Những giải pháp này không chỉ dừng lại ở ý tưởng mà đã được thử nghiệm và xác nhận tính hiệu quả ở các quy mô khác nhau.

Giới thiệu các giải pháp đổi mới sáng tạo phục vụ chuyển đổi số tại Việt Nam. Ảnh: NIC
Giới thiệu các giải pháp đổi mới sáng tạo phục vụ chuyển đổi số tại Việt Nam. Ảnh: NIC

Đây là năm đầu tiên Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia NIC phát động Chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Vietnam Innovation Challenge.

Theo Meta - công ty mẹ của Facebook, đơn vị đồng tổ chức - trong thời gian phát động từ tháng 10/2022 đến tháng 8/2023, Chương trình đã thu hút hơn 60.000 lượt quan tâm và hơn 750 đơn đăng ký không chỉ ở Việt Nam mà còn từ các quốc gia và vùng lãnh thổ khác như Mỹ, Hàn Quốc, Singapore, Philippines, Hồng Kông và Đài Loan...

Với chủ đề “Đổi mới sáng tạo cùng doanh nghiệp chuyển đổi số, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu”, Chương trình tìm kiếm các giải pháp, sản phẩm chuyển đổi số từ các công ty khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, tập đoàn lớn.

Ban tổ chức đã chọn ra 12 giải pháp tiêu biểu tương ứng với 12 hạng mục giải thưởng của Chương trình. Đây là những giải pháp có khả năng giải quyết và hỗ trợ quản lý hệ thống, hoạt động kinh doanh và truyền thông cũng như thương mại điện tử và tiếp thị của doanh nghiệp.

Các giải pháp sử dụng những công nghệ đa dạng - từ trí tuệ nhân tạo cho tới dữ liệu lớn, internet vạn vật, điện toán đám mây và thực tế ảo...

NIC cho biết, hơn 50 cá nhân là các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý từ nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều thành viên của Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam, đã tham gia thẩm định, đánh giá, lựa chọn các giải pháp tiêu biểu.

Các giải pháp thắng cuộc được nhận gói tài trợ toàn diện và được tham gia chuỗi các hoạt động thử nghiệm tại các tỉnh thành phố lớn ởViệt Nam nhằm khuyến khích áp dụng rộng rãi và tạo ra nhiều giá trị hơn.

“Chúng tôi đặc biệt ấn tượng vì những đề xuất này không chỉ là dừng lại ở ý tưởng, mà đã được thử nghiệm và xác nhận tính hiệu quả ở các quy mô khác nhau”, Meta nhận xét tại lễ trao giải hôm 8/9. “Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi để chuyển từ một thị trường chỉ lắp ráp và thuê ngoài sang một thị trường có khả năng tốt hơn trong việc chế tạo và thiết kế sản phẩm để phù hợp với chiến lược Sản xuất tại Việt Nam (Make in Vietnam) của Chính phủ.”

Cũng tại lễ trao giải, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã tuyên bố chủ đề cho chương trình năm sau là “Đổi mới sáng tạo cùng doanh nghiệp thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn và sản xuất thông minh chinh phục thị trường toàn cầu".


12 giải pháp đổi mới sáng tạo giúp thúc đẩy chuyển đổi số

Giải thưởng Đổi mới sáng tạo Kỹ thuật Số (Digital Innovation Award): Nền tảng chuyển đổi số oneSME của Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam. Tính đến tháng 7/2022, nền tảng đã đưa hơn 40 sản phẩm, dịch vụ không chỉ của riêng VNPT mà còn tích hợp của các đối tác tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm hỗ trợ chuyển đổi số. Nền tảng hiện có gần 30.000 khách hàng đăng ký sử dụng và 45.000 đơn hàng đã được triển khai.

Giải thưởng Ngôi sao Đổi mới sáng tạo (Innovation Star Award): Tự động hóa quy trình với trợ lý robot ảo FPT akaBot của Công ty TNHH hệ thống thông tin FPT. Các “trợ lý robot” có khả năng mô phỏng thao tác của con người, giúp thực hiện các tác vụ lặp đi lặp lại với số lượng lớn. Giai đoạn 2020-2022, FPT akaBot đã phục vụ cho hơn 3.500 doanh nghiệp tại 20 quốc gia, trong đó 3.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đã thành công trong việc chuyển đổi sổ sử dụng robot ảo. Tổng giá trị tự động hóa đạt 700.000 tỷ đồng.

Giải thưởng Bước nhảy Kỹ thuật số (Digital Leap Award): Dịch vụ quản trị tổng thể cho hộ kinh doanh cá thể VNPT HKD của Công ty công nghệ thông tin VNPT IT. Sản phẩm hỗ trợ các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh quản lý tổng thể các nghiệp vụ kế toán, hóa đơn điện tử, thuế điện tử, thanh toán điện tử v.v trên nền điện toán đám mây hiện đại, tiện lợi, an toàn và bảo mật. Tính tới giữa tháng 3/2023, VNPT HKD đã triển khai cho hơn 21.000 hộ, cá nhân kinh doanh thuộc nhiều nhiều ngành nghề trên 63 tỉnh/thành phố trong cả nước.

Giải thưởng Chuyển dịch Tương lai (Future Evolution Award): Phần mềm phân tích và quản lý hình ảnh thông minh CIVAMS của Viện nghiên cứu ứng dụng công nghệ CMC. Giải pháp này được sử dụng để nhận diện biển số xe và khuôn mặt, tự động hóa quy trình, tiết kiệm thời gian và nguồn lực cho hoạt động đỗ xe, chấm công, kiểm soát an ninh và quản lý ra vào. Trong năm 2021-2022, CIVAMS đã triển khai tại Bộ Tài nguyên & Môi trường, UBND Thành phố Hà Nội, Bệnh viện Vinmec Times City, và Ủy ban Dân tộc.

Giải thưởng Đổi mới sáng tạo toàn diện (Inclusive Innovation Award): Nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA AMIS của Công ty cổ phần MISA. Nền tảng tích hợp các hệ thống nghiệp vụ: Kế toán, Bán hàng, Nhân sự, Quản lý điều hành với nhiều hệ thống khác nhằm giúp doanh nghiệp có thể điều hành quản trị từ xa. Tính đến năm 2022, MISA AMIS đã phục vụ 53.100 tổ chức và thu hút hơn 128.000 người dùng thường xuyên.

Giải thưởng Liên kết số Đột phá (InnoConnect Excellence Award): Công nghệ vận chuyển đa thông minh SuperShip của Công ty cổ phần SuperShip Việt Nam. Đây là nền tảng công nghệ đa vận chuyển thông minh, kết hợp các hạ tầng của các công ty chuyển phát và phân tích AI để đưa ra phương án giao hàng nhanh nhất, chi phí thấp nhất phù hợp với từng loại hàng hoá và khu vực. Đến hiện tại, SuperShip đã mở rộng hoạt động trên cả nước với hơn 100 bưu cục và đại lý, thu hút hơn 150.000 người dùng và vận chuyển hàng triệu đơn hàng trên toàn quốc. SuperShip đã tối ưu hóa vận chuyển cho một số sàn thương mại điện tử và thương hiệu trong nước như SenDo, GuMac, CoolMate, giúp tiết kiệm 20%-40% chi phí giao hàng.

Giải thưởng Đổi mới sáng tạo Không biên giới (Borderless Innovation Award): Giải pháp xuất khẩu xuyên biên giới dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ 1Export của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ 1Export (Philippines). Đã triển khai thành công ở những thị trường tương tự Việt Nam như Philippines hay Indonesia, giải pháp có khả năng giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện việc xuất khẩu và đáp ứng đơn đặt hàng một cách hiệu quả chỉ với 3 bước. Hiện tại, 1Export đã hỗ trợ hơn 300 doanh nghiệp nhỏ và vừa, giảm 40% thời gian và chi phí xuất khẩu.

Giải thưởng Trải nghiệm số Xuất sắc (Digital CX Excellence Award): Nền tảng quản lý giao tiếp đa kênh cho doanh nghiệp Omicall của Công ty TNHH công nghệ ViHAT. Đây là giải pháp tổng đài chuyên nghiệp, quản lý giao tiếp đa kênh ứng dụng công nghệ AI. Đến năm 2023, Omicall đã thực hiện hơn 100 triệu cuộc gọi mỗi tháng và thu hút hơn 2 triệu lượt truy cập/năm. Tổng doanh thu của ViHat vượt qua 46 tỷ trong 12 tháng gần nhất.

Giải thưởng Đổi mới Sáng tạo Bền vững (Sustainable Innovation Award): Giải pháp tiết kiệm năng lượng BenKon của công ty cổ phần BenKon. Giải pháp đã giúp tiết kiệm từ 20% đến 50% năng lượng cho các hệ thống máy điều hoà mà không cần thay thế thiết bị cũ, được triển khai ở một chuỗi cửa hàng tiện lợi. Đầu năm 2023, startup này đã thu hút được vốn đầu tư hạt giống trị giá 500.000 US từ Quỹ Đầu tư Khởi nghiệp Sáng tạo ITI.

Giải thưởng Hiệu suất quản trị (InnoBiz Efficiency Award): Nền tảng Quản lý chuỗi cung ứng và xưởng sản xuất cho thương hiệu thời trang toàn cầu Wetex của Công ty cổ phần công nghệ Retex. Từ tháng 1/2023 đến nay, Wetex đã kết nối hơn 1.000 đơn hàng cho các xưởng may, góp phần giúp các doanh nghiệp dệt may Việt Nam trong giai đoạn khó khăn.

Giải thưởng Đón đầu xu thế (InnoTrend Establishment Award): Nền tảng phân tích dữ liệu thương mại điện tử Metric của Công ty cổ phần khoa học dữ liệu. Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn, Metric giúp doanh nghiệp thấu hiểu thị trường, đưa ra các quyết định hiệu quả nhất trong đầu tư, sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam. Nền tảng đã làm việc với một số khách hàng như Unilever, Bayer, Sunhouse, Thế giới di động, Thiên Long, Rạng Đông, Tiki. Vào cuối năm 2022, Metric giành giải Bạc trong Top 10 Giải thưởng 'Sản phẩm Công nghệ số Make in Việt Nam lĩnh vực Công nghệ thông tin và Truyền thông do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.

Giải thưởng Triển vọng Chuyển đổi số (Promising Digital Evolution Award): Nền tảng giám sát và quản lý công trình xây dựng viAct của Công ty viAct (Hong Kong). Tính đến hiện tại, nền tảng giám sát dựa trên trí tuệ nhân tạo của viAct đã được triển khai trong 50 dự án xây dựng với tổng giá trị hợp đồng trên 10 tỷ USD, trải rộng trên châu Á. viAct là công ty AI châu Á đầu tiên tích hợp với Autodesk BIM 360, một nền tảng đám mây xây dựng hàng đầu thế giới, từ đó nâng cao hiệu suất hoạt động của công ty. Startup này đã gọi vốn thành công hơn 2 triệu USD từ các quỹ đầu tư mạo hiểm.