Khôi phục nguồn hàu từ lâu đã trở thành ưu tiên hàng đầu của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên (TNC). Loài nhuyễn thể này đóng vai trò như một hệ thống lọc nước, lọc cặn lắng, tảo và các chất dinh dưỡng dư thừa trong môi trường nước. Các rạn hàu còn cung cấp nơi ương, nuôi cá và các loài khác có giá trị khác về mặt thương mại lẫn tiêu khiển.

Trong hai thế kỷ qua, toàn thế giới đã mất đi hơn 85% các rạn hàu do tình trạng khai thác quá mức, ô nhiễm nguồn dinh dưỡng và các hoạt động khác của con người. Những rạn hàu này biến mất cũng kéo theo nhiều lợi ích quan trọng mà chúng mang lại cho hệ sinh thái và các cộng đồng ven biển.

80% các rạn hàu trên khắp thế giới đã biến mất trong 200 năm qua. Nguồn: Erika Nortemann/TNC.

80% các rạn hàu trên khắp thế giới đã biến mất trong 200 năm qua. Nguồn: Erika Nortemann/TNC.

Hiện tượng phì dưỡng (thiếu oxy trong nước) là quá trình mà hàm lượng chất dinh dưỡng quá dồi dào trong nước sẽ dẫn đến tình trạng nghèo oxy – vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến các khu vực cửa sông trên toàn thế giới. Có tới 65% vùng nước ven biển và cửa sông ở Mỹ đang bị đánh giá là suy thoái chất lượng nước do dư thừa nitơ, phốt-pho, … từ nguồn chất thải đô thị, các hoạt động nông nghiệp, nhà máy xử lý nước thải và ô nhiễm không khí.

Vịnh Chesapeake, cửa sông lớn nhất ở Mỹ (thuộc địa phận hai bang Maryland và Virginia), đang phải đối mặt với nguy cơ phì dưỡng rất lớn khi mỗi năm có tới 331 triệu pound (15.000 tấn) nitơ chảy vào đây. Do tình trạng khai thác quá mức và môi trường sống bị hủy hoại, 99% quần thể hàu tự nhiên ở đây đã biến mất, khiến khả năng phục hồi gặp rất nhiều khó khăn. Môi trường vịnh trong lành là điều tối quan trọng đối với sự phát triển bền vững của các cộng đồng xung quanh, nhờ những lợi ích mà nó mang lại như nguồn không khí và nước sạch, ngăn ngừa bão lũ và góp phần làm tăng giá bất động sản.

Vịnh Chesapeake là nơi đang có dự án khôi phục quần thể hàu lớn nhất thế giới. Nguồn: TNC.

Vịnh Chesapeake là nơi đang có dự án khôi phục quần thể hàu lớn nhất thế giới. Nguồn: TNC.
Để đương đầu với vấn đề cấp bách này, TNC và các đối tác đã tham gia vào một số hoạt động trong dự án khôi phục quần thể hàu lớn nhất trong suốt một thập kỷ qua tại vịnh. Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, nhưng các thành viên tham gia dự án cũng phải thừa nhận, rằng họ cần thiết phải tìm ra những biện pháp mới mang hiệu quả kinh tế nhằm giúp đẩy nhanh những nỗ lực phục hồi.

Cùng lúc đó, nghề nuôi hàu ở Chesapeake cũng phát triển nhanh chóng trong 10 năm qua, với thị trường tăng trưởng hơn 600%, doanh số bán tăng từ 5 triệu lên đến gần 40 triệu con hàu mỗi năm. Trong khi bắt đầu xuất hiện nhiều mối quan ngại về tác động từ sự tăng trưởng này đối với môi trường vịnh thì lại đang có quá ít nghiên cứu về lợi ích sinh thái tiềm năng.

Từ suy nghĩ đó, nhóm đã tiến hành một nghiên cứu mới để hiểu rõ hơn về cách thức mà hoạt động nuôi hàu có thể giúp làm sạch nước Vịnh Chesapeake với tốc độ nhanh hơn mà vẫn đảm bảo nguồn cung hải sản bền vững và bảo mệ môi trường. Qua nghiên cứu kéo dài hai năm, nhóm đã hợp tác với Viện Khoa học Hàng hải Virginia (VIMS) và 4 doanh nghiệp nuôi hàu uy tín: Công ty Big Island Aquaculture, Chapel Creek Oyster, Lynnhaven Oyster và White Stone Oyster, nhằm hiểu rõ hơn về mối liên hệ cụ thể giữa nghề nuôi hàu, chất lượng nước và sức khỏe hệ sinh thái.

Chi tiết kế hoạch khôi phục quần thể hàu tại Chesapeake. Nguồn: TNC.

Chi tiết kế hoạch khôi phục quần thể hàu tại Chesapeake. Nguồn: TNC.

Sau khi tiến hành lấy mẫu, phân tích và nghiên cứu về tình trạng biến đổi môi trường tại 4 trại nuôi, liên quan đến độ trong, dòng chảy của nước, các loại hóa chất, cặn lắng và cả những sinh vật sống trong đó, nhóm đưa ra kết luận: nuôi hàu chính là một trong những hướng sản xuất protein động vật ít tác động đến môi trường nhất.

Dữ liện nghiên cứu cho thấy, hoạt động nuôi trồng hàu có thể giúp phục hồi chất lượng nước ở các khu vực cửa sông và vịnh. Theo tính toán, cứ mỗi 100.000 con hàu được nuôi và thu hoạch hàng năm sẽ giúp loại bỏ khoảng 6 pound (2,72 kg) nitơ và phốt-pho gây ô nhiễm khỏi vịnh. Ngoài ra, các trại nuôi hàu cũng có tác dụng kiềm hãm bớt năng lượng sóng và bảo vệ những bờ biển dễ bị tổn thương (như sạt lở).

Chúng ta phải thừa nhận rằng, chỉ riêng những lợi ích do nuôi hàu mang lại là chưa đủ để cứu sức khỏe môi trường tại khu vực vịnh Chesapeake. Sự thành công trong tương lai, vì thế sẽ phụ thuộc rất nhiều vào những nỗ lực mang tính phối hợp của tất cả các bên liên quan, cùng khả năng tự vấn của chúng ta về những phương pháp hiện có, bao gồm cải thiện hoạt động canh tác trên đất liền để giảm thiểu dòng chảy (chất thải) trên bề mặt và ô nhiễm dinh dưỡng; nâng cao hiệu quả của những cơ sở xử lý nước và tiếp tục hậu thuẫn cho những nỗ lực khôi phục bấy lâu.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần tin tưởng mạnh mẽ rằng, nếu làm đúng, nghề nuôi hàu sẽ đóng một vai trò rất có ý nghĩa đối với nhiệm vụ cải thiện chất lượng nước, bảo vệ những bờ biển dễ chịu tổn thương và cung cấp nguồn protein bền vững – tất cả là để nâng đỡ sinh kế và hệ sinh thái ven biển.

Nguồn: