Tiền điện tử (cryptocurrencies) đang là chủ đề gây nhiều tranh cãi. Thời gian gần đây, Tesla của tỷ phú Elon Musk đã mua hàng tỷ USD bitcoin và được cho là lời hơn cả năm bán xe điện. Các doanh nghiệp khác liệu có nên bắt chước?

Dưới đây là góc nhìn của nhà kinh tế Dambisa Moyo trong bài viết There are good reasons for business leaders to invest in bitcoin (Lý do lãnh đạo doanh nghiệp nên đầu tư bitcoin) trên Financial Times.

Bitcoin và tiền điện tử đã trở nên quá quan trọng để phớt lờ. Ảnh: Yonhap/EPA-EFE/Shutterstock.

Elon Musk được cho là đã mua hàng tỷ USD bitcoin. Ảnh: Bitcoin.com

Cơ sở cho những hoài nghi về khả năng tồn tại của tiền điện tử thường được dựa trên chức năng của tiền tệ như là một phương tiện trao đổi, đơn vị ghi sổ và nơi cất giữ giá trị. Các ý kiến chỉ trích bitcoin và những loại tiền điện tử khác hay tập trung vào tính bất ổn và kém linh hoạt của chúng trong giao dịch, nhưng cũng có một vài điểm tích cực mà nhà đầu tư nên cân nhắc.

Trên khía cạnh phương tiện trao đổi, việc xử lý giao dịch tiền điện tử vẫn rất phức tạp và chậm so với nhiều nền tảng hiện thời như tiền tệ thông thường, thẻ tín dụng,… Chẳng hạn, trong khi hệ thống Visa và PayPal có thể thực hiện lần lượt 24.000 và 193 giao dịch mỗi giây thì bitcoin chỉ là 07. Thứ nữa, để thực sự trở thành phương tiện trao đổi, tiền điện tử phải được tín nhiệm rộng rãi và có lượng người sử dụng đủ lớn. Hiện tại, ngay cả bitcoin vẫn chưa đạt được hai tiêu chí trên.

Trên khía cạnh đơn vị ghi sổ, những ý kiến chỉ trích cho rằng giá trị của bitcoin và tiền điện tử biến động quá mạnh – cản trở lãnh đạo hoạch định và vận hành doanh nghiệp hiệu quả. Theo một báo cáo do JPMorgan thực hiện, “biến động giá trị thực tế của Bitcoin trong thời gian ba tháng lên tới 87%, so với vàng chỉ là 16%”.

Mặc dù vậy, tiền điện tử vẫn có thể trở thành một nơi cất giữ giá trị đáng tin cậy và mang lại giải pháp cho một số vấn đề, đặc biệt là ở các nền kinh tế mới nổi.

Trước tiên, chúng cung cấp một kênh tiết kiệm khác. Không giống tiền tệ thông thường, tiền điện tử không ẩn chứa nguy cơ lạm phát, cho nên có thể duy trì sức mua tính theo hiện vật. Điều này đồng nghĩa với việc chúng có thể được sử dụng để tránh rủi ro từ sự tiêu xài phung phí của chính phủ. Tiền điện tử sẽ giúp cải thiện sự ổn định và tính minh bạch trong những môi trường chính trị đầy biến động.

Bên cạnh đó, các thị trường mới nổi phụ thuộc rất lớn vào kiều hối. Năm 2019, lượng kiều hối đổ về các quốc gia thu nhập thấp và trung bình đạt kỷ lục 548 tỷ USD, lớn hơn cả FDI (534 tỷ USD) và ODA (khoảng 166 tỷ USD). Trong giao dịch, nếu sử dụng tiền điện tử, người ta có thể gửi chúng với mức phí thấp hơn đáng kể (50 – 90%) so với các loại tiền tệ khác theo phương thức truyền thống.

Điểm hấp dẫn rõ ràng nhất của tiền điện tử là chúng có thể trở thành nơi cất giữ giá trị – tương tự như vàng kỹ thuật số. Tuy nhiên, liệu có thể giải quyết vấn đề về mặt cấu trúc của tiền điện tử trên phương diện phương tiện trao đổi và đơn vị ghi sổ hay không thì còn chưa rõ.

Có lập luận trước đây cho rằng kiến trúc của hệ thống tài chính toàn cầu đang được xác lập lại với vai trò của Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất, nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài và người cho vay của các nền kinh tế phát triển lẫn đang phát triển, đồng thời còn là chủ nợ lớn thứ hai của Mỹ (sau Nhật Bản). Mặc dù vậy, tăng trưởng của Trung Quốc đang bắt đầu chững lại sau một thập kỷ phát triển bùng nổ. Thứ nữa, tầng lớp tinh hoa chính trị tại Trung Quốc cũng đang ủng hộ một loại tiền kỹ thuật số của riêng – đồng nhân dân tệ ảo do ngân hàng trung ương phát hành và kiểm soát, khác với tiền điện tử ngang hàng (P2P) và có thể thách thức cả bitcoin lẫn USD. Gần đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng đang nghiên cứu giải pháp cho một đồng USD kỹ thuật số. Trước việc những nền kinh tế thống trị toàn cầu đều quan tâm đến tiền kỹ thuật số, các lãnh đạo doanh nghiệp và người quan sát thị trường không nên xem nhẹ tương lai của những nền tảng tiền tệ mới này.

Tháng 12/2020, tập đoàn MicroStrategy – chuyên cung cấp dịch vụ nghiên cứu thị trường – đã nắm giữ gần 1,8 tỷ USD bitcoin trong bảng cân đối kế toán của họ. Một vài lãnh đạo doanh nghiệp khác có khả năng sẽ làm theo với kỳ vọng giá tăng và bán đi để thu về lợi nhuận. Trong khi số khác lại tin rằng họ cần nắm giữ một số bitcoin tương ứng với lượng mà khách hàng đang sở hữu, hoặc để giao dịch tại những thị trường hay chuỗi cung ứng chấp nhận nó như một phương tiện thanh toán (VD: Tesla vừa cho khách hàng mua xe bằng bitcoin).

Một lý do nghiêm túc nữa để cân nhắc đưa thêm bitcoin vào bảng cân đối kế toán là vì mục đích giảm thiểu rủi ro. Ngay cả khi không tin vào hiệu quả lâu dài của tiền điện tử thì các lãnh đạo doanh nghiệp cũng không nên để mình rơi vào thế “việt vị” trước đối thủ. Nếu bitcoin tiếp tục được định giá cao thì việc đối thủ cạnh tranh tăng cường sở hữu nó có thể sẽ mang lại cho bạn những rủi ro chiến lược, chẳng hạn khiến doanh nghiệp của bạn lu mờ trên thị trường hay thậm chí bị thâu tóm.

Trong hoàn cảnh đó, việc nắm giữ bitcoin về cơ bản chính là một phương án quản trị rủi ro thận trọng, không quá phụ thuộc vào việc hội đồng quản trị và ban điều hành có niềm tin vào hiệu quả lâu dài của tiền điện tử hay không. Sau cùng, các lãnh đạo doanh nghiệp cần cảnh giác trước thời điểm bùng phát (tipping point) khi rủi ro tuyệt đối từ việc không sở hữu bitcoin lớn hơn cả nguy cơ do nắm giữ nó.

Tác giả Dambisa Moyo hiện là thành viên ban điều hành Chevron Corporation và 3M, từng làm việc cho World Bank và Goldman Sachs, tác giả 4 cuốn best-seller do New York Times bình chọn, trong đó có Edge of Chaos: Why Democracy Is Failing to Deliver Economic Growth – and How to Fix It (tạm dịch: Thời kỳ hỗn loạn: Tại sao nền dân chủ thất bại trong việc phân phối tăng trưởng kinh tế và làm sao để khắc phục).