Trao đổi với Khoa học và Phát triển, PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM (ĐHQG-HCM) cho rằng, người lao động phải sở hữu những “kỹ năng làm người” để không bị thay thế bởi robot.

Trường đại học phải có năng lực dự báo

Theo ông, trường đại học phải làm gì để đào tạo được nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu từ cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4?

Theo tôi, các trường đại học trước hết phải có năng lực dự báo những thay đổi trong các ngành công nghiệp và nguồn nhân lực, từ đó nhanh chóng điều chỉnh cũng như mở mới các chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu mới của công nghiệp.

Ngoài ra, cần hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, đẩy mạnh số hóa nội dung dạy và học, từng bước đa dạng hóa các hoạt động học tập với hàm lượng học tập trực tuyến ngày càng tăng nhằm cung cấp cho người học trải nghiệm học tập cá nhân hóa với khả năng học mọi lúc, mọi nơi và theo nhu cầu riêng của mỗi người.

PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM. Ảnh: Loan Lê

ĐHQG-HCM đã xây dựng kế hoạch nào theo đường hướng đó, thưa ông?

Với mục tiêu từng bước kiến tạo các điều kiện để sinh viên làm chủ việc học của mình, ĐHQG-HCM đã có khá nhiều hành động cụ thể.

Về mặt pháp lý, quy chế đào tạo của ĐHQG-HCM cho phép các trường đại học thành viên ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tổ chức đào tạo qua mạng, công nhận tối đa 20% tổng số tín chỉ của toàn bộ chương trình đào tạo theo hình thức đào tạo qua mạng đối với các chương trình đào tạo chính quy.

Về mặt công nghệ, chúng tôi chủ trương xây dựng khu đô thị ĐHQG-HCM thành khu đô thị đại học thông minh nhằm cung cấp cho sinh viên trải nghiệm học tập mới: học tập mọi lúc, mọi nơi và theo kế hoạch riêng của mình.

Theo báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2016, để thành công trong thế kỷ 21, sinh viên cần sở hữu 16 kỹ năng nền tảng chia thành 3 nhóm: (1) các kỹ năng làm việc căn bản, trong đó quan trọng là các kỹ năng STEM; (2) các kỹ năng liên quan đến khả năng giải quyết các vấn đề phức tạp; và (3) các kỹ năng cho phép thích ứng nhanh trước sự thay đổi của môi trường. Báo cáo này là tham khảo quan trọng để chúng tôi xác định chuẩn đầu ra cho các chương trình đào tạo.

Còn theo UNESCO, 4 trụ cột của việc học bao gồm: (1)học để biết (learn to know); (2) học để làm (learn to do); (3) học để sống (learn to be) và (4) học để sống với người khác (learn to live together). Trong đó, học làm người đồng nghĩa với học để sống và học để sống với người khác.

Do vậy, chúng tôi thấy rằng, để thành công và không bị thay thế bởi robot (chỉ giỏi các kỹ năng liên quan đến các trụ cột (1) và (2)),sinh viên cần được trang bị các kỹ năng làm người, tức những kỹ năng liên quan đến các trụ cột (3) và (4).

Tại phòng thí nghiệm trọng điểm Nghiên cứu và Ưng dụng tế bào gốc, các nhóm nghiên cứu trẻ có thể làm việc 24/24 giờ. Ảnh do ĐHQGHCM cung cấp

ĐHQG-HCM đang làm gì để trang bị cho sinh viên của mình những kỹ năng đó?

Để nâng cao chất lượng giảng dạy, hơn 10 năm qua ĐHQG-HCM tiên phong trong cả nước về triển khai ứng dụng công nghệ CDIO (viết tắt của các từ Conceive–Hình thành ý tưởng, Design – Thiết kế, Implement – Triển khai/Thực thi, Operate – Vận hành) cho cả các ngành kỹ thuật và phi kỹ thuật. Bản chất của CDIO là tạo ra bối cảnh công nghiệp ngay trong đại học để qua đó sinh viên trải nghiệm và tích lũy các kiến thức, kỹ năng cần thiết mà công nghiệp yêu cầu.

Với sự phát triển của khoa học và công nghệ, học tập cá nhân hóa đang dần trở nên thực tế; người học đang thực sự trở thành trung tâm và là người sở hữu quá trình học tập của mình, có vai trò quyết định đến kết quả học tập của chính mình. Việc trao quyền sở hữu việc học trở về cho người học là yêu cầu tất yếu khách quan, mang tính bắt buộc khi mà dưới tác động của khoa học và công nghệ thì thế giới thay đổi nhanh hơn, khó lường hơn và để có thể thích ứng và thành công, con người phải có năng lực học tập suốt đời.

Như vậy yêu cầu đặt ra với sinh viên ngày nay là phải thực thi có hiệu quả quyền sở hữu việc học của mình, tức phải chủ động trong việc quyết định mình học gì, học khi nào, và học ở đâu. Trách nhiệm của đại học là kiến tạo các điều kiện pháp lý và công nghệ để sinh viên có thể thực hiện quyền làm chủ việc học của mình.

Tích hợp tư duy khởi nghiệp vào các ngành đào tạo

Sáng tạo được coi là một phẩm chất độc quyền của con người. Như vậy để không bị “đánh bại” bởi robot, chúng ta cần không ngừng nâng cao năng lực sáng tạo. Gần đây, chúng ta có thể thấy doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngày càng khẳng định vai trò của mình qua việc tạo ra nhiều sản phẩm/dịch vụ có giá trị, góp phần phát triển xã hội. Là nơi khám phá tri thức mới thông qua nghiên cứu khoa học, theo ông, trường đại học có thể khơi dậy tinh thần đổi mới sáng tạo bằng những cách nào và quan điểm đó đang được hiện thực hóa ở ĐHQG-HCM ra sao?

Thực tiễn phát triển cộng đồng khởi nghiệp tại các nước cho thấy vai trò của đại học giới hạn ở ba nhiệm vụ chính: là nguồn cung tài năng, bao gồm các doanh nhân khởi nghiệp, nhà quản lý và nhà chuyên môn; là nguồn cung công nghệ; và là nơi tạo điều kiện tiếp cận cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm với chi phí thấp phục vụ cộng đồng khởi nghiệp.

Trên tinh thần đó, từ năm 2014, ĐHQGHCM đã từng bước thí điểm xây dựng một môi trường tổng thể (Holistic) giúp sinh viên trải nghiệm, khám phá và tích lũy các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp, giai đoạn đầu tập trung vào lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông. Môi trường tổng thể đó bao gồm các yếu tố: một hệ sinh thái khởi nghiệp tại Khu Công nghệ Phần mềm ĐHQG-HCM (ITP), gắn chặt với hệ sinh thái khởi nghiệp tại TP.HCM; một chương trình thúc đẩy khởi nghiệp do UBND TP.HCM tài trợ; các hoạt động bên lề về khởi nghiệp để nâng cao nhận thức, nâng cao kỹ năng và quan trọng hơn là gắn kết sinh viên với cộng đồng khởi nghiệm.

Những kết quả thí điểm ban đầu tại Khu Công nghệ Phần mềm ĐHQG-HCM được Thủ tướng Chính phủ, Bí thư thành ủy TP.HCM đặc biệt đánh giá cao trong các kết luận làm việc với ĐHQG-HCM. Trong đó, Hệ sinh thái khởi nghiệp là tập hợp các doanh nghiệp khởi nghiệp và các bên liên
quan khác, bao gồm nhưng không giới hạn các tổ chức hỗ trợ, các tổ chức tài trợ vốn, các doanh nghiệp lớn, các trường đại học/viện nghiên cứu, các nhà cung cấp dịch vụ,... có mối quan hệ hữu cơ.

Đoàn trí thức kiều bào bên mô hình Hệ thống sản xuất linh hoạt (Flexible Manufacturing System) do sinh viên năm thứ 1 thực hiện trong chuyến tham quan Đại học Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia TPHCM, tháng 11/2016. Ảnh: Ngọc Lý

Thời gian tới, các hoạt động đó tiếp tục được thúc đẩy theo hướng nào, thưa ông?

Trong giai đoạn sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh mở rộng phạm vi ngành nghề và quy mô của các hoạt động trên trong phạm vi toàn ĐHQG-HCM. Năm 2017, chúng tôi đã thành lập Quỹ khởi nghiệp ĐHQG-HCM với sự đóng góp từ các doanh nghiệp như Tập đoàn Hoa Sen, Tập đoàn liên Thái Bình Dương với kinh phí lên đến 11 tỷ đồng và thành lập Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ĐHQG-HCM - làm đầu mối điều phối hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trong toàn ĐHQGHCM. Quỹ tập trung tài trợ cho các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, năng lực về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và đối tượng thụ hưởng là sinh viên, giảng viên trong và ngoài hệ thống ĐHQG-HCM.

Xin được nhấn mạnh, Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ĐHQG-HCM được thành lập trong khuôn khổ chương trình hợp tác chung giữa ĐHQG-HCM và Bộ Khoa học và Công nghệ. Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ nghiên cứu cơ chế đặt hàng dài hạn cho ĐHQG-HCM để triển khai các giải pháp thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong đại học.

Đó là ở cấp ĐHQG-HCM, còn ở các trường đại học thành viên của ĐHQG-HCM cũng sẽ hình thành môi trường hỗ trợ khởi nghiệp riêng của mình. Đặc biệt, trường Đại học Bách khoa đang hợp tác với doanh nghiệp theo hình thức hợp tác công tư (PPP) để xây dựng một môi trường hỗ trợ khởi nghiệp hiện đại cho sinh viên như cung cấp không gian làm việc chung; hỗ trợ các giảng viên, cựu sinh viên ươm tạo thành công một số doanh nghiệp như iNext Technology, Vietcontrol với doanh số trên 15 tỷ đồng/năm. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ thí điểm tích hợp đào tạo tư duy khởi nghiệp vào các ngành đào tạo hiện hữu.

Năm 2011 chúng tôi đã thành lập Trung tâm Sở hữu trí tuệ và Chuyển giao công nghệ ĐHQG-HCM và sắp tới, chúng tôi sẽ tích hợp hoạt động của Trung tâm vào tổng thể hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của ĐHQG-HCM nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động khai thác thương mại các kết quả nghiên cứu. Cũng với mục đích này, chúng tôi sẽ triển khai các hoạt động kết nối giữa nhà khoa học với các doanh nhân khởi nghiệp, lãnh đạo các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Ông vừa nhắc tới hợp tác giữa trường - viện nghiên cứu và doanh nghiệp, một đặc trưng của mô hình đại học nghiên cứu. Vậy theo ông, đâu là nền tảng cho sự hợp tác này?

Thực tiễn tại các nước cho thấy mô hình hợp tác ba nhà (nhà trường, nhà nước và nhà doanh nghiệp) là một mô hình hiệu quả để thúc đẩy quá trình ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Các trung tâm sáng tạo, các công viên khoa học hay khu công nghệ cao về bản chất là hình thành các điều kiện để tăng cường sự hợp tác của ba chủ thể này. Tại ĐHQG-HCM, chúng tôi hình thành nên Khu
Công nghệ Phần mềm ITP cũng không ngoài mục đích đó.

Cũng cần nói thêm rằng trong bối cảnh của cách mạng công nghiệp 4.0 thì mô hình hợp tác ba nhà đang được dần thay thế bằng mô hình hợp tác bốn nhà, với sự xuất hiện của chủ thể thứ tư là người sử dụng, hay khách hàng. Mô hình thành phố thông minh mà một số tỉnh thành tại Việt Nam đang theo đuổi về bản chất là hiện thực của mô hình bốn nhà, trong đó vai trò của người dân được đặc biệt đề cao.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

ĐHQG-HCM có 11 phòng thí nghiệm trọng điểm, 02 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, cùng các viện và trung tâm nghiên cứu. Trong đó, tại Phòng thí nghiệm trọng điểm Nghiên cứu và Ứng dụng Tế bào gốc, các nhóm nghiên cứu trẻ có thể làm việc 24/24 giờ.

Trường cũng khuyến khích và tạo điều kiện cho sinh viên nghiên cứu gắn với thực tiễn. Vừa qua, sinh viên Phan Thanh Kỳ Sâm,trường Đại học Bách khoa, có sản phẩm máy in 3D cơ cấu Carteslan, có thể ứng dụng rộng rãi trong công nghiệp,đã được một số công ty hợp tác để triển khai ứng dụng,và được đăng ký giải pháp hữu ích tại Cục Sở hữu trí tuệ.

Riêng về hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, hiện Khu Công nghệ Phần mềm ITP đã và đang hỗ trợ 40 dự án, với khoảng 1/3 trong số đó đã gọi được vốn đầu tư ươm mầm (seed fund) và vòng pre-Series A. Các dự án khởi nghiệp này trực tiếp tạo ra hơn 300 việc làm và là môi trường thực tập của hàng trăm sinh viên mỗi năm.