Đây được xem là động thái để thu hút người dùng mới, trong bối cảnh Tiki đang “hụt hơi" trong cuộc đua với các sàn thương mại điện tử khác.

g
Trong bối cảnh cần phải giảm lỗ, tăng doanh thu, mới đây Tiki đã tích hợp ChatGPT trên nền tảng để khách hàng có thể trải nghiệm, sử dụng hoàn toàn miễn phí. Nguồn: Ảnh chụp màn hình nền tảng Tiki.

Theo hồ sơ pháp lý của Tiki Global có trụ sở ở Singapore, Tiki ghi nhận doanh thu giảm 7% trong năm tài chính 2022 (kết thúc vào tháng 3/2022). Trong khi đó tổng chi phí tăng 4% so với cùng kỳ. Kết quả là lỗ hoạt động của ông lớn thương mại điện tử này tăng 39% so với năm tài chính trước đó.

Vốn được coi là đối thủ lớn của hai gã khổng lồ thương mại điện tử trong khu vực là Shopee và Lazada, Tiki đang tỏ ra “hụt hơi". Trong bối cảnh cần phải giảm lỗ, tăng doanh thu, mới đây Tiki đã tích hợp ChatGPT trên nền tảng để khách hàng có thể trải nghiệm, sử dụng hoàn toàn miễn phí.

“Tiki hiểu được tầm quan trọng và cần thiết của AI và trí tuệ nhân tạo từ ChatGPT nên đã mang đến sự tích hợp ChatGPT trên Tiki từ ngày 8/5/2023 để khách hàng có thể trải nghiệm, sử dụng hoàn toàn miễn phí và nhanh chóng, thuận tiện”, nền tảng này cho biết.

“Tất cả đối tượng từ các bạn sinh viên, nhân viên văn phòng, đến các nhóm khách hàng với đủ nhóm tuổi và giới tính khác nhau đều có thể sử dụng ChatGPT để trò chuyện như con người và tìm hiểu, hỏi đáp về tất cả lĩnh vực trong cuộc sống”.

Đây được xem là động thái để giúp Tiki thu hút được lượng người dùng mới, tiếp tục thế cạnh tranh với các sàn thương mại điện tử đối thủ khác.

Lấy cảm hứng từ Jeff Bezos của Amazon, doanh nhân Trần Ngọc Thái Sơn đã thành lập Tiki vào năm 2010 như một nền tảng bán sách trực tuyến. Tiki là từ viết tắt của “tìm kiếm và tiết kiệm”. Hiện tại, Tiki không chỉ bán sách mà còn mở rộng danh mục, bán các sản phẩm khác, tương tự như Amazon đã làm.