Năm 2016, khi Go-ixe ra đời, các ông lớn như Grab và Uber đã chiếm lĩnh thị trường gọi xe qua ứng dụng và làm nhiều hãng taxi truyền thống điêu đứng.

Nhưng ông Hàng Bá Trí - CEO của Go-ixe,vẫn quyết tâm triển khai startup với khát vọng, giúp các hãng taxi truyền thống cạnh tranh với Grab và Uber.

Nhiều yếu tố cạnh tranh

Tháng 4 vừa qua, Go-ixe chính thức có mặt tại Tiền Giang, đánh dấu những bước chân đầu tiên của ứng dụng này tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. CEO Hàng Bá Trí hồ hởi nói: “Mục tiêu của Go-ixe là mỗi tháng có mặt tại một tỉnh trên cả nước, để chúng tôi kết nối hãng taxi trong nước, dựa trên những hiểu biết về thị trường bản địa để cạnh tranh với các công ty nước ngoài như Grab”.

Thực tế, Go-ixe có mô hình hoạt động tương tự Grab và Uber, sử dụng ứng dụng để gọi xe di chuyển theo nhu cầu. Hiện nay, Go-ixe cung cấp các dịch vụ Go-bike (gọi xe ôm); Go-taxi (gọi xe taxi); Go-car (gọi xe ôtô); Go-travel (gọi xe du lịch, đi chung xe) và Go-share (dịch vụ thuê xe tự lái).

Để sử dụng Go-ixe, người dùng chỉ cần cài đặt ứng dụng này trên nền tảng Android hoặc iOS rồi đặt xe theo nhu cầu. Giống như Grab, giá tiền của chuyến đi xe được hiển thị ngay khi khách hàng đặt. Ngoài ra, với công nghệ định vị, giúp khách hàng có thể dễ dàng theo dõi hướng di chuyển của tài xế, khoảng thời gian tài xế sẽ đến nơi. Sau khi sử dụng dịch vụ, người dùng có thể đưa ra các đánh giá về tài xế để Go-ixe sử dụng làm dữ liệu chọn lọc tài xế tốt và chất lượng hơn.

Nói về điểm khác biệt cạnh tranh của Go-ixe với Grab, ông Hàng Bá Trí cho biết: ‘Điểm khác biệt đầu tiên và lớn nhất, Go-ixe là hàng ‘made in Vietnam’, là chiếc cầu nối, cung cấp nền tảng công nghệ kết nối giữa công ty vận tải trong nước với khách hàng. Doanh thu của Go-ixe đến từ việc cung cấp ứng dụng và tỷ lệ phần trăm cước từ việc kết nối thành công các chuyến xe’.

Ông Hàng Bá Trí chia sẻ về mô hình hoạt động của Go-ixe. Ảnh: NV

Ngoài ra, nắm bắt tâm lý của người dùng thích tìm đến những hãng taxi đã có tên tuổi, đảm bảo sự yên tâm, nên khách hàng đặt xe qua Go-ixe sẽ được quyền lựa chọn hãng taxi mà mình muốn. Khác với việc khách hàng gọi xe qua Grab, Uber sẽ không biết mình đi xe của hãng nào. Ngoài ra, Go-ixe cũng giúp kết nối các doanh nghiệp cho thuê xe tự lái, vận tải, du lịch để tiếp cận với khách hàng mà không cần phải có ứng dụng riêng.

‘Giá trị cốt lõi của Go-ixe là tạo ra sân chơi công nghệ để các hãng taxi cạnh tranh với nhau bằng giá cả, chất lượng dịch vụ và uy tín” – ông Trí nhấn mạnh. Như vậy, thay vì tự phát triển phần mềm, các hãng có thể sử dụng Go-ixe để giảm tối đa chi phí đầu tư cho công nghệ và đạt hiệu quả kinh doanh tốt nhất.

Chiếm lĩnh thị trường tỉnh

Ngay từ khi thành lập, người sáng lập của Go-ixe đã xác định, startup này chỉ hướng tới thị trường tỉnh, nơi mà thị trường đặt xe qua ứng dụng còn bỏ ngỏ nên đến nay Go-ixe đã có mặt tại các tỉnh phía Bắc như Lạng Sơn, Bắc Giang, Thanh Hóa, Tiền Giang, An Giang, Cần Thơ... Tốc độ tăng trưởng kinh doanh năm 2017 là 30%. Hiện nay, Go-ixe hiện đang có 50.000 khách hàng cài đặt ứng dụng và sử dụng.

Ông Hàng Bá Trí cho biết, Go-ixe hướng tới phát triển trở thành công ty phần mềm đúng nghĩa, tập trung chuyển giao công nghệ hoàn toàn tới các đơn vị. Theo đó, Go-ixe hình thành các công ty con, hoạt động như doanh nghiệp vận tải thông thường. Với mô hình vừa tập trung vừa phân tán như vậy, Go-ixe mới có thể hoàn thành mục tiêu phát triển cả về chất lượng và số lượng.

“Công ty mẹ sẽ tập trung phát triển công nghệ lõi để gia tăng trải nghiệm cho người dùng. Trong khi đó, các công ty con tập trung việc tăng trưởng khách hàng cũng như mở rộng địa bàn”- ông Trí nói.

Founder của Go-ixe cũng cho biết startup này đang tập trung xây dựng hạ tầng sinh thái, kết nối các dịch vụ xe theo nhu cầu, khách sạn, khu du lịch... Khi các bên được kết nối, khách hàng sử dụng này sẽ được ưu đãi ở dịch vụ khác, đồng thời tạo ra mối liên kết bền vững, nhịp nhàng giữa các bên.

“Ở địa phương, nhiều người dân vẫn chưa biết sử dụng smartphone để đặt xe, vì thế, chúng tôi vẫn triển khai cả phương thức truyền thống là gọi xe qua tổng đài kết hợp với đặt xe qua ứng dụng. Dù khách hàng gọi xe bằng cách nào họ cũng dễ dàng kết nối với tổng đài để khớp lệnh đặt xe ” – ông Trí nói thêm.

Để nâng cao khả năng cạnh tranh, chiếm lĩnh được thị trường, trong giai đoạn đầu, Go-ixe đã miễn phí dịch vụ để thu hút khách hàng, chủ sở hữu xe còn với các hãng taxi, mức chiết khấu của Go-ixe cũng luôn thấp hơn các công ty công nghệ khoảng 5%.

Xác định đây là dự án muốn có thành công phải bền bỉ, ông Hàng Bá Trí nhấn mạnh, giành được khách hàng là điều mà bất kỳ một công ty cung ứng dịch vụ nào hướng đến. Mỗi công ty sẽ có những cách thức khác nhau. Nhưng về lâu dài, theo ông Hàng Bá Trí, để đối mặt với những startup nghìn tỷ, Go-ixe sẽ chọn thị trường ngách và phát triển công nghệ tương đương, tạo ra nhiều tiện ích cho người sử dụng và giảm tối đa chi phí.