Thông qua đề tài do Dự án FIRST (Bộ KH&CN) tài trợ, Trung tâm Động lực học Thủy khí môi trường của trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) không chỉ có được một hệ thống quan trắc và mô phỏng để dự báo các điều kiện khí tượng hải văn mà còn đứng trước cơ hội thương mại hóa các dữ liệu quý này.

Cán bộ CEFD đang tổ chức bố trí tuyến quan trắc và đo nồng độ bùn cát tại khu vực ven biển Trà Lý, Thái Bình. Nguồn: CEFD
Cán bộ CEFD đang tổ chức bố trí tuyến quan trắc và đo nồng độ bùn cát tại khu vực ven biển Trà Lý, Thái Bình. Nguồn: CEFD

Chỉ trong vòng hai năm thực hiện (2017-2019) với khoản kinh phí 1,86 triệu USD từ Dự án FIRST, đề tài “Hiện đại hóa hệ thống quan trắc và mô phỏng/dự báo các điều kiện khí tượng hải văn - môi trường biển và đới ven bờ độ phân giải cao phục vụ khai thác bền vững tài nguyên biển và giảm thiểu rủi ro thiên tai” đã giúp các nhà nghiên cứu ở Trung tâm động lực học thủy khí môi trường (CEFD) làm chủ được một hệ thống quan trắc khí tượng hải văn có độ phân giải cao hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á – nền tảng để trung tâm phát triển mô hình tích hợp dự báo khí tượng hải văn, phục vụ cho công tác phân tích, dự báo trường sóng và dòng chảy ven bờ, cảnh báo sớm thiên tai ở vùng ven biển Việt Nam. Cơ hội này đã đưa “CEFD trở thành một trong những đơn vị có hệ thống thiết bị quan trắc hiện trường các yếu tố thủy động lực và môi trường biển, khu vực ven bờ hiện đại nhất Việt Nam và là một trong những đơn vị đầu tiên của cả nước phát triển thành công bộ mô hình tích hợp”, PGS.TS. Trần Ngọc Anh, Giám đốc CEFD kiêm Trưởng Bộ môn Thủy văn, ĐHKHTN và là chủ nhiệm dự án, nhận xét về kết quả lớn nhất mà đề tài đem lại.

Giải bài toán dữ liệu khí tượng hải văn

Ý tưởng để PGS.TS. Trần Ngọc Anh đề xuất đề tài bắt nguồn từ những quan sát trong thực tế, khi thấy nhiều nơi trên thế giới đã ứng dụng dữ liệu khí tượng hải văn trong các hoạt động sản xuất kinh doanh để giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực và tận dụng thuận lợi của các yếu tố thời tiết. Chẳng hạn, nhờ việc sử dụng thông tin về các dòng hải lưu để đưa ra lịch trình phù hợp, xuôi dòng theo hải lưu, một công ty vận tải của Nhật Bản đã tiết kiệm được 30% nhiên liệu so với thông thường. Đây có thể là một điều mới với nhiều người ở Việt Nam bởi hiện nay, chỉ một số tổ chức, doanh nghiệp lớn hoặc hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến thời tiết mới quan tâm còn đa số vẫn chỉ sử dụng thông tin dự báo thời tiết chung chung ở các bản tin trên truyền hình.

Sau hai năm triển khai, nhóm nghiên cứu của CEFD đã tích hợp thành công 3 mô hình ROMS, SWAN và WRF trong bộ mô hình COAWST, chạy tự động theo thời gian thực thông qua phần mềm MCT, theo PGS.TS. Trần Ngọc Anh.
Sau hai năm triển khai, nhóm nghiên cứu của CEFD đã tích hợp thành công 3 mô hình ROMS, SWAN và WRF trong bộ mô hình COAWST, chạy tự động theo thời gian thực thông qua phần mềm MCT, theo PGS.TS. Trần Ngọc Anh.

Hạn chế lớn nhất khiến việc áp dụng thông tin dự báo thời tiết trong các hoạt động kinh tế xã hội ở Việt Nam chưa phổ biến là “chúng ta thiếu nguồn dữ liệu khí tượng, hải văn đầu vào để tính toán, đưa ra thông tin dự báo thời tiết chi tiết và chính xác, đặc biệt là dữ liệu vùng ven bờ biển”, PGS.TS. Trần Ngọc Anh cho biết.

Do đó, anh và đồng nghiệp ở CEFD đã tìm đến Dự án FIRST để đề xuất việc hiện đại hóa hệ thống quan trắc và mô phỏng/dự báo các điều kiện khí tượng hải văn - môi trường biển và đới ven bờ độ phân giải cao, điều mà nhiều nhà nghiên cứu khí tượng, hải văn ở Việt Nam đã mong muốn từ lâu nhưng chưa thành hiện thực vì đòi hỏi “kinh phí quá lớn”. Với những đơn vị lớn như Tổng cục khí tượng thủy văn, Tổng cục Biển và Hải đào (Bộ TNMT) “chủ yếu tập trung quan trắc khu vực xa bờ nên họ đầu tư những hệ thống có tầm quét rất rộng - khiến độ phân giải bị giảm xuống”, PGS.TS. Trần Ngọc Anh nói. Để chạy các mô hình dự báo thời tiết và sóng, dòng chảy khu vực ven bờ biển, các nhà chuyên môn hiện nay vẫn phải sử dụng số liệu tái phân tích của nước ngoài hoặc phải chạy mô hình cho toàn bộ khu vực Biển Đông sau đó hạ quy mô xuống khu vực ven bờ, vốn mất nhiều thời gian xử lý và “số liệu miễn phí của nước ngoài thường không được như mình mong muốn nên dễ gây khó khăn trong tính toán chi tiết trên khu vực cụ thể”, anh nói. Bởi vậy, khoản tài trợ nâng cao năng lực cho các tổ chức KH&CN công lập vào cuối năm 2016 của Dự án FIRST là cơ hội quý cho CEFD.

Kinh phí từ Dự án FIRST đã giúp CEFD có được hệ thống radar di động ven bờ quan trắc sóng và dòng chảy biển độ phân giải cao (300mx300m) có tầm quét từ 30-200km. Hệ thống này còn đi kèm các thiết bị quan trắc theo điểm và theo mặt cắt các yếu tố thủy động lực và môi trường biển, có thể hoạt động trong điều kiện thời tiết bất lợi. PGS.TS. Trần Ngọc Anh cho biết: “Các thiết bị cũ trước đây thường chỉ đo được trong lúc ‘trời yên biển lặng’ nên không thu được đầy đủ dữ liệu cần thiết. Với thiết bị mới, chúng tôi có thể linh động di chuyển thiết bị quan trắc theo từng thời điểm và đến khu vực phù hợp”.

Để xử lý được các dữ liệu này cần hệ thống máy tính hiệu năng cao bởi năng lực của hệ thống cũ không đủ đáp ứng, kéo dài thời gian xử lý. Do vậy, một hệ thống máy tính có năng lực tính toán khoảng 25 Teraflop cũng được trang bị và đặt ở Trường ĐHKHTN.

Mô hình tích hợp các trường số liệu thời gian thực và dữ liệu lịch sử

Việc có được các thiết bị quan trắc, hệ thống máy tính hiệu năng cao,… mới chỉ là “phần cứng”, yếu tố quyết định tới độ chính xác của kết quả dự báo đầu ra là mô hình “phần mềm” chạy trên hệ thống máy tính này. Tưởng chừng đây là một thách thức lớn với CEFD bởi khoản hỗ trợ của Dự án FIRST chủ yếu hỗ trợ phần trang thiết bị, còn mô hình phần mềm nằm trong khoản đối ứng (hơn 3 tỷ đồng) của CEFD (bao gồm đầu tư hạ tầng phòng máy chủ, công nghệ, nhân lực…), nhưng đây cũng là cơ hội thúc đẩy PGS.TS. Trần Ngọc Anh và các cộng sự chủ động sáng tạo triển khai ứng dụng mô hình tích hợp COASWT (khí tượng, hải dương, sóng) cung cấp các trường số liệu thời gian thực và cho phép tái hiện lại cả các dữ liệu lịch sử.

Ý tưởng tạo ra mô hình tích hợp cũng xuất phát từ kinh nghiệm của PGS.TS. Trần Ngọc Anh trong quá trình ứng dụng các mô hình khí tượng hải văn. Từ trước đến nay, số liệu khí tượng hải văn thường được chạy riêng biệt trên các mô hình: mô hình dòng chảy, nhiệt muối và môi trường nước ba chiều (ROMS), mô hình sóng (SWAN) và mô hình khí tượng (WRF). Nhưng trên thực tế các yếu tố dòng chảy, sóng, khí tượng,... đều có tương tác với nhau chứ không hề tách rời, nếu chạy riêng biệt từng mô hình sẽ không đảm bảo độ chính xác của thông tin đầu ra, anh giải thích.

Việc tích hợp các mô hình này không hề đơn giản, thậm chí tốn rất nhiều thời gian vì 3 mô hình này vốn được thiết kế độc lập chứ không nhằm kết nối với nhau, PGS.TS. Trần Ngọc Anh cho biết. Để giải quyết bài toán này, anh và các cộng sự đã chủ động trao đổi với các chuyên gia ở Khoa Khí tượng Thủy văn và Hải dương học (Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN) và Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia (Tổng cục khí tượng thủy văn), Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu... “Điều may mắn là chúng tôi có mối quan hệ hợp tác với các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực khí tượng, thủy hải văn”, anh nói.

Dự án FIRST mang lại cơ hội cho nhóm nghiên cứu của PGS.TS. Trần Ngọc Anh cử 2 cán bộ sang đào tạo và làm việc với các chuyên gia ở Đại học Rutgers (Hoa Kỳ) – nơi khai sinh ra mô hình ROMS, giúp nhóm nghiên cứu hiểu rõ hơn về bản chất của các mô hình này. Sự hỗ trợ của FIRST kết hợp với tinh thần chủ động của PGS.TS. Trần Ngọc Anh và các cộng sự đã đem lại kết quả xứng đáng: sau 2 năm triển khai, nhóm nghiên cứu đã tích hợp thành công 3 mô hình ROMS, SWAN và WRF trong bộ mô hình COAWST, chạy tự động theo thời gian thực thông qua phần mềm MCT.

Để kiểm chứng hiệu quả trong thực tế, nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm hệ thống này trong vòng 1 tháng ở Phú Yên và thu được kết quả tích cực: hệ thống xử lý số liệu quan trắc nhanh chóng, cho ra kết quả dự báo thời tiết trong vòng 24 giờ với độ ổn định cao. Tuy nhiên, quá trình thử nghiệm cũng cho thấy những điểm cần khắc phục để hoàn hiện và cải tiến hệ thống hơn nữa. “Sự tương tác giữa mô hình ROMS và WRF trong hệ thống mới chỉ theo một chiều, ngoài ra, chúng tôi muốn kéo dài thời gian dự báo thời tiết lên 48 giờ nhưng vẫn đảm bảo độ chính xác theo yêu cầu”, PGS.TS. Trần Ngọc Anh cho biết.

Cơ hội thương mại hóa

Sự hỗ trợ của dự án FIRST kết hợp với năng lực và kinh nghiệm sẵn có của CEFD đã giúp tiềm năng thương mại hóa dữ liệu khí tượng thủy văn đã trở thành hiện thực. Ngay trong quá trình thực hiện dự án, CEFD đã kí kết biên bản ghi nhớ và thỏa thuận hợp tác cung cấp dữ liệu khí tượng thủy văn cho các tổ chức tư vấn và xây dựng điện gió như CTV Wind, Deltares,… “Những dữ liệu này có vai trò hết sức quan trọng đối với việc thiết kế, xây dựng và vận hành hiệu quả các nhà máy điện gió ở ngoài khơi”, PGS.TS. Trần Ngọc Anh cho biết. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp lớn như tập đoàn Vingroup, FLC,… có nhu cầu dữ liệu khí tượng hải văn phục vụ việc xây dựng các khu nghỉ dưỡng và công trình ở khu vực ven biển cũng trở thành khách hàng của CEFD.

Một thuận lợi lớn của CEFD là việc ứng dụng dữ liệu khí tượng trong các hoạt động sản xuất kinh doanh ở Việt Nam ngày càng phổ biến. Gần đây, Vietnam Airlines đã sử dụng thông tin dự báo thời tiết do Tổng Cục khí tượng thủy văn phối hợp với một số đơn vị nghiên cứu của Nhật Bản cung cấp và giảm bớt số chuyến bay phải quay đầu do điều kiện thời tiết bất lợi. “Trong tương lai gần, chúng tôi muốn thương mại hóa các dữ liệu này thông qua các ứng dụng trên điện thoại, cung cấp bản tin dự báo phù hợp cho từng đối tượng khách hàng”, anh cho biết.