Sau nhiều lần thảo luận, tuyến đường sắt cao tốc trị giá 70 tỷ USD của Việt Nam cuối cùng cũng đã có báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Đường sắt cao tốc sẽ rút ngắn thời gian di chuyển của người dân. Ảnh minh hoa: CCOT
Đường sắt cao tốc sẽ rút ngắn thời gian di chuyển của người dân. Ảnh minh hoa: CCOT

Trong hơn một thập kỷ qua, Việt Nam đã cố gắng hiện đại hóa mạng lưới giao thông đường sắt của mình bằng ý tưởng tàu cao tốc kết nối hai đầu Bắc-Nam. Tuy nhiên, tầm nhìn này chưa đạt được sự đồng thuận trong Quốc hội và Chính phủ, bên cạnh đó khả năng tiếp cận vốn cũng thấp.

Nhưng giờ đây, dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam trị giá 70 tỷ USD dài 1.545 km nối thủ đô Hà Nội với trung tâm kinh tế phía nam là TPHCM cuối cùng đã đạt được một số tiến bộ.

Mới đây, Bộ Giao thông vận tải tuyên bố sẽ hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án để trình Quốc hội phê duyệt vào đầu năm 2024, và đặt mục tiêu bắt đầu xây dựng hai đoạn ưu tiên (Hà Nội - Vinh và TPHCM - Nha Trang) vào trước năm 2030. Theo quyết định cuối cùng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, tuyến đường sắt sẽ có quy mô đường đôi, khổ 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350km/h.

Trước đó, Chính phủ đã họp cho ý kiến về Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, một trong những nội dung được định hướng là hoàn thiện phương án đầu tư tuyến đường sắt mới. Có 3 phương án đưa ra, trong đó 2 phương án là đầu tư đường sắt mới tốc độ 250 km/h kết hợp khai thác khách và chở hàng, hoặc đường sắt mới tốc độ 350 km/h chỉ chạy chở khách. Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng thiên về phương án 350km/h, trong khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thiên về phương án 250km/h.