Trước thông tin về việc phần mềm chat trực tuyến Yahoo Messenger bị khai tử, độc giả và người dùng ở Việt Nam đã có những ý kiến trái chiều về vấn đề này. Dưới đây là một số ý kiến tiêu biểu.

Trước thông tin về việc Yahoo Messenger bị khai tử, có rất nhiều người dùng đã bày tỏ sự tiếc thương.

Thông qua mạng xã hội Facebook, bạn Nam Trần đã chia sẻ: “Là người thuộc thế hệ 7x, Yahoo Messenger đã gắn bó với tôi từ khi còn đi học, hẹn hò bạn gái hay trao đổi công việc. Dù đã có nhiều mạng xã hội khác thay thế nhưng Yahoo vẫn luôn chiếm một vị trí quan trọng trong lòng tôi”.

Trên trang Số Hóa, bạn Pham Dinh Quan tâm sự về sự ra đi của Yahoo Messenger: “Kỷ niệm một thời cấp 3, năm 2009 mình còn dùng yahoo để nói chuyện với 1 số người bạn. Giờ mọi người chuyển sang dùng Facebook hết rồi nhưng kỷ niệm với Yahoo thật khó quên, phải ko các bạn 87 của tôi”.

Rất nhiều người dùng tiếc nuối vìYahoo Messenger bị khai tử.

Cũng trên Số Hóa, độc giả có tên Sad Eyes bình luận: “Cảm ơn Yahoo đã cho chúng ta những kỉ niệm không bao giờ quên về 1 thời áo trắng. Nơi cho ta những kỉ niệm về vị ngọt của tình yêu đầu đời sau 3 năm mới được gặp mặt. Tất cả sẽ ko bao giờ quên”.

“Ôi nhớ Yahoo quá đi. Sao Yahoo không phát triển phần mềm cho smartphone nhỉ và thêm tính năng như Facebook, Zalo, Skype nhỉ. Lúc đó biết đâu lại hồi sinh” - độc giả Thanh Y bày tỏ quan điểm.

Trên trang Genk, bạn thovantin viết: "Thấy buồn buồn sao đó, nhớ lại mối tình đầu ngày trước hay chat và nhắn tin với bạn ấy”.

Bạn trieuan chia sẻ trên trang Vitalk: "Tạm biệt Yahoo. Mới đâu đó thôi thời Yahoo và forum còn hoạt động sôi nổi. Bao giờ cho đến ngày xưa”.

Đồng quan điểm với những ý kiến kể trên, bạn Thanh90 bộc bạch trên Zing: “Mình thuộc thế hệ đầu tiên 9x và Yahoo là một phần trong ký ức thuở học trò cấp 2,3 của mình. Yahoo Messenger gắn liền với tôi trong những lần lên mạng. Những status ngắn gọn, khuôn mặt icon cười của Yahoo khi đăng nhập, tiếng buzz huyền thoại nay còn đâu nữa...”.

Trong khi đó, trên trang Zing, độc giả Tôn Ngộ Ngộ lại lý giải về nguyên nhân dẫn tới việc Yahoo Messenger bị khai tử: “Cái chết của các thương hiệu số 1 thế giới Nokia rồi Yahoo. Cả 2 thế lực đều mạnh về vốn, nhưng chỉ đi sai nước cờ là thua cả bàn. Nokia từ một ông lớn, chỉ biết ngồi nhìn Apple và Samsung, Sony... đấu đá nhau, mà quên mất rằng để lên vị trí số 1 đã khó, còn giữ vị trí đó còn khó hơn gấp 100 lần. Khi mà Apple và SamSung có vị thế riêng thì Nokia mới bắt đầu lo sợ, chạy theo nước cờ Window Phone nhằm cứu vãn tình hình, hằng năm cứ báo lãi liên tục mà ngờ đâu lỗ liên tiếp mấy quý, suy sụp rồi bán tháo cho Microsoft... Yahoo thì cứ mãi trung thành với blog và chat trên phần mềm, đáng lẽ có thể mua được Facebook thì lại không theo đuổi, sau khi khai tử blog thì mạng xã hội cũng bắt đầu phát triển mạnh, các ông lớn bắt đầu đưa tính năng chat trực tuyến thì Yahoo vẫn cứ lầm lũi vào phần mềm riêng của mình, rồi cứ ráng nhắm mắt mà phát triển phần mềm, rồi lại khởi động lại blog nhằm tranh đua với mạng xã hội... Rồi lại xóa phần mềm Yahoo, bắt đầu chạy theo chát trực tuyến ... Quá muộn!”.

Tương tự như bạn Tôn Ngộ Ngộ, độc giả Tuan Hung nhận định trên Zing: “Chưa cần nói sâu, giao diện cũng như tốc độ tìm kiếm của Yahoo quá tệ, không so được với Google”.

Thông qua mạng xã hội Instagram, bạn Tuyetroimuahe cũng chia sẻ ý kiến của mình: “Những năm gần đây, công nghệ thông tin và internet phát triển như vũ bão. Điều đó khiến các công ty luôn phải thay đổi để thích nghi. Thiết nghĩ với một công ty bảo thủ như Yahoo thì kết cục này đã được dự báo trước”.

Giống như 3 ý kiến kể trên, bạn dqminhtt1 chia sẻ trên trang Tinh Tế: "Cái chết tất yếu của sự chậm đổi mới, thời đại ngày nay khắc nghiệt thật".