Từ những nguyên liệu phổ biến và quen thuộc có trong nước, các nhà khoa học Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã nghiên cứu, sản xuất ra các sản phẩm làm đẹp, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe con người.

Ngày 7/12 tại TPHCM, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam (VAST) tổ chức hộ thảo “Xúc tiến, quảng bá các kết quả KH&CN của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam phục vụ chăm sóc sức khỏe con người”.

Đây là một trong những hoạt động quan trọng của VAST nhằm giới thiệu thành tựu KH&CN của Viện tới cộng đồng doanh nghiệp, địa phương; đồng thời tăng cường hợp tác công tư, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động KH&CN.

PGS.TS Phan Tiến Dũng, Trưởng ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ VAST, cho biết, VAST là đơn vị nghiên cứu hàng đầu của đất nước, đa ngành, đa lĩnnh vực, nghiên cứu cơ bản và ứng dụng trong Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Khoa học Trái đất, Công nghệ sinh học, Công nghệ vật liệu mới,… Số sáng chế, giải pháp hữu ích hằng năm của Viện chiếm 40% tổng số sáng chế và giải pháp hữu ích của cả nước.

Ngoài ra, các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm từ kết quả nghiên cứu được Viện chú trọng phát triển trong nhiều năm qua. Viện đã ký kết hợp tác với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhằm thúc đẩy hợp tác, để tạo ra các sản phẩm công nghệ, giải quyết các vấn đề thách thức của doanh nghiệp và thực tiễn.

Giới thiệu kết quả nghiên cứu tại Hội thảo.   Ảnh: KA
Giới thiệu kết quả nghiên cứu tại Hội thảo. Ảnh: KA

Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã giới thiệu các kết quả nghiên cứu phục vụ chăm sóc sức khỏe con người như Ứng dụng công nghệ siêu âm, kết hợp enzyme trong chế biến hàu biển, tạo các sản phẩm bảo vệ sức khỏe có giá trị cao; Sản phẩm bảo vệ sức khỏe dạng viên nang chứa cao chiết cây an xoa; Phát triển sản phẩm hỗ trợ giải độc gan từ cao chiết cây chè vằng; Công nghệ tạo màng nano ứng dụng làm sản phẩm mặt nạ dạng khô chăm sóc da; Chế phẩm bảo vệ gan từ cây màn màn vàng; Thiết bị matxa – dược trị liệu phục hồi chức năng; Sản phẩm mỹ phẩm giữ ẩm và trắng da từ nghệ trắng và sâm bố chính; Phức hệ nano SCP ứng dụng trong phòng chống dịch bệnh,…

Cụ thể, các nhà khoa học Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên đã nghiên cứu ứng dụng công nghệ giảm thủy phần nâng cao chất lượng, giá trị mật ong bạc hà Cao nguyên đá Hà Giang. Đồng thời, họ xây dựng thành công công nghệ và thiết bị nâng cao chất lượng mật ong, đạt tiêu chuẩn Dược điển Việt Nam V, đảm bảo xuất khẩu vào các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản ... Hệ thống thiết bị được nhóm nghiên cứu chế tạo vận hành tự động, tiết kiệm năng lượng, đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hay như ở vùng đồi núi thuộc tỉnh Sơn La, cây Nhó đông được trồng rất phổ biến, là nguồn tài nguyên dồi dào. Tận dụng tiềm năng đó, ThS. Trần Thu Hường nghiên cứu chiết xuất hoạt chất và bào chế thuốc điều trị viêm gan virus từ rễ cây Nhó đông. Nghiên cứu được chuyển giao công nghệ cho Công ty TNHH Công nghệ dược phẩm AIT tạo ra sản phẩm “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nhó Đông Gan Việt”, giúp ức chế hoạt động và sự nhân lên của virus viêm gan B, kể cả viêm gan A và viêm gan C, làm giảm mật độ virus và đưa virus về trạng thái âm tính. Đồng thời, giải độc, bảo vệ, giảm men gan, tăng cường chức năng gan,…

Các sản phẩm hỗ trợ giải độc, bảo vệ gan.       Ảnh: KA
Các sản phẩm hỗ trợ giải độc, bảo vệ gan. Ảnh: KA

PGS.TS. Trần Quốc Toàn và cộng sự đã nghiên cứu phát triển và ứng dụng các công nghệ tiên tiến để tạo chuỗi sản phẩm có giá trị cao từ hải sản (hàu, cá và rong) Việt Nam. Từ nguồn nguyên liệu hàu, cá và rong biển, nhóm nghiên cứu đã sử dụng một số các kỹ thuật tiên tiến như thủy phân bằng enzyme dưới sự hỗ trợ của sóng siêu âm, ly tâm tốc độ cao đã tạo ra được các chế phẩm có giá trị cao như dầu eicosanoids, dầu HUFas, chế phẩm oligopeptide từ hàu biển, gel alginate... có tác dụng hỗ trợ kháng viêm, nâng cao trí nhớ, tăng cường miễn dịch – thể lực, giải độc cơ thể. Các quy trình công nghệ của đề tài đã được cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích.

TS Mai Thành Chí, Viện Công nghệ hóa học thì nghiên cứu tạo màng Nanocellulose-Naringin từ vỏ bưởi, ứng dụng làm mặt nạ dưỡng da dạng khô. Mặt nạ có công dụng làm trắng sáng da, hạn chế tác dụng của ánh sáng xanh. Sản phẩm ứng dụng các công nghệ tiên tiến công nghệ CO2 siêu tới hạn, Nano, Công nghệ Nano – Electrospinning... giúp tăng độ thẩm thấu nhanh, hoàn toàn không sử dụng chất bảo quản, tiện lợi trong quá trình sử dụng.

Mát xa nhiệt – dược trị liệu của Viện Khoa học Vật liệu.   Ảnh: KA
Mát xa nhiệt – dược trị liệu của Viện Khoa học Vật liệu. Ảnh: KA

Hay như thiết bị mát xa nhiệt – dược trị liệu cho phục hồi chức năng do TS Tống Quang Công và cộng sự Viện Khoa học vật liệu chế tạo, được kết hợp gel dược liệu nano từ gừng và ngải cứu giúp giảm đau cơ, xương khớp. Thiết bị có dạng tròn, khung ngoài bằng gỗ thông, bên trong có đá ngọc bích giúp giữ ổn định nhiệt độ khi kết nối với nguồn điện 12V thông qua adapter. Nhiệt được điều chỉnh tối đa 60 độ C theo mục đích sử dụng. Đối với dược trị liệu dạng gel được nhóm nghiên cứu làm từ gừng và ngải cứu, khi bôi lên da, kết hợp với thiết bị mát xa có tác dụng hỗ trợ giảm đau cơ xương khớp hiệu quả hơn.