Tại sao cùng lượng người xem, số tiền mà clip nước ngoài được Youtube trả cao gấp vài chục, vài trăm lần so với clip Việt? Một phần vì khán giả nước ngoài có ý thức click vào quảng cáo như cách trả công người sản xuất video miễn phí cho mình xem.

Phong trào kiếm tiền bằng cách sản xuất video đăng lên mạng ngày một sôi động ở Việt Nam. Nhưng có một thực tế là tuy chỉ số về lượt xem và theo dõi phát triển tốt, số tiền thu được vẫn thấp do vấn đề bản quyền chưa được coi trọng.


Mỏ vàng, nhưng khai thác không dễ


Hòa nhập làn sóng kiếm tiền trên Youtube, các bạn trẻ nhóm Kem Xôi (Hà Nội) mất hơn 7 tháng để kênh video hài này có 300.000 người theo dõi và 85 triệu lượt xem như hiện nay. Lên sóng từ đầu tháng 9/201 5, êkíp gồm năm - bảy người chia nhau làm, từ lên fomat chương trình, ý tưởng, tuyển diễn viên cho tới chuẩn bị đạo cụ, bối cảnh và mày mò cách tối ưu doanh thu trên Youtube.


Một buổi quay video của nhóm Kem Xôi, bối cảnh là một quán cà phê tại Hà Nội, chụp ngày 25/4. Ảnh: Loan Lê
Một buổi quay video của nhóm Kem Xôi, bối cảnh là một quán cà phê tại Hà Nội, chụp ngày 25/4. Ảnh: Loan Lê

“Kem Xôi xác định thế mạnh của mình là sự kết hợp giữa nghệ thuật sân khấu và nghệ thuật video. Đây là hướng đi còn mới mẻ” - trưởng nhóm Vũ Thành Long chia sẻ. Tận dụng tối đa nguồn lực, cả đạo diễn lẫn quay phim đều kiêm diễn viên. Mỗi bữa cơm trưa là một buổi họp. Nhóm hậu kỳ làm việc xuyên đêm trau chuốt từng khuôn hình để mỗi tuần có 2 tập lên sóng.


Cũng như mọi nhóm làm clip khác, Kem Xôi trải qua những ngày đếm từng lượt xem. Nhưng sau 3 tháng, kênh hài này đã đạt 100.000 lượt theo dõi và nhận được nút play bạc từ Youtube. “Youtube bắt đầu trả tiền cho sản phẩm của chúng tôi” - Vũ Thành Long kể. Đến nay - hơn 4 tháng kể từ thời điểm đó, số người theo dõi tăng gấp 3 lần. Tỷ lệ doanh thu mà nhóm được hưởng là 55%. Tuy nhiên theo ông Long, số tiền nhận được từ Youtube chưa đủ bù đắp chi phí và nhóm phải tìm cách tối ưu doanh thu từ những nguồn khác.


Ông Đỗ Hoàng Minh Khôi - người sở hữu 2 kênh Youtube Partner là He Always Smile và The 5050 với 20 triệu views và gần 190.000 người theo dõi - cũng thừa nhận, thu nhập từ Youtube không quá lớn, nhất là với những người bỏ nhiều thời gian, tiền bạc để đầu tư.


Tại sao nhiều người xem, tiền vẫn ít?


Doanh thu từ Youtube phụ thuộc vào chỉ số CPM - số tiền trả cho 1.000 lượt view. CPM trung bình của Việt Nam rất thấp - chỉ 0,14USD, trong khi ở Mỹ là 6,32USD (gấp 45 lần) và ở Thuỵ Sỹ là 39,17USD (gấp 280 lần). Vậy nên 1 triệu views ở Mỹ mang lại số tiền khác hẳn với 1 triệu views ở Việt Nam.


Chỉ số CPM phụ thuộc nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất vẫn là quảng cáo. Nếu clip đông người xem nhưng ít người click vào quảng cáo, tiền thu được vẫn không đáng kể. Video càng dài (và đủ hấp dẫn để giữ khán giả) càng cài được nhiều quảng cáo, bởi Youtube quy định các quảng cáo phải đặt cách nhau 7 phút.


Ông Vũ Thành Long nêu một thực tế: Ở Mỹ, cứ 1.000 người xem video trên mạng thì khoảng 500 người click vào quảng cáo. Ở Đan Mạch, Thụy Sỹ, tỷ lệ này càng lớn do ý thức của người dân về giá trị sản phẩm số rất cao. Họ cho rằng khi có một nhóm sản xuất video miễn phí cho mình xem thì mình nên click vào quảng cáo để nuôi sống nhóm đó. Quan điểm này hiện rất xa lạ với đa số người Việt xem clip trên mạng - khi việc xem miễn phí được coi là đương nhiên và sự xuất hiện của các quảng cáo thậm chí còn gây khó chịu vì bị cho là làm phiền. Biểu hiện là tỷ lệ click vào quảng cáo ở Việt Nam rất thấp, khiến giá trị quảng cáo cũng bèo bọt theo.


Lỗ hổng bản quyền trên Youtube


Việc kênh Youtube của VTV bị đóng cửa do sử dụng không phép một đoạn clip của ông Bùi Minh Tuấn là minh chứng cho tính minh bạch, khắt khe của Youtube về bản quyền. Quả thật, trang web này có cơ chế giúp báo cáo vi phạm và xử lý.


Tuy nhiên, chuyện không đơn giản như vậy. Đại diện Kem Xôi cho biết, Youtube chỉ bảo vệ bản quyền nội dung, còn hình ảnh hiển thị, tên kênh, tên tập không được bảo vệ. Nghĩa là kẻ ăn cắp chỉ cần tạo một kênh Kem Xôi khác trên Youtube và tha hồ copy.


“Chỉ mất 10 phút để tạo một tài khoản Youtube và sao chép nội dung. Người nhái chỉ bỏ ra công sức rất nhỏ, trong khi người bị nhái lại mất rất nhiều công sức để báo cáo vi phạm rồi chờ giải quyết. So sánh hai bên, ai sẽ dễ nản hơn trong cuộc chơi này? Rõ ràng là nạn nhân. Người ta có thể báo cáo 1 lần, 2 lần nhưng không thể báo cáo suốt ngày” - Long chia sẻ. Ngay khi Kem Xôi vừa ra mắt, chỉ sau 30 phút đã bị sao chép nguyên từ tên kênh đến fanpage, chính xác từ dấu chấm, phẩy.


Ông Minh Khôi cũng thừa nhận, tuy quan tâm tới bản quyền, ông không làm căng bởi không có thời gian phát hiện sao chép và báo cáo dù thiệt hại khá lớn (với 1 triệu views của video ông sản xuất đến từ các kênh nhái, thiệt hại khoảng 3 triệu đồng). Do đó, tiền thu không nhiều từ Youtube là thực tế mà người sản xuất clip đang phải chấp nhận. Thường Youtube Partner ở Việt Nam kiếm thêm từ các nhãn hàng khi đưa nội dung của thương hiệu vào video hoặc xây dựng thương hiệu cá nhân.


>> Làm gì để nâng cao nhận thức và bảo về quyền sở hữu trí tuệ?