Nói cho cùng, ở đâu, thời nào, dưới hình thức kinh tế nào, nhà nước đều có vai trò rất đáng kể, nếu không nói quyết định, cho công cuộc đổi mới sáng tạo của một xã hội để “mua vui cũng được một vài trống canh” với bạn đọc.
Trong cuộc đấu tranh để sinh tồn, các sinh vật và động vật đã làm nhiều cuộc tiến hóa. Những cái gì thích nghi nhất sẽ tồn tại. Thế giới loài người cũng đã trải qua một cuộc tiến hóa không kém khắc nghiệt. Những quốc gia, dân tộc nào biết thích nghi thì sẽ tồn tại và phát triển. Lịch sử tiến hóa của nhân loại là lịch sử của những đổi mới sáng tạo, từ thời hái lượm, săn bắn, đồ đá, đồ đồng, đến cuộc cách mạng nông nghiệp vĩ đại khoảng mười
nghìn năm trước và sự sáng tạo ra chữ viết, rồi đến hai thế kỷ 18, 19 lúc cuộc cách mạng công nghiệp thế giới diễn ra đầu tiên, và sự cạnh tranh sinh tồn tiếp tục ngày càng quyết liệt.
Chúng ta nhìn lại lịch sử đôi chút. Châu Âu là vùng đất có lẽ duy nhất mà lịch sử của nó không ngừng đổi mới sáng tạo, từ triết học, văn hóa, tôn giáo, chính trị, đến khoa học, công nghệ. Đại học thời trung cổ, thế kỷ 12, 13 là một đổi mới sáng tạo rất lớn, khúc quanh rất quan trọng, như Peter Drucker nhận xét, mà các nền văn minh khác không có.
Kỹ thuật in Gutenberg là một đổi mới sáng tạo có tác động rất lớn lên sự hình thành khoa học, công nghệ, truyền bá văn hóa, giáo dục và kích thích sáng tạo. Công nghệ luyện kim, chế tạo vũ khí, hình thức kinh tế luôn luôn đổi mới không ngừng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nghe giới thiệu về dự án thiết bị bay siêu nhẹ ứng dụng cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Techfest 2017. Ảnh: Lê Hằng
Nhưng cuộc đổi mới sáng tạo có lẽ lớn nhất, mạnh mẽ nhất là cách mạng công nghiệp diễn ra ở cuối thế kỷ 18 tại Anh với sự ra đời của máy hơi nước, máy dệt và công xưởng. Đó là khúc quanh lớn nhất của lịch sử. Nó đem lại sức mạnh vô cùng lớn lao cho Anh quốc và tạo ra bất đối xứng trong cán cân quyền lực giữa các quốc gia trên thế giới.
Các quốc gia đi sau không có con đường nào khác là phải đổi mới sáng tạo và phải bắt kịp, đặc biệt Đức và Nhật. Họ phải đốt giai đoạn, huy động mọi tiềm lực con người và quốc gia. Đó là giai đoạn “đổi mới sáng tạo - hoặc tiêu vong”. Nhà nước phải vào cuộc với vai trò quyết định. Điều đó cũng sẽ đúng cho tất cả các quốc gia lạc hậu muốn đổi mới vươn lên ngang bằng các quốc gia đi trước.
Nhật Bản, đúng 150 năm trước đã ý thức, và đã làm một cuộc cách mạng đổi mới sáng tạo triệt để đầu tiên ở châu Á bao trùm toàn xã hội. Họ xóa bỏ giai cấp thống trị truyền thống samurai để tạo bình đẳng cho mọi công dân đóng góp cao nhất.
Nước Đức nửa thế kỷ trước đó, sau khi bị quân đội của Napoleon đánh sập trong một đêm, đã quyết định giải phóng nông nô, tuyên bố mọi công dân đều có quyền kinh doanh, công nhận quyền tư hữu, và xây dựng luật pháp cho một nền kinh tế hiện đại theo tinh thần của Adam Smith.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Singapore Yaacob Ibrahim nhắc lại mục tiêu trở thành "Quốc gia thông minh" tại triển lãm CommunicAsia/Enterprise IT/Broadcast Asia 2015. Nguồn: businesstimes.com.sg
Họ thiết lập đại học đẳng cấp kiểu mẩu - một đổi mới sáng tạo có tầm vóc quốc tế - sau này được gọi là Đại học Humboldt, tập trung nghiên cứu khoa học và học thuật, phát triển khoa học mạnh mẽ, góp phần quyết định vào sự thành công của công nghiệp hóa và làm đại học mẫu cho các đại học tân tiến sau này trên thế giới. Đại học Humboldt là khúc quanh trọng đại của nghiên cứu khoa học.Trong khi đó vua quan và nho sĩ Việt Nam bị ý thức hệ Tống nho và cái học làm quan che mắt nên đã không có cuộc đổi mới.
Đó là “bệnh truyền thống”, hay “bệnh văn hóa”. Nửa sau thế kỷ 20, châu Á nổi lên như cái nôi của đổi mới sáng tạo thành công ngoạn mục, hay đáng kinh ngạc nhất thế giới. Hàn Quốc, Đài Loan, HongKong, Singapore liên tiếp trở thành các con rồng châu Á. Rồi đến Trung Quốc mạnh mẽ hôm nay.
Đặc điểm của các quốc gia đó là họ có các nhà nước đổi mới sáng tạo kích hoạt và ảnh hưởng mạnh mẽ lên sự đổi mới của toàn xã hội, định hình và dẫn dắt kinh tế. Nhưng linh hồn bao trùm của các quốc gia này là tình yêu nước nồng nàn và sự đồng thuận trên dưới một lòng của toàn dân, không muốn chịu thua kém, lạc hậu.
Quá khứ và truyền thống là những yếu tố có ảnh hưởng mạnh mẽ lên hiện tại và tương lai, ở châu Á và đặc biệt ở châu Mỹ La tinh, những thứ như một “lỗ đen” không muốn cho phép con người thoát ra để làm người hiện đại.
Nhà nghiên cứu sử học Pháp Fernand Braudel viết: “Chẳng phải sau cùng, ở mức độ lớn, hiện tại là người tù của một quá khứ hay sao, một quá khứ dai dẳng. Những sự khác biệt hay tương đồng, là chìa khóa không thể thiếu cho mọi sự hiểu biết nghiêm chỉnh của hiện tại?” Nói cho cùng, tuy đều là châu Á, nhưng các quốc gia chịu những luồng ảnh hưởng văn hóa khác nhau trước khi hình thành hay không nền công nghiệp hóa.
Nhật Bản ảnh hưởng lên Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore; Hàn Quốc chịu thêm ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong thời kỳ chiến tranh Triều Tiên; Việt Nam chịu ảnh hưởng của Trung Hoa, Pháp và rồi Nga, Trung Quốc; Anh quốc ảnh hưởng lên Hồng Kông, Singapore, Malaysia; Indonesia chịu ảnh hưởng của Hà Lan; Trung Quốc chịu ảnh hưởng của nhiều nước phương Tây rất lâu nếu tính từ các nhà truyền giáo từ thế kỷ 17, và gần nhất là từ Nga. Ảnh hưởng của các quốc gia này có tác dụng nhất định.
Đại học thời trung cổ là một đổi mới sáng tạo rất lớn của châu Âu mà các nền văn minh khác không có. Trong ảnh: Đại học Salamanca được thành lâp năm 1134 ở Tây Ban Nha.
Nguồn: globalandinternationalstudies.com
Marx cũng từng viết: “Truyền thống và những thế hệ trước giống như cơn ác mộng nằm trong đầu của những người đang sống”. Dĩ nhiên, trong chừng mực, con người cũng có tính tự chủ trong nhận thức. Ngày nay các tiến bộ công nghệ bày ra khắp thế giới, ai cũng thấy được để quyết định số phận của mình.
Các nhà nước đổi mới sáng tạo của các con rồng châu Á có đặc tính “thực dụng”, không lý thuyết, không theo một học thuyết cứng nhắc. Đặc trưng nhất là Thủ thướng Lý Quang Diệu của Singapore như ông diễn tả: “Tôi đuổi bắt các ý tưởng, miễn là chúng đem lại kết quả. Nếu không, tôi nói, xem này, ý tưởng này có thể nghe hay đấy, nhưng thôi chúng ta hãy đi tìm cái gì khác hoạt động có hiệu quả đi”.
* * *
Nhà nước đã tiến hóa từ vai trò của triết lý “hãy để nhân dân tự làm’’ (laissez-faire) của Adam Smith(1776), càng ít sự can thiệp càng tốt, chính quyền càng nhỏ càng tốt; sang vai trò của nhà làm chính sách cho đổi mới sáng tạo của quốc gia, hỗ trợ cuộc công nghiệp hóa; đến vai trò can thiệp quy mô hơn có định hướng vào kinh tế ở các quốc gia phát triển, như được thể hiện qua quan điểm của John Maynard Keynes:
Điều quan trọng đối với Chính phủ không phải là làm những việc mà cá nhân đang làm, và (chỉ) để làm chúng một chút tốt hơn hoặc xấu hơn một chút; nhưng để làm những việc mà hiện tại hoàn toàn không ai làm.
Lúc đầu, sự can thiệp của Keynes nhằm mục đích loại bỏ các chu kỳ khủng hoảng kinh tế của chủ nghĩa tư bản, bằng cách đầu tư vào một số khu vực cần thiết để kích cầu, duy trì công ăn việc làm, và mức sống của người lao động.
Minh họa sự đầu tư của các cơ quan nhà nước Mx vào các bộ phần công nghệ thiết yếu để iPod và iPad ra đời. (DARPA: Cơ quan đặc trách kế hoạch nghiên cứu quốc phòng cao cấp, Bộ Quốc Phòng; DoE: Bộ Năng lượng; Đo: Bộ Quốc phòng; NIH: Các viện Y tế quốc gia; NSF: Quỹ Khoa học quốc gia; CERN: Tổ chức Nghiên cứu hạt nhân châu Âu).
Nguồn: Mariana Mazzucato, The Entrepreneurial State: Debunking the Public vs. Private Sector Myths
Nhưng, vào những thập niên sau của thế kỷ 20, người ta chứng kiến nhà nước Mỹ và một số nước công nghiệp hóa đã vượt khỏi vai trò cổ điển là chỉ tài trợ nghiên cứu khoa học cơ bản và xây dựng cơ sở hạ tầng tri thức cho xã hội. Chính quyền tự tham gia đầu tư vào những công nghệ cơ bản cho tương lai và quốc phòng, với tư cách là nhà kinh doanh sáng tạo.
Đây là giai đoạn phát triển “táo bạo” của nhà nước ở vai trò nhà đầu tư mạo hiểm. Sơ đồ minh họa sau đây cho thấy sự “can thiệp” vào các công nghệ cao giúp cho Apple cất cánh: Nhà nước Mỹ, vốn từng có nhiều đổi mới sáng tạo đáng kể trong lịch sử, từ Abraham Lincoln, đến Franklin D. Roosevelt, Truman, Eisenhower của thời sau Thế chiến II, chịu đầu tư vào các “ngôi sao” công nghệ đang lên, để các ý tưởng lớn của họ cất cánh.
Nhà nước trở thành “đầu tàu”, làm cho giới đầu tư tư nhân can đảm lên để cùng đầu tư vào những đề án tốn kém và đầy rủi ro. Nhưng các diễn viên chính trên sân khấu kinh tế vẫn là các cá nhân.
Đây là một “hệ sinh thái” giữa nhiều bên, cùng làm ăn, cùng chia lợi nhuận và rủi ro. Nhà nước đầu tư loại này được gọi là “nhà nước phát triển” (developmental state).
Đây là một bước phát triển hoàn toàn mới. Nó phá vỡ “huyền thoại” về vai trò nhà nước thụ động, và vai trò thị trường có tính quyết định tất cả như bấy lâu nay. Không có họ, những ý tưởng tuyệt vời của Steve Jobs có thể chỉ là những “đồ chơi” trẻ con (Mariana Mazzucato). Không riêng gì Mỹ, mà các quốc gia công nghiệp đều làm thế, Nhật, Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc, trong những mức độ khác nhau, trong những ngành công nghiệp mũi nhọn tương lai, như công nghệ nano, công nghệ sinh học, năng lượng, cách mạng xanh…
Bản chất của nền kinh tế, tư bản chủ nghĩa hay thị trường, theo Joseph Schumpeter, “không là, và không thể dẫm chân một chỗ. Nó cũng không phải chỉ mở rộng một cách đều đều mà nó không ngừng được cách mạng từ bên trong bởi loại hình kinh doanh mới, nghĩa là bởi sự xâm nhập của các hàng hóa mới, phương pháp sản xuất mới, các cơ hội thương mại mới vào cấu trúc công nghiệp của nó đang tồn tại”.
Đầu tư vào các công nghệ cao mới, do đó, góp phần chống đỡ hữu hiệu hơn các cuộc khủng hoảng kinh tế khó giải quyết bằng những biện pháp cổ điển như chính sách thắt lưng buộc bụng, hay cứu vớt ngân hàng. Đầu tư vào công nghệ cao chiến lược là liệu pháp táo bạo, và nếu thành công, rất hữu hiệu cho nhiều thế hệ.
Đổi mới sáng tạo, theo Schumpeter, luôn luôn là động lực thúc đẩy tăng trưởng trong một nền kinh tế tri thức. Và theo Keynes, chỗ nào khu vực tư nhân bỏ trống, hay nhút nhát, thì nhà nước phải mạnh dạn đầu tư – một cách khôn ngoan và sáng tạo. Đầu tư vào những công nghệ mới thường rất tốn kém mà khu vực tư nhân có thể không dám đảm nhận một mình.
Kinh tế thị trường không phải chỉ phát đạt vì tự nó, không có sự can thiệp của nhà nước. Nó cũng “nhát gan” lắm. Sự can thiệp của Keynes giờ đây đạt tới cấp độ cao chưa từng có. Nhưng nhà nước vẫn là nhà nước, không làm thay những gì tư nhân làm được. Đó cũng không phải là “kinh tế nhà nước”. Nhà nước chỉ là một nhà đầu tư, tuy lớn, nhưng trong một vùng đất đầy rủi ro, như các nhà đầu tư khác.