Nga có nhiều doanh nghiệp máy tính tỷ đô nhưng trên thực tế, lĩnh vực khoa học máy tính lại chưa có nhiều đóng góp cho ngành công nghiệp này, theo nhận xét của giáo sư Andrei Sukhov (Khoa Các hệ thông tin và Các công nghệ thông tin, trường Đại học Samara, Nga).

Yandex phát triển các hệ điều hành xe tự lái và các sản phẩm điện thoại di động.
Yandex phát triển các hệ điều hành xe tự lái và các sản phẩm điện thoại di động.

Nhờ thừa hưởng di sản Xô viết và nhận được những khoản tài trợ ưu tiên đặc biệt, các lĩnh vực có sự phát triển ở tầm cỡ thế giới như vật lý, thiên văn, khoa học trái đất, hóa học và toán học. Tuy nhiên trong một số lĩnh vực khoa học mới, Nga lại thường bị tụt hậu so với thế giới, đó là y học, khoa học nông nghiệp, công nghệ sinh học, dược phẩm, khoa học máy tính và khoa học xã hội.

Có một điểm đáng chú ý là ở Nga, có những công ty máy tính lớn trị giá tỷ USD như Yandex, Kaspersky Lab, Security Code, Playrix, và nhiều công ty khác có doanh thu hàng triệu USD mỗi năm. Họ cũng cung cấp cho các lĩnh vực công của đất nước nhiều dịch vụ viễn thông tốc độ cao và hiện đại. Nhưng những chỉ dấu về sự phát triển trong lĩnh vực khoa học máy tính như xuất bản công trình, tỷ lệ trích dẫn, số lượng bằng sáng chế và việc bán tài sản trí tuệ lại không tương xứng.

Chính phủ là nhà đầu tư chính cho nghiên cứu ứng dụng

Ở Nga, kinh phí dành cho khoa học hoàn toàn từ ngân sách liên bang thông qua các quỹ đầu tư cho khoa học cơ bản và hỗ trợ phát triển các nghiên cứu ứng dụng. Ở nhánh đầu, hai quỹ lớn là Quỹ Khoa học cơ bản Nga (RFBR), và Quỹ Khoa học Nga (RSF). Được thành lập từ năm 1992, RFBR chủ yếu cung cấp kinh phí cho các dự án nghiên cứu của cá nhân các nhà khoa học hoặc các nhóm nghiên cứu nhỏ thông qua các hồ sơ đề xuất (chiếm 60%), tuy nhiên thời gian gần đây phải “gánh” thêm việc đầu tư cho các nhà nghiên cứu trẻ, thành ra hầu hết kinh phí đổ vào mục này. Trong khi đó Quỹ RSF được thành lập năm 2013 với mục tiêu là dành kinh phí cho các dự án có quy mô lớn hơn và nhiều tham vọng hơn. Tuy nhiên có một thực tế là RSF đầu tư cho mọi ngành khoa học mà thiếu ưu tiên cho một số ngành mũi nhọn nên nguồn lực bị phân tán với 600 dự án mỗi năm, do đó có những phòng thí nghiệm tới 30 người mà chỉ được đầu tư 500.000 USD/năm.

Đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ dựa trên những kết quả nghiên cứu tiềm năng trước, có nhiều kênh hỗ trợ như Quỹ Các dự án nghiên cứu tiên tiến (Russian Foundation for Advanced Research Projects), chuyên về hỗ trợ các công nghệ có thể ứng dụng trong quốc phòng; Quỹ Xúc tiến đổi mới sáng tạo (Quỹ dành hỗ trợ cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo quy mô nhỏ về KH&CN) nhằm thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa dựa trên các kết quả nghiên cứu chuyển giao và mẫu thử nghiệm. Quỹ hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Skolkovo, nơi các doanh nghiệp mới thành lập đăng ký để hưởng các hỗ trợ về thuế.

Chính phủ Nga yêu cầu phải có sự tham gia tài trợ của các công ty độc lập cho các nghiên cứu ứng dụng, ngay cả trong số các chương trình nghiên cứu ứng dụng của chính phủ thì cũng yêu cầu có ít nhất 20% kinh phí thực hiện dưới dạng đồng tài trợ. Khi đó, công ty tư nhân tham gia đồng tài trợ sẽ được coi là tác giả chính của sản phẩm trí tuệ có được từ quá trình thực hiện dự án.

Hạn chế trong đầu tư cho các dự án khoa học máy tính

Tất cả tạo ra cảm giác là có đủ các kênh hỗ trợ nghiên cứu và phát triển ở Nga. Tuy nhiên trên thực tế thì việc có được các công nghệ cao trong lĩnh vực khoa học máy tính lại không có mối liên hệ nào với các ngân sách tài trợ của chính phủ.

Nguyên nhân chính là do các quỹ tài trợ cho nghiên cứu công nghệ vẫn còn chưa hoạt động hiệu quả và các dự án không được các chuyên gia hàng đầu xét duyệt. Ví dụ ở Quỹ RFBR, chất lượng các thành viên trong hội đồng chuyên gia không đồng đều, phần lớn trong số họ đều không có công trình công bố trên các tạp chí hàng đầu trong lĩnh vực khoa học máy tính. Tình hình xét duyệt ở Quỹ RSF chặt chẽ và nghiêm túc hơn nhưng ít có sự hỗ trợ cho khoa học máy tính do nhiều thành viên của hội đồng xét duyệt lại thiên về toán học mà thiếu đi những chuyên gia khoa học máy tính thực thụ.

Mặt khác, chỉ có hai tạp chí khoa học máy tính của Nga được lọt vào danh sách tạp chí hạng hai của Web of Science.

Không chỉ những nghiên cứu cơ bản về khoa học máy tính mà với các nghiên cứu ứng dụng và sản xuất thử nghiệm, cũng khó tìm ra chuyên gia giỏi ở Nga, ngoài trừ một vài trường đại học, nơi có kết quả nghiên cứu khả quan hơn các viện của RAS.

Giải pháp có thể thay đổi ngành công nghệ thông tin

Do đó, theo quan điểm của giáo sư Andrei Sukhov, để các dự án đầu tư cho khoa học máy tính trở nên hiệu quả hơn và có nhiều khả năng ứng dụng hơn, cần có sự tham gia của các chuyên gia từ các công ty Nga với tư cách đồng tài trợ.

Qua các dự án đó có thể hình thành các bộ phận R&D trong các công ty máy tính, thực hiện nghiên cứu theo ý tưởng của các công ty này với khoảng 10 người, một nửa lực lượng là những người tốt nghiệp chương trình sau đại học. Các dự án như vậy có thể lấy kinh phí từ các phân bổ ngân sách của chính phủ cho các trường đại học Nga, hoặc qua cuộc cạnh tranh đề xuất ý tưởng trong khuôn khổ các chương trình đầu tư khác của chính phủ, kinh phí mỗi dự án không quá 120.000 USD/năm và gói gọn trong vòng 3 năm. Như thế, tổng kinh phí mà nhà nước bỏ ra cũng không vượt qua 7 triệu USD mà kết quả đạt được có thể góp phần thay đổi cấu trúc của ngành công nghiệp công nghệ thông tin.

Giáo sư Andrei Sukhov (Khoa Các hệ thông tin và Các công nghệ thông tin, trường Đại học Samara, Nga) và cộng sự mới thiết kế và chế tạo được thiết bị NetTestBox 1.0 bao gồm một máy tính siêu nhỏ Raspberry pi và một hệ điều hành Linux với cả phần cứng và phần mềm có khả năng xác định được hiệu suất của các hệ thống địa chỉ IP, có khả năng nhận được các thông tin từ những hệ định vị toàn cầu GLONASS/GPS/BeiDou/Galileo. Khi sử dụng thiết bị này, người ta có thể tăng tốc độ trao đổi thông tin và dò được cuộc tấn công mạng đồng thời bảo vệ được thông tin quan trọng khỏi những kẻ đánh cắp dữ liệu. Thiết bị này đã được đăng ký sáng chế với Rospatent – Cơ quan cấp bằng sáng chế của Nga.