Trong vòng 10 năm, từ 2009 đến 2018, số bài nghiên cứu của Việt Nam công bố trên các ấn phẩm quốc tế được Scopus chỉ mục tăng gần 5 lần, một con số thật sự ấn tượng và đáng tự hào. Nhưng liệu chúng ta có nên ở mãi trong “cơn say” công bố quốc tế?
Thực tiễn hoạt động khoa học trong khoảng 10 năm trở lại đây ghi nhận nhiều nỗ lực, sáng kiến của cả chính phủ cũng như các cơ sở nghiên cứu và giáo dục đại học trong việc cố gắng đẩy nhanh mức độ hội nhập quốc tế trong nghiên cứu khoa học. Điểm tương đối tương đồng giữa các nỗ lực, sáng kiến này là việc áp dụng (bắt buộc hoặc khuyến khích) các chỉ mục (index) tạp chí quốc tế như ISI Clavirate Web of Science (SCIE, SSCI, AHCI, ESCI) hay Scopus làm căn cứ để đánh giá.
Chẳng hạn, Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia NAFOSTED sử dụng các chỉ mục ISI, Scopus làm căn cứ quan trọng nhất để nghiệm thu đề tài; Quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ do Nhà nước ban hành yêu cầu giảng viên hướng dẫn và điều kiện tốt nghiệp của nghiên cứu sinh phải có công trình công bố trên tạp chí thuộc danh mục ISI/Scopus hoặc các ấn phẩm quốc tế có phản biện. Bên cạnh đó, một số cơ sở giáo dục đại học như ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Duy Tân, ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH FPT... đã có quy chế thưởng cho các giảng viên có bài báo được đăng trên các tạp chí quốc tế với mức thưởng tùy theo trường và tùy theo chất lượng bài báo. Cũng ở cấp cơ sở, giảng viên/nhà khoa học khi ký hợp đồng có thể được khoán chỉ tiêu về số lượng, chất lượng công bố trên tạp chí quốc tế theo mức lương thương lượng. Nếu giảng viên/nhà khoa học có số lượng/chất lượng vượt so với chỉ tiêu thì sẽ được thưởng thêm.
Kết quả là, số công bố quốc tế của Việt Nam liên tục tăng một cách ngoạn mục. Thống kê của Đại học Quốc gia do GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, trình bày tại một hội thảo khoa học mới đây cho thấy, số công bố Scopus của Việt Nam đã tăng từ 1.764 vào năm 2009 lên 8.234 vào năm 2018, tương đương tăng 4,6 lần và trong giai đoạn này, có những năm số công bố quốc tế Scopus tăng đến 20-30%, thậm chí 40% so với năm trước.
KHXH và nhân văn: Dư địa công bố còn rất lớn
Tuy nhiên, khi đối sánh về mức độ hội nhập quốc tế, một cảm nhận chung là khoa học xã hội (KHXH) ở Việt Nam có mức độ hội nhập thấp hơn hẳn so với khoa học tự nhiên (KHTN).
Dữ liệu NVSS (Network of Vietnamese Social Sciences - Mạng lưới các nhà nghiên cứu KHXH Việt Nam) do AI Social Data Lab (thuộc Văn phòng Vuong & Associates) phát triển - một trong số ít các nghiên cứu thống kê, đánh giá định lượng mức độ hội nhập quốc tế của ngành KHXH - đã góp phần xác thực cảm nhận này.
Dữ liệu NVSS ghi nhận, tính từ 1/1/2008 đến hết 30/11/2018, có 1.070 tác giả Việt Nam, hợp tác với 1.344 tác giả nước ngoài, công bố 1.937 bài nghiên cứu trên các ấn phẩm quốc tế được Scopus chỉ mục (bao gồm tạp chí, sách và kỷ yếu hội nghị). Như vậy, tổng sản lượng công bố toàn ngành KHXH trong vòng 11 năm chỉ tương đương với tổng sản lượng công bố của một chuyên ngành trong lĩnh vực KHTN trong vòng 2-3 năm. Ví dụ, theo thống kê của Scimago (cũng lấy dữ liệu từ Scopus), trong 2 năm 2016-2017, ngành Toán ở Việt Nam công bố 1.857 bài báo; còn trong 3 năm 2015-2017, ngành Khoa học vật liệu ở Việt Nam công bố 2.144 bài báo (Scimago, 2018).
Mặc dù vậy, nếu nói KHXH Việt Nam không hoặc chưa hội nhập quốc tế thì không thật chính xác. Thậm chí, chuyên ngành khoa học chính trị vốn được xem là “nhạy cảm” thì cũng đã có 67 bài công bố trong 11 năm, chứng tỏ không phải là không có những bộ phận nhất định trong ngành này đã có năng lực hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, số liệu NVSS cũng cho thấy, đã có 26,4% tác giả có ít nhất 01 bài solo và 40,8% số bài công bố hoàn toàn nhờ nội lực (không có tác giả không phải là người Việt Nam), điều này cho thấy dư địa phát triển và hội nhập của KHXH là rất lớn; nhất là trong bối cảnh các vấn đề nghiên cứu lấy dữ liệu từ Việt Nam còn tương đối khan hiếm (Việt Nam vẫn là một “hộp đen” trong góc nhìn của các Ban biên tập).
Nhận xét đó khá trùng với phát biểu của GS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV. Trong một bài trả lời phỏng vấn trên Vietnamnet, ông từng nói: “Công bố quốc tế trong các ngành KHXH-NV không khó hơn hoặc không khó nhiều như người ta nghĩ. Ngược lại, có nhiều thuận lợi để các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực KHXH-NV có thể có công bố quốc tế.”
Một điều đáng lưu ý là, theo dữ liệu NVSS, sản lượng công bố của ngành KHXH Việt Nam tăng tương đối đều trong 11 năm qua nhưng lại có dấu hiệu đi ngang trong khoảng 3 năm trở lại đây, trong khi số lượng tác giả mới lần đầu tiên có công bố lại đang tăng nhanh. Phải chăng, điều này hàm ý các tác giả cũ đang có dấu hiệu chững lại? Hay nói cách khác, dường như năng suất của các tác giả cũ đang bị thấp đi?
Khoa học tự nhiên: “Cơn say” công bố quốc tế có nên kéo dài?
Theo thống kê của ĐH Quốc gia Hà Nội, trong giai đoạn từ năm 2009 đến 2018, cả ngành KHTN và KHXH của Việt Nam có hơn 42.000 công bố Scopus. Còn dữ liệu NVSS ghi nhận, cũng trong giai đoạn này, Việt Nam có gần 2.000 công bố Scopus trong ngành KHXH. Hai con số trên cho ta hình dung một cách tương đối về thế thượng phong của ngành KHTN trong lĩnh vực công bố quốc tế.
Việc khuyến khích và đề cao công bố quốc tế những năm gần đây đã chính thức chấm dứt một thời kỳ dài các nhà khoa học đóng cửa làm nghiên cứu với nhau mà không cần quan tâm đến trình độ và các chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Hữu Đức, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng, ngành KHTN không nên tỏ ra quá mãn nguyện với thành tích này.
“Xa xưa, chúng ta chỉ có những thầy đồ thạo từ chương và thơ phú. Ngày nay, chúng ta tưởng rằng chúng ta đã có S [Science], đã có T [Technology] nhưng thực ra chúng ta vẫn rất academic [lý thuyết suông],” ông phát biểu tại một hội thảo khoa học mới đây. “Một giai đoạn dài, KHTN rất được quan tâm phát triển nhưng sản phẩm của KHTN bây giờ là gì? Vẫn lại là bài báo ISI. Tôi cũng nổi tiếng nhờ ISI, tôi không được chê ISI. Đó là trí tuệ của dân tộc, là impact, là tầm ảnh hưởng nhưng nếu chỉ dừng ở đó thì không thể tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của đất nước được.” Và ông nói vui, “bài báo ISI của anh em chúng ta cũng chỉ là một dạng thơ khác mà thôi, thơ ISI.”
Ở thời điểm này, để thật sự “làm lớn”, theo ông nên đề cao mô hình 3I: ISI, IP, và Innovation. “ISI thì vẫn phải làm, nhưng bên cạnh đó còn cần có IP, vì không có IP thì không thể làm Innovation”.
“Chúng ta từng được cử đi học nước ngoài rất nhiều, chúng ta có thể được dạy về Toán, Lý, Hóa… nhưng không bao giờ được dạy về innovation và sở hữu trí tuệ, chúng ta tưởng rằng khoa học chỉ có vậy, chúng ta thấy cây mà không thấy rừng,” ông nói và nhấn mạnh, thiếu hai mảnh ghép IP và Innovation chính là lý do khiến giữa các trường đại học và doanh nghiệp ở Việt Nam còn tồn tại khoảng cách.
Thực tế cho thấy trường đại học đang là nơi tập hợp lực lượng nghiên cứu hùng hậu nhất. Khai thác dữ liệu Scopus, Nhóm Thông tin Nghiên cứu của ĐH Duy Tân - DTU Research Informeta - thống kê được, chỉ trong khoảng một năm rưỡi, từ năm 2017 đến giữa năm 2018, riêng 30 trường đại học hàng đầu Việt Nam đã có 10.515 công bố Scopus. Trong khi đó, theo thống kê của ĐH Quốc gia Hà Nội, trong hai năm 2017 – 2018, cả nước có gần 15.000 công bố Scopus. Song tiềm năng lớn về tri thức đó lại chưa hề được khai thác, bằng chứng là nguồn thu của các cơ sở giáo dục đại học hiện nay chủ yếu vẫn đến từ học phí và ngân sách thường xuyên.
Các trường đại học có tri thức nhưng không có vốn để phát triển lên bước tiếp theo là thương mại hóa, trong khi doanh nghiệp không có IP nhưng lại ngại rủi ro khi đầu tư vào nghiên cứu. Trong bối cảnh đó, Innovation chính là công cụ để lấp đầy “thung lũng chết” ngăn cách giữa hai bên, GS Nguyễn Hữu Đức khẳng định.
(Bài viết có sử dụng tư liệu từ bài viết “Triển vọng hội nhập quốc tế trong khoa học xã hội tại Việt Nam: Phân tích từ dữ liệu NVSS 2008-2018” với sự đồng ý của TS Phạm Hiệp)