Giáo dục - đào tạo là một trong những ngành chịu nhiều tác động nhất từ làn sóng tiến bộ của khoa học công nghệ, và sự thay đổi của giáo dục cũng là một trong những nhân tố quyết định cho sự thành công của cách mạng công nghệ lần thứ 4 ở Việt Nam.
Việc đào tạo nhân sự ở Việt Nam vẫn chưa được xem là hiệu quả. Theo khảo sát của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố tháng 11/2018, thì trong giai đoạn 5 năm gần đây, mặc dù chất lượng lao động trong khu vực doanh nghiệp đã được cải thiện nhưng tỷ lệ người chưa qua đào tạo vẫn chiếm tới 20%, và tỷ lệ hài lòng của chủ doanh nghiệp về chất lượng lao động giảm liên lục, kèm theo đó là chi phí doanh nghiệp phải dành cho đào tạo lại lao động tăng lên.
Trong khi đó, thống kê nửa đầu năm 2018 của Bộ lao động, thương binh và xã hội (MOLISA) chỉ ra rằng số người thất nghiệp dài hạn trên 12 tháng chiếm gần 35% tổng số người thất nghiệp, thanh niên chiếm trên 48% tổng số thất nghiệp, và ngoài hơn 127,000 người có trình độ đại học và sau đại học thất nghiệp thì vẫn còn 70,800 người trình độ cao đẳng cũng chưa có việc làm. Trước đó, MOLISA cũng thống kê có khoảng 60% sinh viên cả nước ra trường làm trái ngành trái nghề.
Việc mất cân xứng giữa hoạt động đào tạo và việc làm cho thấy sự thất bại của mô hình giáo dục truyền thống trong việc tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng được đòi hỏi của thị trường. Điều này đòi hỏi sự cải cách sâu rộng của hệ thống giáo dục.
Trường học có thể cung cấp gì cho học viên trong thời đại 4.0?
Axel Schultze, Chủ tịch Diễn đàn Đổi mới sáng tạo Thế giới, chia sẻ tại hội thảo tại trường ĐH Bách Khoa Hà Nội ngày 7/3 rằng mỗi thời kỳ lịch sử mà con người đã trải qua như đồ đá, đồ đồng, đồ sắt, máy móc hay thông tin đều đặc trưng bởi một công cụ chính trong một ngành cụ thể; nhưng giờ đây khi bước chân vào kỷ nguyên của sự đổi mới sáng tạo (Innovation) thì đó là sự hội tụ của nhiều công nghệ khác nhau trên tất cả các lĩnh vực, kèm theo một đặc trưng quan trọng là kiến thức tăng lên gấp đôi sau 12 giờ đồng hồ.
Với sự bùng nổ tri thức đó làm thế nào để con người có thể theo kịp được? Câu trả lời là không thể. Ông Schultze kết luận, “Trường học phải từ bỏ việc dạy hết kiến thức cho mọi người.”
Thậm chí, hiện nay các “người thầy” với kho dữ liệu khổng lồ như Google, Youtube, Facebook hoặc Internet đã có xu hướng lấn át trường học truyền thống trong việc cung cấp kiến thức gần như miễn phí ở mọi lúc, mọi nơi. Vậy trường học phải cung cấp một thứ khác hơn nữa cho người học là kỹ năng. Thế kỷ 21 đòi hỏi ở nguồn nhân lực nhiều nhóm kỹ năng, từ kỹ năng nhận thức, giao tiếp xã hội, giải quyết vấn đề, sáng tạo, cho đến những kỹ năng quản trị, lãnh đạo,v.v – những thứ không chỉ học ở trường mà còn phải rèn luyện liên tục trong xã hội. Tuy nhiên, có một kỹ năng quan trọng mà trường học nên đóng vai trò chủ đạo là dạy cách tự học.
Tại phương Tây, hãng tư vấn Ernts & Young đã có một cách phân loại đơn giản về giáo dục gắn liên với sự phát triển của các cuộc cách mạng công nghệ (CMCN) trong báo cáo “Leapfrogging to Education 4.0” tháng 11/2017. Về cơ bản, Giáo dục từ thời 1.0 đến 3.0 vẫn quan tâm nhiều đến việc dạy, nhưng đến đầu thế kỷ 21, khi cách mạng công nghiệp lần thứ 4 dần hình thành thì xu hướng cải cách giáo dục đã chuyển theo hướng lấy người học làm trung tâm, nghĩa là thay vì “dạy” thì tập trung vào việc phát triển các “kỹ năng học”.
Nhà giáo sẽ dịch chuyển vai trò từ người thuyết giảng để truyền tải kiến thức, sang việc hỗ trợ, cố vấn và huấn luyện (coach) người học để học viên có thể tự phát triển tư duy, đánh giá các tình huống, vấn đề phức tạp trong cuộc sống, qua đó hình thành năng lực giải quyết vấn đề một cách thích hợp với điều kiện môi trường.
Với thời kỳ đổi mới sáng tạo thì bản chất của sự chuyển đổi giáo dục sẽ thiên về tư duy hơn là sử dụng những công cụ công nghệ như trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo…
Học cách học trong giáo dục phổ thông
Quá trình đổi mới cần được bắt đầu ngay từ bậc tiểu học, bởi chỉ khi đã có nền tảng vững chắc chúng ta mới có thể phát huy hết những lợi thế của những chương trình giáo dục và đào tạo về sau. Chúng ta học tốt nhất khi chúng ta thích thú với chúng như với một trò chơi, khi chúng ta đặt câu hỏi và miệt mài đào sâu để tìm được câu trả lời.
Theo nhà giáo Phạm Toàn, người đã có hơn 50 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục và là một trong những người sáng lập Nhóm Cánh Buồm góp phần cải cách giáo dục thì, yếu tố then chốt của giáo dục phổ thông là hướng dẫn trẻ em học cách học.
Một ví dụ điển hình thú vị là việc nhà giáo Phạm Toàn lựa chọn dạy thơ haiku cho học sinh lớp Hai – một thể loại thơ cực ngắn của Nhật Bản – nhằm dạy thao tác tưởng tưởng và biểu đạt theo cách “dễ học, dễ làm lại nhất”. Các cô giáo dạy cho học sinh cách quan sát thế giới, còn các em tự sáng tạo ra sản phẩm. Mục đích của bậc tiểu học có lẽ là việc hoàn toàn nắm vững được phương pháp tự học.
Gắn việc học với thực tiễn cũng là một yêu cầu lớn trong bối cảnh hiện tại. Kiến thức cố định đã không còn mang nghĩa “đảm bảo” cho tương lai việc làm và các bài toán, lý, hóa mẫu chỉ có thể cung cấp cách giải quyết cho những vấn đề cũ, mà không thể áp dụng với những vấn đề phức tạp chưa có đáp án mà công nghệ mới đem đến.
Một trong những phương pháp thực hành được cho là phù hợp trong bối cảnh hiện nay là tiếp cận liên ngành STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học). Nó cho phép thúc đẩy sự hứng thú sáng tạo và cung cấp nguyên tắc kết nối căn bản của các ngành tự nhiên, với kỳ vọng giúp học sinh có khả năng làm chủ được kiến thức và quá trình tạo dựng kiến thức của mình.
Tuy được nhắc nhiều nhưng STEM chưa được triển khai rộng ở Việt Nam – hiện mới có 15 trường THCS và THPT thí điểm thuộc khuôn khổ dự án hợp tác giữa Hội đồng Anh và Bộ Giáo dục và Đào tạo; các hoạt động đạo tạo STEM cho học sinh, giảng viên vẫn chủ yếu do các doanh nghiệp tư nhân hay những tổ chức xã hội thực hiện hoặc kêu gọi đầu tư.
Khơi nguồn sáng tạo ở đại học
Mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học ở bậc đại học cũng sẽ cần dịch chuyển thực chất từ việc đào tạo những “thứ mình có” sang đào tạo những “thứ thị trường cần và sẽ cần” bởi hiện số lượng lao động qua đào tạo nhưng không đáp ứng được yêu cầu công việc của chúng ta đang ở mức cao. Nhiều ngành công nghệ mới xuất hiện cũng đòi hỏi các trường đại học mở thêm những ngành học mới.
Thêm vào đó, các doanh nghiệp ngày càng có nhu cầu đào tạo lại hoặc đào tạo thêm những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho nhân viên. Đối với nền kinh tế tương lai, quá trình đào tạo có thể sẽ không bao giờ thực sự chấm dứt và các trường đại học phải xác định quá trình học tập suốt đời là một phần của sứ mệnh của mình.
Việc tiếp cận giáo dục bậc cao cũng cần phải được mở ra cho mọi đối tượng, ví dụ thông qua các trường học trực tuyến, để cho phép mọi đối tượng đều có cơ hội học tập và trao đổi với những giảng viên hàng đầu trong nhiều lĩnh vực.
Theo GS.TS Phạm Hồng Quang, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) thì quan niệm “đến trường” là “đi học”, không đến trường là "không đi học" dường như đã tỏ ra lạc hậu trong kỉ nguyên mới. Đương nhiên, chức năng định hướng và dẫn dắt của nhà trường vẫn còn đó, nhưng mô hình học tập sẽ thay đổi bởi lợi thế của công nghệ thông tin và truyền thông (ICT).
Cũng như nhiều nước trên thế giới, tại thời đại giáo dục 4.0, giáo dục bậc cao của Việt Nam cần thay đổi theo hướng không còn chỉ là nơi đào tạo – nghiên cứu mà còn đóng vai trò trung tâm đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, hợp tác doanh nghiệp cũng như là vườn ươm khởi nghiệp cho sinh viên. Động lực đổi mới sáng tạo sẽ cần phải bắt nguồn từ giảng viên – những người có trách nhiệm đồng hành, hỗ trợ và khuyến khích các sinh viên học và thực hành để trở thành nguồn lực dẫn dắt tương lai.
Sau cùng thì kết quả cuộc đua giữa giáo dục và công nghệ sẽ quyết định liệu chúng ta có thể gặt hái được cơ hội do tiến bộ ĐMST mang lại hay không. Chỉ bằng sửa chữa những khiếm khuyết của hệ thống giáo dục truyền thống, Việt Nam mới có thể đảm bảo rằng tiến bộ công nghệ sẽ giúp cuộc sống trở nên thịnh vượng hơn.
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội
là một trong số ít trường đại học ở Việt Nam có nhiều hoạt động thúc đẩy hệ
sinh thái khởi nghiệp sáng tạo và kết nối với thị trường. Trường đã thành lập
Công ty BK Holdings kết nối với 25 viện đào tạo và nghiên cứu, 150 nhóm nghiên
cứu với 400 dự án/năm, hình thành hệ thống cơ sở ươm tạo và các trung tâm công
nghệ liên kết để chuyển giao hướng đến thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Đây
được coi là một mô hình khá thành công mà các trường đại học khác ở Việt Nam có
thể học hỏi |