D6 sẽ là một trong những máy ảnh kỹ thuật số có gương lật (DSLR) tốt nhất từng được tạo ra, nhưng cũng có thể đây sẽ là thế hệ máy DSLR chuyên nghiệp cuối cùng – bởi công nghệ này đang ngày càng bộc lộ nhiều hạn chế so với máy ảnh không gương (mirrorless cameras).

Mới đây Nikon công bố đang phát triển máy ảnh D6, sản phẩm hàng đầu (flagship) thuộc dòng máy ảnh chuyên nghiệp ‘D và một chữ số’ của Nikon, thường có giá khoảng 7000 USD. D6 sẽ là một trong những máy ảnh kỹ thuật số có gương lật (DSLR) tốt nhất từng được tạo ra, nhưng cũng có thể đây sẽ là thế hệ máy DSLR chuyên nghiệp cuối cùng – bởi công nghệ này đang ngày càng bộc lộ nhiều hạn chế so với máy ảnh không gương (mirrorless cameras).

Các hãng công nghệ như Apple, Samsung hay Huawei, Xiaomi không mấy khi giữ một cách sắp xếp, một vị trí camera cố định trên điện thoại qua nhiều đời máy, cho dù giữ nguyên thiết kế giúp giảm chi phí sản xuất. Mỗi năm, qua các đời máy họ sẽ đặt camera lệch sang trái, sang phải, chính giữa, xếp ngang hay xếp dọc để tạo ra dấu ấn: đây là sản phẩm mới, nó thực sự khác biệt. Nhưng riêng vị trí đặt ống ngắm trên máy DSLR, cho dù của Pentax, Canon, Nikon hay bất kỳ hãng nào, hàng nghìn đời máy qua hàng trăm năm, vẫn bắt buộc phải giống nhau: gióng thẳng lên từ chính giữa ngàm lắp ống kính.

Vị trí đặt ống ngắm trên máy DSLR luôn giống nhau: gióng thẳng lên từ chính giữa ngàm lắp ống kính.

Làm thế nào để người chụp biết mình đang chụp cái gì? Tất cả chúng ta đều nhìn vào ống ngắm máy ảnh – có vẻ “siêu đơn giản”, nhưng ít ai biết, ngành công nghiệp máy ảnh đã mất hơn 300 năm để hoàn thiện thiết kế ống ngắm “đơn giản” như ngày nay. Và khi quan sát kỹ hơn thì câu trả lời trên cũng không hiển nhiên chút nào, vì một điều đáng lưu ý là: nhìn từ phía bên, ống ngắm và ống kính không hề thẳng hàng nhau, vì sao hình ảnh đi vào ống kính lại hiện lên trên ống ngắm?


Nhìn từ phía bên máy DSLR, ống ngắm và ống kính không thẳng hàng nhau.

Chìa khóa cho thiết kế này, cũng như lí do mà mọi chiếc DSLR phải tuân thủ một vị trí đặt ống ngắm, là gương lật.

Ở máy ảnh kỹ thuật số DSLR và máy ảnh phim SLR, gương lật đặt chắn trước cảm biến (hoặc phim) và hướng chếch lên trên. Ánh sáng và hình ảnh đi qua ống kính (lens) và chiếu vào gương lật, từ gương lật phản chiếu lên kính ngắm quang học để người chụp nhìn thấy khung hình (qua ống kính, một cách gián tiếp) trước khi chụp ảnh. Khi nhấn nút chụp, gương lật mở lên, chặn đường dẫn lên ống ngắm, để ánh sáng (hình ảnh) có thể chạm tới cửa trập, cửa trập mở và ánh sáng đến đích: cảm biến (hoặc phim) nằm phía sau, tạo ra hình ảnh.

Gương lật đặt chắn trước cảm biến (hoặc phim) và hướng chếch lên trên. Ánh sáng (hình ảnh) đi qua ống kính và chiếu vào gương lật, phản chiếu lên kính ngắm quang học.

Cơ chế ngắm/ chụp này đã quy định một kỷ nguyên vài trăm năm của máy ảnh, đến mức nó được dùng để gọi tên hai loại máy ảnh phổ biến nhất: máy ảnh phản xạ một ống kính (Single-lens reflex, hay SLR) và máy ảnh kỹ thuật số phản xạ một ống kính (Digital single-lens reflex, DSLR). “Một ống kính” (single-lens) là cách định danh gợi nhớ lại một phương án ngắm/ chụp thiếu chính xác hơn (hình ảnh chụp được rất khác so với hình ảnh nhìn từ ống ngắm), sử dụng 2 ống kính, mà máy ảnh trước đây sử dụng.

Gương lật và hệ thống phản xạ cho phép DSLR có ống ngắm chân thực - hình ảnh trong ống ngắm tương đối giống với hình ảnh chụp được; nhưng chính hệ thống này cũng để lại những giới hạn cố hữu trong máy SLR và DSLR.

Tốc độ chụp của máy DSLR dường như đã đạt đến giới hạn, vì các bộ phận màn trập và gương lật cũng chỉ có thể di chuyển nhanh đến một mức nào đó. Tốc độ chụp nhanh nhất của Nikon D5, ra mắt năm 2016 và là DSLR flagship của Nikon ở thời điểm hiện tại, là 1/8000 giây - bằng với thế hệ máy SLR Nikon F4 từ những năm 1990. Trong khi Sony a9, chiếc mirrorless flagship của Sony, bằng cách để cảm biến luôn mở và ghi hình trực tiếp (chế độ màn trập điện tử), không qua gương lật hay màn trập vật lý, có thể chụp ở tốc độ 1/32000 giây.

Số khung hình/ giây (fps) của máy DSLR vẫn cải thiện qua từng thế hệ, nhưng không nhiều. Nikon D4 (ra mắt năm 2012) có thể chụp 10 fps, D4s năm 2014 đạt 11 fps và D5 hiện nay đạt 12 fps. Chắc chắn D6 ra mắt sẽ cải thiện tốc độ chụp hơn nữa, nhưng khó có thể hy vọng nó nhảy vọt lên mức 20 fps như Sony a9 đang đạt được với màn trập điện tử. Chưa kể đến việc Sony cũng sắp ra mắt phiên bản cải tiến của a9, a9 Mark ii, trong vài tháng tới với những cải tiến hơn nữa và với mức giá chắc chắn rẻ hơn D6.

Nhưng với máy ảnh không gương, thì làm thế nào để người chụp biết mình đang chụp gì? Ống ngắm điện tử - thực chất là một màn hình nhỏ sẽ đặt ở vị trí đáng nhẽ của ống ngắm phản xạ. Với máy ảnh không gương, ánh sáng đi qua ống kính và chiếu trực tiếp lên cảm biến, dữ liệu kỹ thuật số được lấy trực tiếp trên cảm biến và chiếu lại trên ống ngắm điện tử. Do lấy hình ảnh trực tiếp từ cảm biến, hình ảnh hiển thị trên ống ngắm điện tử sẽ gần như y hệt ảnh chụp được, đặc biệt là về độ sáng (exposure), điều này ống ngắm phản xạ không làm được.

Thêm vào đó, hệ thống gương phản xạ phức tạp và khó chế tác cũng đẩy giá thành của DSLR lên cao. Ở thời điểm ra mắt, Nikon D5 có giá gần 6500 USD, trong khi Sony a9 (ra mắt sau D5 chỉ hơn 1 năm) có giá 3500 USD và cho hiệu năng tương đương, thậm chí hơn ở một số mặt. Không chỉ ở các mẫu máy chuyên nghiệp (pro), mà ở các phân khúc thấp hơn như bán chuyên (semi-pro) hay nhập môn (entry-level) tình trạng cũng tương tự: máy ảnh mirrorless cho hiệu năng cao hơn với mức giá thấp hơn. Và người tiêu dùng đang nhận ra điều này.

Số lượng máy mirrorless bán ra vẫn tương đối ổn định trong khi DSLR đang suy giảm đáng kể. Nguồn: Petapixel.

Những năm gần đây Canon và Nikon, các nhà sản xuất DSLR hàng đầu, ngày càng bán được ít DSLR, theo dữ liệu thị phần dựa trên các báo cáo CIPA (Hiệp hội Sản phẩm Máy ảnh & Hình ảnh). Từ năm 2012 đến năm 2017, tổng số máy ảnh ống kính rời bán ra giảm còn một nửa do sự phát triển của smartphone và máy ảnh ống kính liền (point-and-shoot). Bất chấp sự thu hẹp thị trường này, số lượng máy ảnh không gương bán ra vẫn tương đối ổn định trong khi DSLR đang suy giảm đáng kể.

Tháng 10 năm 2004, sau kỳ Olympic tại Athens, Nikon ra mắt F6 - chiếc máy ảnh phim (SLR) chuyên nghiệp cuối cùng. F6, với những công nghệ tân tiến nhất của máy ảnh phim SLR, đã đánh dấu thời điểm loại máy ảnh này không còn khả năng cạnh tranh với DSLR về tốc độ, khả năng lưu trữ hay chất lượng hình ảnh. Nhưng F6 ra đời trong thời đại của máy kỹ thuật số, khi chẳng còn nhà sản xuất nào theo đuổi các mẫu máy SLR mới và chính Nikon cũng đã ra mắt một vài DSLR chuyên nghiệp cùng thời điểm đó. D6 may mắn hơn, hiện nay DSLR vẫn đang là hệ thống quen thuộc của nhiều nhiếp ảnh gia và có hệ ống kính phong phú hơn mirrorless rất nhiều; Canon và Nikon cũng mới chỉ đưa ra các máy mirrorless entry-level và semi-pro chứ chưa sản xuất máy mirrorless chuyên nghiệp. Tại Olympic 2020 Tokyo, chắc chắn các DSLR chuyên nghiệp của Canon hay Nikon vẫn sẽ được sử dụng rất phổ biến, trước khi “nhường ngôi” cho một thế hệ máy ảnh mới.