Nhiều nhà khoa học Việt Nam đã có thể trở thành nạn nhân của các tạp chí chất lượng kém. Bài viết dưới đây phân tích cách
nhận diện tạp chí chất lượng kém, giúp các cơ quan như Bộ KH&CN, Hội đồng
Chức danh Giáo sư Nhà nước và các trường đại học ở Việt Nam nâng cao chất lượng
quản lý khoa học.
Có cung ắt có cầu
Có bình duyệt là yếu tố đầu tiên để
phân biệt tập san khoa học (peer-reviewed journals) với các tạp chí (magazine).
Để được đăng bài trên tập san có bình duyệt, bài nghiên cứu phải trải qua quy
trình phản biện, đánh giá, xét duyệt và chấp nhận của các đồng nghiệp. Việc
bình duyệt bài báo có thể theo thể thức phản biện kín hai chiều (double-blind
peer review), có nghĩa phản biện và tác giả đều không biết danh tính của nhau;
hoặc phản biện kín một chiều (single-bind peer review) là thể thức mà tác giả
không biết danh tính của phản biện; hoặc phản biện mở (open peer review) là
hình thức bình duyệt công khai danh tính của cả tác giả và phản biện. Mỗi
phương thức bình duyệt đều có ưu và nhược điểm riêng, nhưng nhìn chung ở những
tập san uy tín đều được thực hiện rất nghiêm túc.
Với áp lực công bố quốc tế ngày càng
tăng trong cộng đồng khoa học, số bản thảo gửi tới các tạp chí tăng nhanh trong
khi số lượng tạp chí thì có hạn, thì sự ra đời của các tập san kém chất lượng
hay tập san chất lượng kém là tất yếu. Đó là các tập san không có bình duyệt
của các phản biện, hoặc bình duyệt qua loa, sơ sài. Thường thì đó là các tạp
chí truy cập mở, và tác giả phải đóng phí xuất bản từ 200 USD cho tới vài ngàn
USD.
Đáng lưu ý là một số tạp chí chất
lượng kém lại nằm trong danh mục Scopus của Elsevier, dù chỉ rất ít thôi.
Nguyên nhân có thể do những năm đầu khi làm hồ sơ xét chọn vào Scopus, những
tạp chí này tuân thủ đúng quy trình phản biện nghiêm túc, nhưng sau khi vào
được Scopus rồi thì các tạp chí này tối đa hóa lợi nhuận bằng cách tăng số Tập
(Volume) và Số (Issue) và số bài trong một Số, để tăng lượng phí từ tác giả nộp
cho tạp chí.
Một ví dụ có thể thấy rõ là Tập san International Journal of Applied Business and Economic Research bị loại ra khỏi danh mục Scopus kể từ Vol 15, Issue 24 (các xuất
bản từ sau đó sẽ không trong danh mục Scopus; tương tự, tạp chí Mediterranean
Journal of Social Sciences cũng bị loại khỏi danh mục Scopus từ Tập 7 năm
2016).
Tuy nhiên, cần lưu ý là không phải
mọi tạp chí truy cập mở thu phí đều là chất lượng kém. Một số nhà xuất bản uy
tín (như Elsevier, Springer, Taylor& Francis, Wiley, Sage,..) vẫn có tạp
chí truy cập mở thu phí xuất bản, hoặc miễn phí hoàn toàn hay một phần cho các
nước có thu nhập thấp như Việt Nam. Một số tập san mở khác, như Plos One, thu
phí cao nhưng không phải tập san chất lượng kém. Một số tạp chí quốc tế trong
danh mục ISI của một số trường đại học hay viện nghiên cứu của các nước Đông Âu
trước đây vẫn thu phí xuất bản nhưng đó là các tạp chí uy tín, ví dụ như
Agriculrual Economics thuộc Viện Nghiên cứu Nông nghiệp của Cộng hòa Czech,
hoặc tạp chí E&M Economics and Management, xuất bản bởi Đại học Technická
univerzita v Liberci, có thu phí sau khi bài báo được chấp nhận xuất bản.
Ngược lại, một số tạp chí không truy
cập mở, nhưng thu phí nộp bài (submission fee) cũng rất dễ làm cho nhiều học
giả Việt Nam hiểu lầm là tạp chí chất lượng kém như Economics Letters (SSCI),
Economic Modelling (SSCI), hay Applied Economics (Taylor & Francis) - những
tạp chí này đều thu một khoản phí nộp bài từ 100-200 USD.
Chọn mặt gửi vàng
Hiện nay, bài báo ISI, Scopus được
sử dụng như một tiêu chí xét thưởng cho các giảng viên; phong hàm GS, PGS; hay
bình xét đề tài, giải thưởng… Để tránh vinh danh nhầm người, hay đầu tư lãng
phí cho những đề tài nghiên cứu chất lượng thấp, cũng như để các nhà nghiên cứu
tìm đúng nơi “chọn mặt gửi vàng”, việc xây dựng một danh mục các tạp chí uy tín
cho các bên tham khảo là hết sức cần thiết.
Theo thông tư 37/2014/TT-BKHCN, các
đề tài do Quỹ Nafosted chỉ được nghiệm thu khi kết quả nghiên cứu được công bố
trên các tạp chí quốc tế uy tín, bao gồm tạp chí trong danh mục ISI, SSCI, AHCI
và tạp chí Scopus. Ngoài ra, thông tư 37 cũng quy định những tạp chí quốc tế
khác ngoài danh mục ISI, Scopus, gồm: tạp chí của các trường đại học trong Top
100 trường đại học theo bảng xếp hạng của THE; tạp chí được xuất bản bởi các
nhà xuất bản uy tín: Elsevier, Springer, Taylor & Francis, Wiley, Sage,
Emerald, Degruyter, World Scientific Publishing…
Như vậy, căn cứ theo danh sách gợi ý
của Quỹ Nafosted, các nhà khoa học đã có một danh mục khá đồ sộ các tạp chí uy
tín và bao trùm nhiều lĩnh vự c để yên tâm gửi bài. Với những tạp chí nằm ngoài
đề xuất của Quỹ Nafosted, các nhà nghiên cứu chỉ nên gửi bài cho những tạp chí
không thu phí xuất bản, phí nộp bài bởi chỉ những tạp chí uy tín mới có khả
năng huy động kinh phí xuất bản từ việc bán cơ sở dữ liệu của mình cho các
trường đại học hoặc xin được tài trợ từ các trường đại học, viện nghiên cứu,
hiệp hội, mà không quá phụ thuộc vào việc thu phí của tác giả bài báo.
Bài viết có sự tham khảo tư liệu từ
nhiều website.
Trong vòng 4 năm gần đây đã có tới
197 tạp chí bị loại khỏi danh mục Scopus, tuy nhiên, nhiều tạp chí dù đã bị
loại song trên web của mình vẫn ghi là tạp chí trong danh mục Scopus (ví dụ:
Asian Journal of Agricultural Research, http://scialert.net/jindex.
php?issn=1819-1894).
Hiện nay, một số trường đại học trên thế giới đã đưa ra danh mục tạp chí có
vấn đề, có thể là chất lượng kém, và khuyến cáo tác giả tránh gửi bài (tham
khảo: https://guides.library.yale. edu/c.php?g=296124&p=1973764;
http://www.mymnps.org/index.php/news/42-listof-predatory-and-good-open-access-journals).
Ở trong nước, trường Đại học Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội và Đại học Kinh tế
TP.HCM cũng có khuyến cáo về danh mục tạp chí uy tín và tạp chí chất lượng
kém(http://ueb.edu.vn/newsdetail/ve_pp/15228/gioi-thieu-cach-thuc-kiemtra-do-uy-tin-cua-cac-tap-chi-quoc-te.htm).
Các cơ quan quản lý khoa học, các trường đại học có thể tham khảo các danh
sách nói trên để khuyến cáo các tác giả không gửi bài tới. Bên cạnh đó, các
quỹ bình xét đề tài, giải thưởng hay Hội đồng Chức danh Giáo sư nhà nước cũng
cần bổ sung thêm nhân lực có kinh nghiệm công bố quốc tế để liên tục sàng lọc
các tạp chí chất lượng kém khỏi danh mục xét chọn.
|
Trần
Quang Tuyến (TS, ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội; Thành viên hội đồng ngành Kinh
tế, Quỹ Nafosted)