Cơ quan Khoa học, Công nghệ và Nghiên cứu (ASTAR) của Chính phủ Singapore tư vấn bốn lĩnh vực công nghệ mà các startup ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương nên quan tâm, xuất phát từ khả năng tiếp nhận của thị trường đối với những công nghệ đó hết sức lạc quan.

Ảnh minh họa: Pixabay
Ảnh minh họa: Pixabay

Nhiều người mơ ước khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao nhưng ít người biết lĩnh vực nào nên tập trung vào. Tuy nhiên, sự kết hợp giữa nghiên cứu khoa học và nghiên cứu thị trường sẽ giúp các nhà nghiên cứu và doanh nhân nhận diện chính xác hơn những công nghệ mà họ có thể đặt cược lớn vào.

Việc hiểu khả năng tiếp nhận công nghệ của thị trường rất quan trọng. Nó cho phép các cơ quan như Cơ quan Khoa học, Công nghệ và Nghiên cứu (ASTAR) của Chính phủ Singapore hỗ trợ các startup, doanh nghiệp và nhà khoa học tốt hơn trong việc xây dựng kế hoạch kinh doanh rõ ràng hoặc chọn đối tác phù hợp. Một dự án được định hướng tốt sẽ có khả năng thành công về mặt thương mại cao hơn.

Dưới đây là một số lĩnh vực công nghệ mà các startup, nhà đầu tư và các công ty lớn nên quan tâm. Những ứng dụng được nêu cụ thể chỉ là một phần trong những khả năng ứng dụng của các lĩnh vực công nghệ đó.

1. Phân tích hình ảnh phục vụ chẩn đoán sớm

Nhìn vào bên trong cơ thể con người là một cách hiệu quả để tìm hiểu xem cơ thể có đang gặp vấn đề gì không. Thí dụ, chúng ta có thể phát hiện các khối u hoặc các khối ung thư thông qua chụp cộng hưởng từ (MRI).

Ngày nay, chúng ta có nhiều cách để nhìn vào bên trong cơ thể, từ chụp cắt lớp vi tính (CT), siêu âm, đến chụp xạ hình cắt lớp positron (PET).

Phân tích kết quả thường là một quá trình tốn thời gian và công sức. Các bác sĩ phải chạy những phần mềm đắt tiền hàng giờ liền trước khi tìm ra thông tin gì đó có ích.

Nhưng trí tuệ nhân tạo (AI) có thể giúp cải thiện quá trình chuyên môn này. TS Devanathan Raghunathan, giám đốc thương mại hóa tại Công ty Khai thác Công nghệ (ETPL), bộ phận thương mại hóa của ASTAR, nói, AI có thể giúp các bác sĩ tự động hóa một số nhiệm vụ nhất định và thậm chí còn phát hiện những điểm mà mắt thường có khi không thấy được. Điều này giúp giảm đáng kể chi phí liên quan đến khám bệnh.

Nhưng giá trị lớn hơn của phân tích hình ảnh nằm ở chỗ phát hiện sớm, cho phép bác sĩ giúp người bệnh được điều trị sớm hơn. Phát hiện và điều trị sớm đặc biệt có ích đối với những người mắc các bệnh về tim mạch và hô hấp.

Việc ứng dụng AI phục vụ chẩn đoán sớm trong y tế có nhiều khả năng thành công về thương mại, theo TS Matthew Chua, giảng viên và nhà tư vấn tại Viện Khoa học Hệ thống (ISS) thuộc Đại học Quốc gia Singapore.

TS Chua, người cũng giám sát chương trình nghiên cứu về Y tế thông minh, Trí tuệ nhân tạo, và Robot tiên tiến ở ISS, tin rằng, lợi ích của chẩn đoán hình ảnh y tế bằng AI có tiềm năng mang lại lợi nhuận lớn.

“Phân tích hình ảnh bằng AI loại bỏ sự phụ thuộc vào số lượng chuyên gia có hạn và hết sức tốn kém để trả lương, đồng thời cho phép các y tá và bác sĩ đa khoa ra quyết định chẩn đoán nhanh và chính xác.”

TS Chua cũng tin rằng, hệ thống chẩn đoán hình ảnh bằng AI “có thể dễ dàng được triển khai thành những sản phẩm thông dụng, có thể tiêu thụ rộng rãi.”

Việc điều trị các bệnh được chẩn đoán bằng hình ảnh đang tiêu tốn của thế giới hàng tỷ USD mỗi năm, trong đó các bệnh về tim mạch sẽ tiêu tốn khoảng 11,8 tỷ USD vào năm 2025, còn bệnh hen suyễn sẽ tiêu tốn khoảng 56,5 tỷ vào năm 2023.

2. Cảm biến phát hiện rò rỉ nước

Vận chuyển chất lỏng qua các đường ống là một công việc khó khăn cho các công ty tiện ích. Các vấn đề thường không được báo cáo, cho đến khi ai đó ở cuối đường ống phát hiện ra sai lỗi, khiến cho các công ty mù tịt thông tin.

Nhu cầu về hệ thống IoT với các cảm biến phát hiện rò rỉ nước vô cùng lớn. Với các thiết bị có giá phải chăng, các công ty có thể theo dõi toàn bộ mạng lưới đường ống và phát hiện sự cố rò rỉ nước từ bất kỳ đâu. Thực tế này tạo ra nhu cầu khoảng 3 đến 5 triệu cảm biến riêng ở Singapore, mang lại doanh thu khoảng 38 triệu USD trong 5 năm tới, theo ASTAR.

Ở châu Á – Thái Bình Dương cũng sẽ hình thành thị trường những cảm biến như vậy với giá trị khoảng 380 triệu USD vào năm 2021, và tỷ lệ tăng trưởng lũy kế hằng năm khoảng 17%, theo công ty nghiên cứu và phân tích thị trường Frost and Sullivan (Mỹ).

3. IoT trong nông nghiệp

Với sự hạn chế về không gian và đất trồng ở Singapore, việc chuyển sang thủy canh là điều không cần phải suy nghĩ. Nhưng giờ đây, ngay việc trồng rau cũng không trông chờ vào may rủi nữa, nhờ có IoT.

Gieo một cái hạt và hy vọng cây sẽ lên là cách trồng trọt đã lỗi thời, nhất là khi chúng ta có trong tay đầy những dữ liệu hữu ích. Hàng nghìn cảm biến có thể thu thập đủ loại thông tin – từ độ ẩm pH đến nhiệt độ, thậm chí là cả sức gió. Sử dụng những thông tin này, máy móc có thể tạo ra từ những điều chỉnh nhỏ đến những trang trại thủy canh hoàn toàn tự động có năng suất thu hoạch tối ưu.

Các cảm biến giúp xác định lượng ni-tơ, phốt-pho, ka-li, và độ ẩm pH bằng tần số vô tuyến (RF) được kỳ vọng sẽ tạo dấu ấn. Khoảng 5 triệu đơn vị cảm biến tần số vô tuyến sẽ mang đến một thị trường ước tính trị giá 450 triệu USD vào năm 2021 với tỷ lệ tăng trưởng lũy kế hằng năm vào khoảng 16,8% ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, theo một nghiên cứu của Frost and Sullivan.

Dữ liệu được tập hợp bởi các cảm biến có thể sử dụng để điều chỉnh thành phần hóa học của rau, nhờ đó tác động đến mùi vị của chúng. Chẳng hạn, các nhà khoa học Nhật Bản ở công ty Fujitsu đã phát hiện ra nếu giảm lượng ka-li trong rau diếp có thể làm cho vị của rau đỡ đắng, nhờ đó trẻ em sẽ thích ăn rau hơn chăng?

4. Bao gói sáng tạo

Với sự trợ giúp của công nghệ nano, thực phẩm đóng gói có thể được bảo quản lâu hơn bình thường.

Các vật liệu nhựa dẻo đang được dùng để bao gói bảo quản thực phẩm hiện nay vốn không thật sự kín mà vẫn bị thẩm thấu. Thực phẩm có nguy cơ dễ dàng bị hỏng khi khả năng liên kết của lớp màng bảo vệ bị yếu đi. Vấn đề đặc biệt nghiêm trọng ở các nước Đông Nam Á nơi khí hậu nóng và ẩm này được giải quyết nhờ công nghệ nano.

Những vật liệu chắn bảo vệ được bổ sung các hạt nano phụ gia giúp cải thiện các rào chắn và sức mạnh cơ học. Vật liệu phụ gia này sẽ tạo ra những con đường ngoằn ngoèo khiến các phân tử nước và ô xi thẩm thấu khó chạm được tới thực phẩm. Kết quả là độ ẩm ổn định hơn và lớp màng chắn ngăn ngừa ô xi hóa hiệu quả hơn, giúp kéo dài gấp rưỡi thời gian của thực phẩm trên kệ bán hàng đối với mặt hàng hải sản đông lạnh, thịt, bánh kẹo, thậm chí là thực phẩm chín.

Công nghệ nano còn phát huy tác dụng dưới dạng gói hút ẩm, giúp thu hồi lượng ô xi dư thừa trong các phần rỗng của túi sản phẩm.

Ngày nay, gói hút ẩm chủ yếu được bổ sung vào các túi đồ khô như bim bim. Công đoạn này lại được thực hiện bằng tay, nghĩa là tốn thêm nhân công. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng lo ngại nguy cơ ăn nhầm các gói hút ẩm. Các chuyên gia hy vọng vật liệu nano sẽ được tích hợp thẳng vào màng bao gói các loại thực phẩm chín và đồ uống.

Đến năm 2019, thị trường các giải pháp đóng gói trên thế giới được kỳ vọng đạt 306 triệu USD, trong đó khu vực châu Á – Thái Bình Dương có tỷ lệ tăng trưởng lũy kế hằng năm cao nhất.