lao động rẻ mạt, nơi ta không cần nhìn thấy họ nhưng có thể tận hưởng thành quả lao động của họ.” (tr.378)

Cuốn sách kết thúc bằng sự kiện Linda May, “con bạch tuộc trong cái gáo dừa” đã để lại “cái gáo dừa”, chiếc xe và phần đời du mục, như cách bà đoạn tuyệt với bệnh nghiện rượu 20 năm trước, để mua một chiếc máy xới đất, bắt đầu xây dựng ngôi nhà tự cung tự cấp của mình. Cuộc đời của Linda May, hay của chính chúng ta, ngày càng phụ thuộc vào máy móc, rung một nhịp với chiếc xe bán tải, kết nối hiện diện trong chiếc điện thoại, laptop, hạnh phúc vô bờ bến trước chiếc máy phát điện… hay mặc nhiên thành module trong cỗ máy lớn của nền kinh tế, chính trị nhưng sau rốt, bà đã cự tuyệt trở thành người lai máy cyborg. Linda May đã di chuyển với một ước mơ. Còn ta thì thấy, nếu mình có một mái nhà tiện nghi, một công việc ổn định, chưa bao giờ khánh kiệt và háo hức sống mỗi ngày, không phải vì ta thông minh hơn, tài năng hơn, chăm chỉ lao động hơn người khác. Đôi khi chỉ là, ta may mắn hay (đang) là đối tượng mà xã hội rất “cưng”.