Nằm heo hút giữa cánh rừng toàn thông và bạch dương ở trung tâm Siberia, cách Moscow khoảng 3.000 km, nơi mùa đông thường kéo dài đến sáu tháng với nhiệt độ thấp nhất có lúc xuống tới – 40 độ C, còn mùa hè thì đầy muỗi, đó là một thành phố được xây dựng riêng cho các nhà khoa học và nghiên cứu xuất sắc của Liên bang Xô viết.

Thành phố tri thức Akademgorodok tại Siberia. Ảnh: gelio.livejournal.com.
Thành phố tri thức Akademgorodok tại Siberia. Ảnh: gelio.livejournal.com.

Thoạt nhìn, vùng đất lạnh giá quanh năm băng tuyết này dường như phù hợp với loài gấu Bắc Cực hơn là giới trí thức. Nhưng Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev (1894 – 1971) lại nhận thấy khoảng cách xa xôi từ nơi này đến Moscow chính là điều kiện cần để những bộ óc ưu tú nhất có thể làm việc cùng nhau trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, và tránh được sự soi mói của giới hữu trách quan liêu. Ngoài ra, đây cũng là câu trả lời của Liên Xô đối với mô hình Silicon Valley bên Santa Clara, Hoa Kỳ.

Akademgorodok hay “thành phố hàn lâm” vì thế đã ra đời và nằm tọa lạc giữa khu rừng cách Novosibirsk khoảng 30 km về phía Nam. Trong giai đoạn cuối 1950 – giữa 1970, một vài “đầu mối tri thức” như vậy đã được xây dựng ở Siberia, song Akademgorodok bên ngoài Novosibirsk vẫn là nơi thành công nhất. Tại đây có Đại học Quốc gia Novosibirsk, 35 viện nghiên cứu, trung tâm y khoa, nhiều tòa nhà chung cư và cư xá, cùng một loạt các tiện ích công cộng như bách hóa, khách sạn, bệnh viện, nhà hàng, tiệm cà phê, rạp phim, câu lạc bộ thể thao, thư viện … Cách đó chưa đầy 2 km, người ta còn cho đổ một bãi biển nhân tạo dọc hồ chứa Ob bằng hàng trăm tấn cát.

Nikita Khrushchev (hàng đầu, bên trái) đi thăm Akademgorodok đang trong quá trình xây dựng, thập niên 1950. Ảnh: gelio.livejournal.com.
Nikita Khrushchev (hàng đầu, bên trái) đi thăm Akademgorodok đang trong quá trình xây dựng, thập niên 1950. Ảnh: gelio.livejournal.com.

Vào thời đỉnh cao, Akademgorodok thu hút gần 65.000 nhà khoa học tới làm việc. Nhờ được hưởng nhiều đặc cách, cuộc sống vô cùng thoải mái cùng sự hứa hẹn về cơ hội thăng tiến, rất đông trí thức Liên Xô đã tình nguyện đến đây công tác và mang theo cả gia đình, đồng thời cũng là để xa lánh bầu không khí “ngột ngạt” ở gần Moscow.

Thực sự, những cư dân của Akademgorodok đã được hưởng mức độ tự do tuyệt vời hơn bất cứ nơi nào khác trên khắp đất nước để thỏa sức theo đuổi đam mê. Họ có thể thoải mái tranh luận về nền tảng học thuyết Mác lẫn những tư tưởng kinh tế phi Mác-xít, hay nghe các tác phẩm văn học và âm nhạc vốn không được chế độ khuyến khích, cấm đoán. Nhiều lĩnh vực nghiên cứu từng bị các lãnh đạo ở Moscow coi là ngụy khoa học hay nguy hiểm đã phát triển mạnh mẽ với vô số thành tựu như điều khiển học (cybernetics), di truyền (genetics), …

Ngoài ra, mức sống tại Akademgorodok cũng cao hơn so với phần còn lại của đất nước. Đó là các tiệm bách hóa chất đầy thực phẩm được trợ giá, bên cạnh những căn hộ đầy đủ tiện nghi – điều không phải nơi nào cũng có. Các cá nhân có học vị tiến sỹ được hưởng một loại dịch vụ cung cấp thực phẩm đặc biệt, với nhiều lựa chọn hơn so với phần lớn dân chúng. Thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học thậm chí còn được hưởng những đặc quyền cao hơn thế, như được phân nhà vườn thay vì căn hộ.

Tuy nhiên, tầm nhìn phát triển khoa học công nghệ mà không có (hoặc có rất ít) sự can thiệp của nhà nước vẫn là điều bất khả ở Liên Xô. Nhiều quyền tự do đã bị giới hạn lại trong giai đoạn Leonid Brezhnev (1906 – 1982) nắm quyền, sau khi Khrushchev qua đời (1971). Sang thập niên 1990, cùng với sự tan rã của Liên Xô, rất nhiều nhân tài sáng giá nhất đã tháo chạy sang phương Tây, trong đó có Andrei Okounkov (giải Field 2006), Alexei Alexeyevich Abrikosov (Nobel Vật lý 2003), Konstantin Novoselov (Nobel Vật lý 2010), hay trước đó là cha mẹ của Sergey Brin – nhà đồng sáng lập Google, …

Akademgorodok có điều kiện sống rất tốt. Ảnh: gelio.livejournal.com.
Akademgorodok có điều kiện sống rất tốt. Ảnh: gelio.livejournal.com.

Trong cơn đau lịch sử, những cải cách kinh tế theo hướng thị trường tự do cuối cùng cũng mở đường cho các hoạt động đầu tư mạo hiểm, nhất là tại khu vực tư nhân ở Akademgorodok. Từ những thương vụ với tổng giá trị khiêm tốn chỉ gần 10 triệu USD vào năm 1997, con số này đã tăng lên hơn 1 tỷ USD vào năm 2015. Hiện đang có khoảng 300 doanh nghiệp công nghệ hoạt động tại Akademgorodok, nghiên cứu, phát triển và thương mại hóa đủ thứ, từ gốm sứ nano đến ứng dụng đồ họa cho ngành công nghiệp giải trí của Mỹ. Ngoài ra, dân số nơi đây cũng đã vượt ngưỡng 100.000 người.

Mặc dù số liệu trên còn khá khiêm tốn so với nhiều mô hình thành phố tri thức ở những nơi khác, và ngay cả tại nước Nga như Skolkovo Innovation Center – một trung tâm sáng tạo công nghệ mới nổi ở ngoại ô Moscow, nơi đang có gần 1.100 startup tạo ra doanh thu hơn 1 tỷ USD vào năm 2018, nhưng Akademgorodok vẫn sẽ mãi được xem là Thung lũng Silicon khởi thủy của nước Nga.