Tại vùng biển ngoài khơi phía bắc Bali, ba người đàn ông đang giám sát tình trạng của một chiếc lồng nổi diện tích 48m2 bên trong chứa hàng ngàn con hàu ngọc.

Họ được cơ quan phụ trách nuôi trồng thủy sản (NTTS) quận Karangasem ở Bali thuê để chăm sóc loài hàu Pinctada maxima – chuyên sản sinh ra loại ngọc trai Biển Nam (South Sea Pearl) nổi tiếng – tại trại nuôi Sumberkima.

Vị trí của trại nuôi trai ngọc Sumberkima trên bản đồ. Nguồn: Google Earth.

Vị trí của trại nuôi trai ngọc Sumberkima trên bản đồ. Nguồn: Google Earth.

Công việc của họ chỉ là một phần trong những nỗ lực nhằm biến Bali thành một trung tâm nuôi cấy và cung cấp ngọc trai bền vững, cũng như để duy trì vị thế của Indonesia như là nhà sản xuất ngọc trai Biển Nam lớn nhất thế giới – hiện chiếm tới 45% thị phần.

Ngọc trai Indonesia có một lịch sử hết sức lâu đời. Trong nhiều thế kỷ, dân bản địa ở quần đảo Aru, miền đông Indonesia, đã biết lặn tìm ngọc trai để bán cho các thương nhân ngoại quốc. Theo nhà nghiên cứu Ngurah Sedana Yasa – người dẫn dắt nhóm thực hiện dự án tại Sumberkima, ngành công nghiệp ngọc trai Indonesia chỉ thực sự khởi sắc kể từ khi những công ty Nhật Bản xuất hiện ở Sulawesi, sau đó mở rộng sang các vùng khác bao gồm Tây Nusa Tenggara, quần đảo Maluku, Tây Papua, Lampung,... Năm 2016, Indonesia đã thu về 15,2 triệu USD nhờ xuất khẩu ngọc trai Biển Nam, chủ yếu qua thị trường Nhật Bản.

Mặc dù vậy, sự bùng nổ của ngành này đã gây nên những ảnh hưởng nhất định đến quần thể hàu hoang dã, bên cạnh dấu hiệu suy giảm chất lượng ngọc trai. Để khắc phục, chính quyền Indonesia đã phê duyệt sáng kiến nhân giống hàu ngọc, thông qua một số dự án cụ thể như Sumberkima. “Điều quan trọng là cần tìm được địa điểm phù hợp, khi ấy công việc chăm sóc sẽ đỡ vất vả hơn” Sedana nói; và Sumberkima thực sự là một lựa chọn lý tưởng. Dọc bờ biển nơi này có rất nhiều rạn san hô, giúp vùng nước trở nên tĩnh lặng – giảm thiểu nguy cơ hàu bị cuốn trôi. Ngoài ra, hoạt động nuôi cá tại Sumberkima cũng rất tấp nập nhờ nguồn sinh vật phù du phong phú – thức ăn ưa thích của hàu.

Vị trí của trại nuôi trai ngọc Sumberkima trên bản đồ. Nguồn: Google Earth.

Vị trí của trại nuôi trai ngọc Sumberkima trên bản đồ. Nguồn: Google Earth.
Lồng nuôi hàu ngọc ở Sumberkima được giao cho 3 người đàn ông quản lý, trong đó lớn tuổi nhất là Jumari (45 tuổi). “Chúng tôi từng có kinh nghiệm tại trại tôm giống trước khi về đây,” anh nói khi đang xếp hàng trăm con hàu giống vào giá thể trong lồng. Cứ sau mỗi một hoặc hai tuần, Jumari cùng đồng nghiệp lại phải ra kiểm tra để đảm bảo hàu trong lồng an toàn trước cua và những loài săn mồi khác.

Cơ quan NTTS Karangasem đang rất muốn nhân rộng chương trình ra khắp bờ biển phía bắc Bali, nơi biển khá lặng và có rất ít động vật ăn thịt. “Không phải tất cả các vùng biển ở Indonesia đều phù hợp với nuôi trai ngọc. Nhưng ngay cả khi đã tìm được một địa điểm lý tưởng thì vẫn còn rất nhiều vướng mắc khác cần được giải quyết. Chẳng hạn như ở Bali, chúng tôi luôn phải cạnh tranh với ngành du lịch,” Sedana nói. Ông tin nếu chương trình nhân giống thành công, tạo ra đủ hàu ngọc chất lượng cao, nó sẽ giúp ngành giảm bớt sự phụ thuộc vào quần thể hàu hoang dã.

Bali có một ngành công nghiệp nuôi trai ngọc đang rất phát đạt. Ảnh: Basten Gokkon/Mongabay.

Bali có một ngành công nghiệp nuôi trai ngọc đang rất phát đạt. Ảnh: Basten Gokkon/Mongabay.

Hàu P. maxima hiện vẫn chưa phải là loài cần được bảo tồn theo quy định của Indonesia; và chính phủ cũng không áp đặt bất cứ hạn ngạch nào để bảo vệ chúng khỏi tình trạng bị khai thác thiếu bền vững trong tự nhiên. Tuy nhiên, Bộ Biển và Nghề cá Indonesia (MMAF) đã ban hành sắc lệnh cấm xuất khẩu chất phôi của một số loài sinh vật biển, trong đó có hàu ngọc, để bảo vệ bản quyền sinh học.

Một công nhân tại trại Sumberkima đang thực hiện công việc giám sát nhằm đảm bảo các lồng phải sạch sẽ, không có sự xuất hiện của những loài săn mồi. Ảnh: Basten Gokkon/Mongabay.

Một công nhân tại trại Sumberkima đang thực hiện công việc giám sát nhằm đảm bảo các lồng phải sạch sẽ, không có sự xuất hiện của những loài săn mồi. Ảnh: Basten Gokkon/Mongabay.

“Đề án nuôi và nhân giống trai ngọc là niềm hy vọng của chúng tôi với sứ mệnh cung cấp cho thị trường những viên ngọc trai chất lượng tốt nhất, trong khi ngừng khai thác nguồn lợi tự nhiên,” Sedana nói.