Nhiều nước đang cố gắng thu hút các doanh nghiệp bán dẫn đặt cơ sở lắp ráp hoặc trung tâm R&D tại quốc gia mình. Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Ảnh: Shutterstock
Ảnh: Shutterstock

Các chip bán dẫn nhỏ bé đã trở thành trung tâm của cuộc cạnh tranh quyền lực lớn. Trong cuốn sách Chip War xuất bản năm 2022, phó giáo sư lịch sử quốc tế Chris Miller tại Đại học Tufts (Mỹ) đã mô tả đây là “cuộc chiến giành công nghệ quan trọng nhất thế giới.”

Tại sao chip lại quan trọng như vậy? Bởi chip là những thứ cần thiết để xử lý và hiểu hàng núi dữ liệu – và dữ liệu ngày nay đã trở thành huyết mạch của nền kinh tế.

Được làm từ các vật liệu lắng đọng trên đĩa silicon, chip có thể thực hiện nhiều chức năng khác nhau. ‘Chip nhớ’ giúp lưu trữ dữ liệu, tương đối đơn giản và được giao dịch như hàng hóa. ‘Chip logic’ phức tạp và đắt tiền hơn, dùng để chạy các chương trình và hoạt động như bộ não của mọi thiết bị - từ tên lửa, ô tô, điện thoại đến tủ lạnh và máy tính cá nhân, thậm chí là cả các thiết bị y tế hiện đại mới.

Khi các thiết bị dân dụng thông minh và thiết bị IoT bùng nổ, kết nối nhiều hơn, nhu cầu về chip sẽ ngày càng phổ biến. Thêm vào đó, việc ứng dụng công nghệ AI đang lan ra nhiều lĩnh vực đời sống cũng kéo theo nhu cầu về sức mạnh tính toán gia tăng, dẫn đến nhu cầu chip tăng vọt toàn cầu.

Rốt cuộc, trong bối cảnh đó, bất kỳ một quốc gia phát triển (và đang phát triển) nào cũng muốn có được một phần con chip của riêng mình để tự chủ, bên cạnh việc khai thác giá trị lợi nhuận trực tiếp của việc tham gia vào chuỗi giá trị công nghiệp bán dẫn.

Chẳng hạn, Trung Quốc, đối thủ đang trở nên lớn mạnh và dẫn đầu nhiều ngành công nghiệp thế giới, đặt mục tiêu tự cung tự cấp 70% chất bán dẫn vào năm 2025. Bắc Kinh được cho là đang chuẩn bị cho điều này bằng cách đưa ra gói hỗ trợ 146 tỷ USD cho ngành công nghiệp bán dẫn, bao gồm giảm thuế hoặc trợ cấp.

Trong khi đó, Mỹ đang nỗ lực tìm cách khôi phục lại ngành công nghệ chip nội địa sau một thời gian dài chuyển các phân khúc giá trị ra nước ngoài. Tháng Chín năm ngoái, Mỹ đã đưa ra “Đạo luật CHIPS và Khoa học” với cam kết cung cấp khoảng 39 tỷ USD trợ cấp cho việc sản xuất chip trên đất Mỹ cùng 13 tỷ USD cho nghiên cứu chất bán dẫn và đào tạo lực lượng lao động.

Trước đó, Mỹ cũng buộc các công ty của mình cắt bỏ sự phụ thuộc của họ vào Trung Quốc, đồng thời gây sức ép cho một số công ty chip của mình không bán hàng cho Trung Quốc.

Ba cách thu hút đầu tư

Cuộc chiến chip giữa Trung Quốc và Mỹ đã thúc đẩy các công ty đánh giá lại chuỗi cung ứng của họ và tìm kiếm các địa điểm sản xuất thay thế để giảm sự phụ thuộc vào một khu vực duy nhất. Theo đó, Ấn Độ, Malaysia, Việt Nam, Thái Lan, Mexico v.v đều là những ứng cử viên tiềm năng cho các công ty bán dẫn muốn đa dạng hóa cơ sở sản xuất của họ.

“Các chính sách khuyến khích và hỗ trợ thuế là những điều mà các quốc gia rất dễ dàng đưa ra”, ông Changwook Kim, Giám đốc điều hành công ty tư vấn Boston Consulting Group tại Hàn Quốc, phân tích tại Hội nghị cấp cao về Công nghiệp bán dẫn Việt Nam ngày 29/10.

Tuy nhiên có thể khai thác những lợi thế khác từ việc hiểu mục đích và thói quen của các “tay chơi” trong ngành công nghiệp bán dẫn. Trong bài trình bày của mình, ông Kim đã đưa ra ba gợi ý cho Việt Nam.

Đầu tiên, phải bám chặt vào các mục tiêu mở rộng của công ty bán dẫn. Vì sao TSMG di chuyển, lắp đặt cơ sở mới của họ ở Nhật Bản? Để thực hiện các đơn đặt hàng cảm biến hình ảnh CMOS cho Sony. Tại sao Samsung mở nhà máy mới tại Mỹ? Đó là vì họ muốn gần gũi với các khách hàng của mình. Intel ban đầu để mắt đến Ấn Độ cho cơ sở sản xuất chip đầu tiên bên ngoài nước Mỹ nhưng sau đó rút lui do lo ngại về việc thiếu nhu cầu thị trường, bên cạnh yêu cầu vốn cao cho các dự án ngay cả sau khi nhận được các gói ưu đãi của chính quyền bang. Vì vậy, Việt Nam phải suy nghĩ xem liệu có thể làm thế nào để tạo cơ sở khách hàng cho các doanh nghiệp bán dẫn mà họ muốn thu hút.

Bên cạnh đó, những doanh nghiệp chọn đặt cơ sở back-end (đóng gói, kiểm tra) của họ tại Đông Nam Á vì chi phí lao động ở đây rẻ. Tuy nhiên, cũng có những doanh nghiệp quan tâm đặc biệt tới nguồn nhân lực. Năm năm trước, Samsung đã dự kiến không thể duy trì hoạt động kinh doanh của gia đình mình ở Hàn Quốc vì thiếu hụt nguồn cung nhân sự giỏi, nhiều kỹ sư lớn tuổi đang bắt đầu về hưu. Vì vậy, họ phải cố gắng di chuyển phần lõi hoặc các trung tâm R&D của mình tới những quốc gia trẻ hơn như Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam.

Thứ hai, phải hiểu được lập trường của khách hàng. Sự quen thuộc dễ ghi điểm. Không ai muốn chuyển đến hoặc thiết lập cơ sở mới cho quy trình front-end (sản xuất phiến bán dẫn) tại một nước không quen thuộc. Các công ty cỡ vừa như DB Hitek, Powermaster khá e dè việc phải quản lý vận hành cho nhiều cơ sở ở nhiều nơi khác nhau và điều chỉnh các dòng tiền quốc tế. Rất nhiều công ty tầm trung của Hàn Quốc, chẳng hạn như các xưởng đúc công nghệ cao hoặc các nhà sản xuất chip quản lý năng lượng, luôn nói rằng họ muốn đặt cơ sở của mình ở các nước khác nhưng lại sợ hoạt động toàn cầu vì không thể nói tốt tiếng Anh và không thể hiểu được văn hóa nước ngoài. Việt Nam cần suy nghĩ về cách hóa giải những mối quan ngại như vậy.

Cuối cùng, phải nhận thức được các xu hướng tương lai và ý nghĩa của chúng trong cuộc chơi dài hạn. Ngành bán dẫn đang nhìn đến những phân khúc hoặc công nghệ nào? Chẳng hạn, chip cho ô tô cá nhân là một xu hướng rất mạnh. Nó là những con chip lớn từ 20-60 nm, không phải là những dòng chip khó hay hiện đại nhất hiện nay. Hiện ngành chip ô tô có giá trị 50 tỷ USD và mới chỉ chiếm gần 8% tổng nhu cầu về chất bán dẫn. Nhưng nếu nhìn xa hơn, nó có thể tăng gấp đôi vào năm 2030. Việt Nam có nhu cầu riêng về ô tô và có nhiều rất nhiều nhà sản xuất phụ tùng gốc (OEM) cho ngành này, do vậy có thể khai thác phân khúc này rất tốt.

Các chuyên gia ở Hội thảo cũng đặt câu hỏi liệu họ có thể tiến đủ nhanh với các quy trình sản xuất và thiết kế chip mới để kiếm tiền từ những thay đổi đáng kể trong nhu cầu của khách hàng - chẳng hạn như sự gia tăng của AI đe dọa loại bỏ thị trường chip máy chủ và PC truyền thống. Chip AI đang là một xu hướng. Một số công nghệ khác như chip dùng kiến trúc mã nguồn mở (RISC-V) hoặc đóng gói 2.xD, 3D cũng có thể đạt doanh thu đáng kể vào năm 2025.

Hội thảo do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức, nhằm thảo luận về thực trạng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam và chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này.