Việc truy xuất và quản lý hệ thống nguồn gốc, chất lượng cùng hệ thống giấy phép nguyên liệu đầu vào của các nhà cung cấp thực phẩm vốn không dễ dàng. Được xây dựng từ một cuộc thi hackathon, trải qua chương trình đào tạo khởi nghiệp của Techstar, hệ thống của Otrafy đã được sử dụng bởi những công ty lớn trên thế giới như Cargill, Kemps…

Bước ngoặt từ vườn ươm Techstars

Hình thức truy xuất nguồn gốc qua mã QR code vốn đã thông dụng với nhiều đơn vị ở Việt Nam. Đây cũng là vấn đề của nhiều nhà sản xuất trên thế giới. Từ một nhân viên sản phẩm công nghệ của Ngân hàng quốc gia Úc, năm 2018, Nhật Nguyễn – đồng sáng lập của Otrafy quyết định tạm dừng làm việc một năm để tới Canada trải nghiệm, tìm hiểu về công nghệ trong lĩnh vực này. Trong chuyến đi ấy, anh đã gặp Lucas Cunha - một người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu thực phẩm hữu cơ tại cuộc thi Hackathon Machohack 2018 ở Vancouver.

Nhật Nguyễn và Lucas Cunha trong một cuộc hội thảo về khởi nghiệp. Ảnh: NVCC.
Nhật Nguyễn và Lucas Cunha trong một cuộc hội thảo về khởi nghiệp. Ảnh: NVCC.

Tại đây, Nhật được nghe Lucas Cunha nói về những cái khó khi quản lý chất lượng, nguồn gốc của thực phẩm một cách thủ công. Công nghệ hoàn toàn có thể giải quyết bài toán này với hệ thống truy xuất nguồn gốc, số hoá mọi quy trình từ trồng trọt, chăn nuôi cho đến thu hoạch hay giết mổ. Họ cùng nhau xây dựng sản phẩm giải quyết bài toán này và giành giải Nhất tại cuộc thi Hackathon Machohack 2018 và Vancouver Startup Week 2018. Quan trọng hơn, bước ra từ cuộc thi, họ đã có được khách hàng đầu tiên là hệ thống trang trại chăn nuôi, bán lẻ thịt hữu cơ có tiếng ở Canada là Pasture to Plate.

Dù thành công bước đầu ở Canada nhưng đội ngũ sáng lập của Otrafy thấy rằng họ cần tới Mỹ - nơi ngành công nghiệp thực phẩm phát triển mạnh nhất thế giới.

“Chúng tôi quyết định nộp đơn vào vườn ươm Techstar. Tỷ lệ chấp nhận đơn của họ là 1% trong 17.000 đơn ứng tuyển. Chúng tôi đã thuyết phục được họ bằng sự khác biệt và cả những kinh nghiệm có được nhờ tham gia các cuộc thi, gặp gỡ nhiều nhà đầu tư, nhà sản xuất trước đó” – Nhật Nguyễn nói với Khoa học và Phát triển.

Cuộc gặp gỡ định mệnh ấy đã giúp Otrafy chuyển mình, từ cung cấp giải pháp truy xuất nguồn gốc cho người dùng cuối trở thành sản phẩm dành cho các công ty sản xuất thực phẩm quản lý chất lượng.

 Nhật Nguyễn thuyết trình về sản phẩm tại Hackathon Machohack 2018 ở Vancouver (Cananda). Đây là cuộc thi anh đã giành giải Nhất. Ảnh: NVCC.
Nhật Nguyễn thuyết trình về sản phẩm tại Hackathon Machohack 2018 ở Vancouver (Cananda). Đây là cuộc thi anh đã giành giải Nhất. Ảnh: NVCC.

“Chúng tôi nhận thấy, các chuyên gia đảm bảo chất lượng thường xử lý và kiểm soát thông tin của các nhà cung cấp thông qua một loạt bảng biểu Excel và hàng chục nghìn email," Nhật Nguyễn nói.

Không chỉ vậy, khối lượng thông tin quá lớn khiến nhân viên quản lý khó kiểm soát, tiềm ẩn rủi ro sai lệch và lãng phí thời gian. Phần mềm của Otrafy giúp quản lý nhà cung cấp tốt hơn, đảm bảo khả năng truy xuất bằng cách tự động hoá xử lý và phân tích dữ liệu.

Giảm 40% thời gian so với quy trình thủ công

Nhờ sự kết nối của Techstars, Nhật Nguyễn có cơ hội nói chuyện và thuyết phục CEO của các tập đoàn thực phẩm hàng đầu nước Mỹ như Cargill, Kemps, General Mills… sử dụng thử sản phẩm của mình.

“Kemps đã giảm hơn 40% thời gian mà các nhà khoa học thực phẩm thường dành cho quá trình bắt đầu làm việc với một nhà cung cấp mới” – Nhật Nguyễn nói.

Để làm được việc đó, Otrafy xây dựng một hệ thống ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, học máy…, cho phép bộ phận quản lý chất lượng thu thập tài liệu tự động khi làm việc với một nhà cung cấp mới, thay vì làm thủ công và kết hợp với email bảng biểu như trước đây.

Nhật Nguyễn (bên trái màn hình) và đội ngũ phát triển Otrafy. Ảnh: NVCC
Nhật Nguyễn (bên trái màn hình) và đội ngũ phát triển Otrafy. Ảnh: NVCC

Hệ thống cũng cung cấp chức năng quản lý ngày hết hạn cho những giấy tờ kiểm định chất lượng. Việc gia hạn hoặc lưu trữ tài liệu được làm hoàn toàn tự động chỉ với một cú nhấp chuột.

So với các đơn vị đang cung cấp dịch vụ tương tự như Safetychain và Tracegains, sự khác biệt của Otrafy nằm ở thiết kế sáng tạo, đơn giản, dễ học và dễ sử dụng. Otrafy chỉ mất khoảng 1 tháng để triển khai dịch vụ cho khách hàng, thay vì mất từ 6 tháng đến 1 năm như các công ty có dịch vụ tương tự. “Đó là thế mạnh của chúng tôi” – Nhật Nguyễn nói.

Natasha Banton - Giám đốc Đảm bảo chất lượng tại Kemps (thuộc sở hữu của Diary Famers of America), đánh giá cao việc Otrafy có thể nhanh chóng đưa hệ thống vào vận hành toàn bộ Bộ phận Đảm bảo chất lượng.

“Việc sử dụng Otrafy trong quá trình thử nghiệm đã mang lại cho Kemps tốc độ và độ chính xác cần thiết để tuân thủ các yêu cầu ngày càng tăng về giấy tờ liên quan đến chứng minh nguồn gốc và chất lượng của nguyên liệu” – bà Natasha nói.

Hiện Otrafy, cung cấp cho khách hàng 3 gói dịch vụ Basic, Standard và Enterprise tương ứng với 3 mức sử dụng là Super user, User và Viewer và tính tiền theo số lượng người sử dụng của mỗi công ty.

Trong khi cộng sự Lucas ở Mỹ phụ trách việc mở rộng thị trường thì Nhật Nguyễn đảm nhận việc phát triển đội ngũ nhân sự kỹ thuật cho Otrafy tại Việt Nam. Anh kỳ vọng có thể đưa công nghệ này tới những nhà sản xuất thực phẩm lớn có xuất khẩu như Vinamilk, TH True Milk…

“Quy định về thực phẩm sẽ ngày càng được siết chặt, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ gặp khó nếu không chuyển đổi số và kết nối được với nhà nhập khẩu nước ngoài cũng như cơ quan quản lý chất lượng thực phẩm. Vì thế, chúng tôi nhìn thấy một tương lai sáng cho Otarfy ở Việt Nam” – Nhật Nguyễn tự tin nói.