Ngày 27/3, tại trụ sở Bộ KH&CN, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST) đã tổ chức Diễn đàn Công nghiệp lần thứ II với chủ đề “Các hợp chất có hoạt tính sinh học từ nguồn thiên nhiên Việt Nam” với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu cùng đại diện các công ty nam dược ở Việt Nam.

Một số loại dược liệu
Hai mỏ vàng lớn của ngành nam dược

Theo thống kê, năm 2003, Việt Nam có khoảng 3.850 loài dược liệu, chiếm 7,4% số cây cỏ làm thuốc trên thế giới. Hiện cả nước có 226 cơ sở sản xuất dược liệu, thuốc cổ truyền, hơn 1.400 cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng với nhu cầu khoảng 20.000 tấn/năm.

Sự đa dạng sinh học và tri thức bản địa sử dụng tài nguyên làm thuốc trong dân gian được đúc kết từ hàng ngàn năm là “hai mỏ vàng” lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế ứng dụng hiện nay chưa đến 10%. Tại hội thảo, các đại biểu đã chỉ ra khó khăn của mình. Trước hết, kinh nghiệm cây thuốc nam thường được truyền theo cách cầm tay chỉ việc, rất ít tư liệu ghi chép nên quá trình sàng lọc để nghiên cứu phát triển mất rất nhiều thời gian. Các nhà nghiên cứu cũng chưa nắm được hầu hết các chất chính tạo ra hoạt tính sinh học trong từng loại cây và đang rất thiếu những nghiên cứu cơ bản về tác động của từng loại chất đối với con người.

Những công nghệ chiết xuất các hợp chất từ nguồn nguyên liệu gốc của các doanh nghiệp Việt Nam hiện cũng ở mức trung bình thấp và đang cần thay đổi. Bên cạnh đó, thiếu giống là một vấn đề lớn mà các doanh nghiệp dược đang phải đối mặt. Hiện nay 80% nguyên liệu của các công ty vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài, mặc dù một số đơn vị có vùng trồng dược liệu riêng nhưng nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu. Thêm vào đó, vấn đề kiểm soát chất lượng dược liệu trong toàn bộ quá trình sản xuất đặt ra không ít thách thức cho các đơn vị vận hành. Bởi vậy, có thể nói mặc dù Việt Nam mang trong mình tiềm năng khổng lồ để phát triển nguồn tài nguyên dược liệu quý giá nhưng vẫn chưa thể khai thác được nhiều.

Toàn cảnh Diễn đàn công nghiệp lần thứ II của VKIST ngày 27/3
Toàn cảnh Diễn đàn công nghiệp lần thứ II của VKIST ngày 27/3

Nhà khoa học e ngại, doanh nghiệp chưa tin tưởng

Để thúc đẩy ứng dụng các dược liệu tự nhiên, việc kết hợp doanh nghiệp và viện trường là điều cần thiết. Hai bên đều có thể chia sẻ giá trị và nhu cầu của mình nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác.

Tại hội thảo ngày 27/3, PGS.TS Lê Mai Hương thuộc Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên - Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam (INPC-VAST), đã giới thiệu những kết quả phân tích và kiểm nghiệm mới nhất về kết hợp chất β -1,3; 1,6 Beta glucan trong nấm đầu khỉ với tinh chất Curcumin trong củ nghệ. Bà Hương cũng chia sẻ kinh nghiệm về những khó khăn trong quá trình đăng ký sở hữu trí tuệ và thương mại hóa hai dòng sản phẩm viên Nấm nghệ (Bioglucumin) và viên Lợi gan (Bioglucumin G) từ chất trên.

“Tôi may mắn tìm được một bên đồng hành tốt để đưa sản phẩm của mình vào hội chợ quốc tế Hàn Quốc. Họ có nhiều sản phẩm để cân nhắc trước khi lựa chọn chúng tôi, bởi theo doanh nghiệp đó sản phẩm này có tương đối đầy đủ giấy tờ chứng minh, (ví dụ tài liệu nghiên cứu khoa học, kết quả hoạt tính, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, đăng ký sở hữu nhãn hiệu…). Đối với các công ty, đó là điều quan trọng”, bà Lê Mai Hương cho biết.

Lời khuyên đối với các nhà nghiên cứu khoa học là luôn phải có ý thức lưu giữ các thiết kế chi thiết, bằng chứng, kết quả kiểm định trong từng bước tiến trình và sẵn sàng tài liệu để hợp pháp hóa nhanh chóng các thành quả của mình.

Hệ thống thiết bị trong phòng kiểm nghiệm
Hệ thống thiết bị trong phòng kiểm nghiệm

Nhìn chung hoạt động kết nối giữa viện trường và doanh nghiệp vẫn diễn ra chậm chạp, nhỏ lẻ. Các ý tưởng nghiên cứu được tiến hành phần lớn từ các đề tài nhà nước, một số từ đề tài do nghiên cứu viên tự phát triển và phần nhỏ từ doanh nghiệp đặt hàng. Hoạt động nghiên cứu hiện nay thường gặp phải khó khăn phổ biến là thiếu nguồn vốn ổn định lâu dài – đặc biệt với các nghiên cứu thuốc có thể kéo dài từ 10 đến trên 15 năm. Đây là tình hình chung của rất nhiều lĩnh vực nghiên cứu. Theo thống kê, chi tiêu bình quân trên mỗi lao động cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) của Việt Nam khá thấp, năm 2015 là 15 USD/người, trong khi đó con số so sánh tương ứng của Thái Lan là 64 USD/người, Malaysia là 260 USD/người, Trung Quốc là 300 USD/người và Nhật Bản là hơn 2.300 USD/người.

Do đặc thù của ngành y dược liên quan đến sức khỏe cộng đồng, đầu tư vào đổi mới sáng tạo trong ngành y dược đòi hỏi thời gian dài và tính rủi ro cao, trong khi các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân Việt Nam có ít động lực và kinh nghiệm để thực hiện. Trên thực tế, không mấy doanh nghiệp Việt Nam lựa chọn hình thức cung cấp vốn giai đoạn đầu cho nhà khoa học hoặc cùng nghiên cứu trong một số giai đoạn quan trọng. Trong khi đó, các nhà khoa học cho rằng việc đồng hành như vậy sẽ tăng sự hiểu biết và cam kết sâu hơn giữa hai phía, dẫn tới khả năng thành công cao hơn.

Ngay cả khi kết quả nghiên cứu để chào mời đã chứng minh chất lượng tốt, doanh nghiệp cũng tỏ ra không mặn mà. GS.TS Trần Văn Sung, Viện Hóa Học - Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam (IC-VAST), cho biết, các nhà nghiên cứu ở Viện đã giới thiệu một số quy trình về chất chống ung thư được Bộ KH&CN nghiệm thu và đã thử nghiệm lâm sàng hết giai đoạn I trên người với công ty CP Dược Bình Định (Bidiphar) nhưng không thành công. Lý do là công ty chỉ cần mua nguyên liệu nước ngoài về, đóng viên và bán đã thu được lợi nhuận cao, trong khi nếu sử dụng kết quả nghiên cứu mới để chế tạo sản phẩm chưa chắc thị trường đã chấp nhận.

Quá trình phát triển sản phẩm
Nhưng không phải tất cả doanh nghiệp đều nghĩ vậy. Ông Nguyễn Huy Văn, phó giám đốc Công ty CP Dược Traphaco, cho biết với tư cách là một doanh nghiệp phát triển dựa trên KH&CN, họ thường xuyên phải tìm kiếm các nghiên cứu tiếp nối cũng như nghiên cứu mới, nhưng “dường như các nhà khoa học vẫn ngại giới thiệu sản phẩm của mình”. Bên cạnh việc không phải tổ chức KH&CN nào cũng có được năng lực tới hạn cần thiết để tạo ra các kết quả nghiên cứu đáp ứng yêu cầu thực tiễn từ khu vực doanh nghiệp, thì chúng ta vẫn chưa tạo ra được một nền văn hóa nghiên cứu năng động.

Trong khi đó, các đơn vị sản xuất các hợp chất có hoạt tính sinh học từ nguồn dược liệu bày tỏ rằng họ thực sự rất cần sự tham gia của các nhà khoa học vào mỗi khâu trong quá trình sản xuất dược phẩm. Theo Thạc sỹ Khuất Văn Mạnh, Công ty cổ phần Nam Dược, thì các giai đoạn phức tạp như phân lập các hợp chất khỏi hỗn hợp, xác định cấu trúc chất, và thử các tác dụng sinh học đều đòi hỏi sự tham gia khoa học chuyên sâu và cơ sở vật chất hiện đại tại các viện trường. Tuy nhiên, không phải đơn vị nghiên cứu nào trong nước cũng có thể đáp ứng được.

Tại hội thảo, công ty dược Traphaco đã tìm đến Viện nghiên cứu sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên KIST Gangneung của Hàn Quốc để hợp tác thực hiện công đoạn đánh giá tác động của chiết xuất cây đinh lăng đối với các tế bào thần kinh và thử nghiệm chiết xuất đinh lăng trên động vật. Hai bên đã ký biên bản thỏa thuận MOU dưới sự chứng kiến của Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cùng nhiều nhà khoa học và doanh nghiệp của Việt Nam, Hàn Quốc.

Ký biên bản hợp tác giữa KIST và Traphaco
Ký biên bản hợp tác giữa KIST và Traphaco

Thiếu hệ sinh thái cho việc hợp tác

So sánh từ kinh nghiệm của các nước có nền KH&CN phát triển và Việt Nam, các chuyên gia đã chỉ ra Việt Nam đang rất thiếu một hệ sinh thái cho việc hợp tác, chuyển giao công nghệ, trong đó đặc biệt quan trọng là các tổ chức trung gian làm vai trò cầu nối, điều tiết và hài hòa nhu cầu, lợi ích giữa cung và cầu KH&CN.

Đại diện Traphaco cho biết họ rất khó để định giá được các tài sản trí tuệ như kết quả nghiên cứu, sáng chế, nhãn hiệu… bởi vậy việc hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà khoa học được thực hiện khá thận trọng. Phần lớn việc chuyển giao của công ty được thực hiện theo hình thức trả theo kết quả bán hàng và ký hợp đồng bản quyền vĩnh viễn. Nếu có một thị trường công nghệ đủ lớn để lựa chọn và so sánh, thì sự liên kết giữa các bên sẽ trở nên thuận lợi hơn. Bên cạnh cung cầu của các nhà nghiên cứu, sản xuất, thương mại, môi giới, thì sự tham gia điều phối của nhà nước cũng được xem là một nhân tố thúc đấy sự hình thành thị trường công nghệ nói trên.

Trước nhu cầu đó, TS Kum Dongwha, Viện trưởng VKIST, cho biết, Viện sẽ bắt tay cùng doanh nghiệp cung cấp các giải pháp công nghệ và là cầu nối giữa các ngành công nghiệp và trường đại học, viện nghiên cứu, cũng như cầu nối với Bộ KH&CN.

Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST) thành lập năm 2015 thông qua dự án ODA giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Đây là một tổ chức khoa học và công nghệ công lập trực thuộc Bộ KH&CN với trọng trách đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam.

VKIST đi theo mô hình viện nghiên cứu tự chủ như “nguyên mẫu” viện Bartell ở Mỹ. Mặc dù được duy trì một phần tài trợ nhất định từ ngân sách nhà nước nhưng chi phí cho các hoạt động nghiên cứu của viện sẽ đến từ những hợp đồng nghiên cứu đặt hàng của đối tác. Ngoài ra viện cũng có thể thành lập các doanh nghiệp KH&CN để chuyển giao, ứng dụng công nghệ.

Đến tháng 3/2018, VKIST đã hoàn thành xây dựng phòng thí nghiệm tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và đang tuyển dụng nhân sự trưởng bộ phận nghiên cứu để khởi động các dự án đầu tiên. Tháng 8/2018, VKIST tổ chức Diễn đàn Công nghiệp lần thứ I với chủ đề “Nhu cầu công nghệ trong quá trình sản xuất tự động hóa của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam”, thu hút được hơn 90 đại biểu, chủ yếu từ khối doanh nghiệp.