Bằng kỹ thuật multiplex PCR, nhóm tác giả tại Đại học Y Dược TPHCM đã xây dựng quy trình phát hiện nhanh, chính xác đồng thời nhiều loài nấm Candida xâm lấn, giúp chọn lựa thuốc điều trị thích hợp.

Nấm Candida spp. sống hoại sinh chủ yếu ở cơ quan tiêu hóa của người và các động vật máu nóng. Tuy nhiên, chúng cũng có thể hoại sinh ở một số cơ quan khác như âm đạo, niệu đạo, da và móng. Khi gặp điều kiện thuận lợi, vi nấm từ dạng hoại sinh chuyển sang dạng ký sinh gây bệnh. Nấm Candida spp. dễ bị tiêu diệt bởi nhiệt độ, ở môi trường khô.

Bệnh lý do nấm Candida spp. gây ra không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây khó chịu, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu nhiễm Candida xâm lấn (invasive candidiasis) sẽ có nguy cơ tử vong khoảng 60%.

Candida spp. được xếp ở vị trí thứ 5 trong các tác nhân gây nhiễm khuẩn bệnh viện và đứng thứ 4 trong số các tác nhân gây nhiễm khuẩn máu. Tỉ lệ nhiễm nấm Candida spp. đang có xu hướng tăng rõ rệt trong thời gian gần đây, liên quan đến việc sử dụng thuốc chống ung thư, thuốc ức chế miễn dịch, các kháng sinh phổ rộng, ghép tạng, dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch, các thiết bị cấy ghép,...

Ở Việt Nam, tỷ lệ nhiễm nấm cao nhất ở 4 loài Candida xâm lấn, bao gồm: C.albicans, C.glabrata, C.tropicalis và C.parapsilosis. Hiện nay, có nhiều khuyến cáo sử dụng các thuốc kháng nấm điều trị theo kinh nghiệm, đối với các trường hợp nhiễm nấm Candida xâm lấn, khi chưa xác định được loài gây bệnh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, điều trị thuốc kháng nấm theo kinh nghiệm sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng của bệnh nhân.

Vì vậy, việc chẩn đoán và xác định chính xác loài Candida spp. gây bệnh sẽ cung cấp bằng chứng trong việc lựa chọn thuốc kháng nấm phù hợp, nhằm gia tăng hiệu quả điều trị, giảm độc tính, giảm tỉ lệ tử vong và giảm chi phí điều trị cho bệnh nhân. Trong khi đó, việc chẩn đoán xác định loài Candida spp. gây bệnh còn hạn chế ở nước ta. Cấy máu để phát hiện Candida spp. nhưng chỉ cho kết quả dương tính 50 – 70%. Xét nghiệm phát hiện 1,3β-D-glucan (để xác định các bệnh do nấm), nhưng độ nhạy còn chưa cao (hơn 75%).

n

Định danh các loài nấm Candida. Ảnh: NNC

Hiện nay, các phương pháp chẩn đoán sinh học phân tử có nhiều ưu điểm trong phát hiện, định danh tác nhân vi sinh vật gây bệnh. Đề tài “Xây dựng quy trình định danh Candida bằng kỹ thuật Multiplex-PCR”, do nhóm tác giả Đại học Y Dược TPHCM thực hiện đã phát hiện được 4 loài nấm xâm lấn nêu trên, bằng phương pháp multiplex PCR.

Theo đó, 40 mẫu bệnh phẩm (thu thập tại Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, Bệnh viện Lê Văn Thịnh) được phát hiện bằng 3 phương pháp: phân biệt khóm nấm trên môi trường phân biệt CHROMagar Candida, thử nghiệm huyết thanh tạo ống mầm, và multiplex PCR (kỹ thuật này khuếch đại được 2 hay nhiều chuỗi DNA).

Kết quả, định danh vi nấm gây bệnh bằng phương pháp truyền thống như nuôi cấy trên môi trường phân biệt CHROMagar Candida, thử nghiệm huyết thanh tạo ống mầm cần nhiều thời gian (48 giờ), và chỉ phát hiện được 1- 2 loài Candida spp. và phụ thuộc chủ quan vào người đọc kết quả. Trong khi đó, sử dụng phương pháp multiplex PCR, chỉ trong 27 giờ có kết quả chính xác, phát hiện đồng thời nhiều loài Candida spp.

Theo nhóm tác giả, nhiễm nấm C. tropicalis có tiên lượng tử vong cao hơn các loài nấm Candida khác. Vì vậy xác định nhanh và chính xác được loài nấm này, giúp chọn lựa thuốc điều trị thích hợp, giảm tỷ lệ tử vong, giảm biến chứng và chi phí điều trị choi bệnh nhân.

Qua thử nghiệm, nhóm nghiên cứu đã đưa ra được các quy trình phát hiện đồng thời 4 loài nấm xâm lấn C.albicans, C.glabrata, C. parapsilosis và C. tropicalis. Đề tài của nhóm tác giả đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu, kết quả đạt.