Người Ai Cập cổ đại đã dựa vào giao thông đường thủy để vận chuyển những tảng đá khổng lồ được khai thác từ các mỏ đá đến công trường xây dựng kim tự tháp cách đó hàng chục km.

Bất kể chúng được xây dựng như thế nào, các kim tự tháp trên cao nguyên Giza (Ai Cập) đại diện cho một trong những thành tựu kỹ thuật đáng kinh ngạc nhất của nhân loại. Những thách thức về hậu cần của việc di chuyển hàng triệu tấn vật liệu đến địa điểm xây dựng là vô cùng lớn, nhưng sự tồn tại của kỳ quan cổ đại này chứng tỏ người Ai Cập đã tìm ra cách thực hiện điều đó.

Kim tự tháp Ai Cập. Ảnh: CNN

Một số bằng chứng khảo cổ cho thấy người Ai Cập đã dựa vào hàng loạt kênh đào và tàu thuyền để chở vật liệu xây dựng – bao gồm đá vôi và đá granit – đến vị trí xây kim tự tháp. Những công trình nhân tạo này đã khai thác dòng chảy của sông Nile, tạo ra một kết nối trực tiếp giữa con sông nổi tiếng nhất châu Phi và cao nguyên Giza. Đây là lối đi hoàn hảo giúp những người xây kim tự tháp tiết kiệm công sức, thời gian và tiền bạc.

Hình minh họa cách thức người Ai Cập cổ đại sử dụng kênh đào và tàu thuyền để chở vật liệu xây dựng kim tự tháp. Ảnh: Ancient Origins

Kênh đào vận chuyển đá

Năm 2013, Pierre Tallet và Gregory Marouard dẫn đầu một nhóm khảo cổ học người Pháp và Ai Cập phát hiện bản nhật ký viết trên giấy cói tại Wadi el-Jarf, một bến cảng ven Biển Đỏ. Bản nhật ký viết bằng chữ tượng hình có niên đại 4.500 năm, khiến nó trở thành tài liệu giấy cói cổ xưa nhất con người từng biết đến.

Trong sách giấy cói Wadi-al-Jarf, người Ai Cập đã mô tả chi tiết thiết kế của hệ thống dẫn nước giúp họ vận chuyển vật liệu xây Kim tự tháp Khufu, kim tự tháp lớn nhất trong số ba kim tự tháp ở Giza. Kim tự tháp Khufu được tạo ra để tôn vinh Pharaoh Khufu, người cai trị Vương triều thứ tư của Ai Cập.

Nội dung cuốn nhật ký viết rằng, khi kim tự tháp Khufu [hoặc Đại kim tự tháp Giza] gần hoàn thành, công việc còn lại tập trung vào việc xây dựng lớp vỏ đá vôi bên ngoài kim tự tháp. Các công nhân khai thác những tảng đá vôi khổng lồ tại một mỏ đá ở Tura, gần thủ đô Cairo (Ai Cập) ngày nay. Sau đó, họ vận chuyển đá đến địa điểm xây dựng bằng thuyền dọc theo sông Nile và một hệ thống kênh rạch có chiều dài lên tới 17 km. Thời gian vận chuyển mất khoảng bốn ngày từ Tura đến kim tự tháp.

Những khám phá khảo cổ trong khu vực đã xác nhận các lưu vực sông, bến cảng và mạng lưới kênh rạch được mô tả trong sách giấy cói Wadi-al-Jarf thực sự tồn tại. Hệ thống kênh đào này kết nối với một nhánh sông Nile hiện nay đã biến mất, gọi là nhánh Khufu, chạy dọc theo rìa phía Tây của vùng đồng bằng ngập lũ ở Giza.

Tuy nhiên, các nhà khoa học trước đây chưa thể chứng minh là mực nước trên nhánh Khufu đủ cao để tàu thuyền có thể dễ dàng qua lại trong Vương triều thứ tư của thời kỳ Cổ Vương quốc Ai Cập (kéo dài từ năm 2.686–2.160 trước Công nguyên).

Mọi chuyện đã thay đổi nhờ nỗ lực của một nhóm nghiên cứu tại Đại học Aix-Marseille ở Pháp, những người vừa công bố một bài báo mới về nhánh Khufu cổ đại trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (PNAS) vào cuối tháng 8/2022. Họ xác nhận rằng mực nước trên nhánh sông Nile này đủ cao trong Vương triều thứ tư, tạo ra một kết nối lâu dài và ổn định với hệ thống kênh đào nhân tạo, giúp cho các tàu thuyền chở trực tiếp hàng triệu tấn đá vôi và đá granit đến cao nguyên Giza.

Thực vật cổ đại tiết lộ sự thật

Vậy làm cách nào các nhà khoa học Pháp có thể tính toán chính xác mực nước của một nhánh sông đã cạn kiệt hàng nghìn năm trước?

Trên vùng ngập lụt cổ đại bao quanh đoạn sông Nile hiện nay đã không còn tồn tại, nhóm nghiên cứu thu thập các hạt phấn hoa từ nhiều tầng trầm tích khác nhau thông qua những lõi khoan ở vị trí phía Đông của quần thể kim tự tháp. Sử dụng phương pháp tiếp cận gián tiếp này, họ có thể theo dõi những thay đổi về quá trình sinh trưởng và phát triển của 61 loài thực vật khác nhau bao gồm dương xỉ, cọ và cói trong lịch sử. Chúng có thể phát triển mạnh ở vùng ngập lũ, tùy thuộc vào tần suất lũ lụt xảy ra. Do đó, sự thay đổi của thảm thực vật phản ánh mực nước trên dòng sông chính hoặc nhánh sông.

Thông qua những mô phỏng máy tính phức tạp, nhóm nghiên cứu đã tính toán mực nước trên nhánh Khufu của sông Nile trong hơn 8.000 năm lịch sử của Ai Cập, kéo dài qua thời điểm các kim tự tháp được xây dựng.

Kết quả cho thấy, mực nước trên nhánh Khufu đạt ngưỡng cao nhất trong Thời kỳ Ẩm ướt châu Phi (African Humid Period), kéo dài từ 14.800 đến 5.500 năm trước. Phần lớn sa mạc Sahara khi đó được bao phủ bởi các hồ nước và đồng cỏ. Kể từ thời điểm này, mực nước sông Nile bắt đầu thấp dần, nhưng nhánh Khufu vẫn ở mức cao trong suốt thời kỳ Cổ Vương quốc Ai Cập.

Đây là điều kiện thuận lợi giúp người Ai Cập sử dụng dòng chảy của nhánh Khufu để vận chuyển đá vôi và đá granit. Từ đó, họ đã xây dựng thành công kim tự tháp Khufu cách đây khoảng 4.500 năm, cũng như hai kim tự tháp khác nằm ngay bên cạnh bao gồm kim tự tháp Khafre và Menkaure.

“Những người xây kim tự tháp đã nạo vét lưu vực của nhánh Khufu bằng với độ sâu của dòng sông chính nhằm khai thác sự dâng cao của nước lũ sông Nile hằng năm. Nước sông dâng cao 7m đóng vai trò như một thang máy thủy lực, vận chuyển trực tiếp vật tư và vật liệu xây dựng đến khu phức hợp kim tự tháp thông qua hệ thống kênh đào”, nhóm nghiên cứu cho biết.
Khi thời tiết tại Ai Cập ngày càng khô hạn hơn, mực nước ở nhánh Khufu giảm xuống dưới mức có thể sử dụng, và việc xây dựng kim tự tháp cũng kết thúc. “Người Ai Cập cổ đại không thể xây dựng các kim tự tháp trên cao nguyên Giza nếu không có sự hỗ trợ của nhánh sông Nile này”, Hader Sheisha, nhà địa lý môi trường tại Trung tâm Nghiên cứu và Giảng dạy Khoa học Địa chất Môi trường châu Âu, nhận định.

Nhánh Khufu đã khô cạn hoàn toàn vào khoảng năm 600 trước Công nguyên. Tại thời điểm Alexander Đại đế chinh phục Ai Cập vào năm 332 trước Công nguyên, khu vực xung quanh nhánh Khufu khô cằn đã được chuyển đổi thành nghĩa trang. Nơi nhánh sông từng chảy qua giờ đây chỉ là một vùng đất sa mạc.

Theo Ancient Origins, NYTimes