Đi ra nước ngoài đồng nghĩa với việc phải đổi tiền để có được các đồng nội tệ khác nhau. Nhưng điều đó có thể sắp không còn cần thiết với nhiều người dân Đông Nam Á.

Theo đồ họa của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (Bank for International Settlements), các quốc gia trên khắp châu Á đang nỗ lực kết nối hệ thống thanh toán di động với nhau để chuyển tiền nhanh và rẻ hơn.

Ví dụ, Malaysia đã thiết lập các liên kết thanh toán trực tiếp với Thái Lan và Indonesia, trong khi một kết nối tương tự với Philippines đang được tiến hành.

Liên kết giữa Malaysia với Indonesia cũng vừa đưa vào vận hành thương mại hồi đầu tháng 5, sử dụng mã QR để thanh toán. Hiện tại, liên kết thanh toán QR cho phép người dân đi lại hai bên có thể trả tiền cho người bán hàng online và mua hàng hóa ở các cửa hàng thực.

Vào tháng 2 năm nay, Ấn Độ và Singapore đã liên kết hệ thống của họ, cho phép người dân chuyển tiền qua điện thoại di động gần như ngay lập tức.

Kể từ năm 2022, một số sáng kiến như Dự án Nexus và Chương trình hợp tác Kết nối Thanh toán Khu vực (RPC) đã được ngân hàng trung ương của Malaysia, Indonesia, Philippines, Singapore và Thái Lan ủng hộ, nhằm mục tiêu thiết lập các kiên kết thanh toán giữa 5 nền kinh tế lớn nhất ASEAN trong vòng ba năm.

Các nhà quan sát dự đoán, trong tương lai gần, các khoản thanh toán liền mạch theo thời gian thực có thể sẽ được triển khai rộng rãi hơn trên toàn khu vực.
Ảnh của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), dùng trong hội thảo trên web về “Bài học rút ra từ bằng chứng về khái niệm- Nexus” do Hiệp hội Thanh toán Mới nổi Châu Á tổ chức
Đồ họa của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) được diễn giả sử dụng trong hội thảo webinar mang tên “Bài học rút ra từ bằng chứng về khái niệm (Proof оf Concept) của dự án Nexus” do Hiệp hội Thanh toán Mới nổi Châu Á tổ chức vào ngày 5/4/2023.

Trong đồ họa trên, các đường nét liền thể hiện các kết nối thanh toán đã hoàn thành và thông suốt tại thời điểm hội thảo. Các đường nét đứt sọc thể hiện các dự án kết nối thanh toán đang trong tiến độ thực hiện (WIP). Các đường nét chấm thể hiện kết nối thanh toán bằng mã QR, và các đường nét mờ cho biết hai nước đang trong giai đoạn phác thảo về một dự án kết nối tiềm năng (Statement of Intent).

Chuyên gia Andrew McCormack từ trung tâm BIS Innovation Hub, người tham gia vào dự án Nexus, cho biết từ trước tới nay, trên toàn cầu có rất nhiều sáng kiến kết nối hệ thống thanh toán giữa các nước, tuy nhiên phần lớn chúng là những kết nối song phương.

Ông cho rằng các kết nối song phương rất khó để mở rộng, vì mỗi một kết nối đều yêu cầu hai bên có những cuộc đàm phán pháp lý phức tạp và cần một dự án kỹ thuật riêng để tích hợp hạ tầng thanh toán.

Mô hình sẽ ngày càng trở nên phức tạp hơn nếu có thêm thành viên tham gia. "Nếu có ba quốc gia, bạn cần 3 liên kết. Nếu có bốn quốc gia, bạn cần 6 liên kết. Và nếu có năm quốc gia, bạn cần 10 liên kết. Độ phức tạp sẽ tăng lên theo hướng phi tuyến tính", ông McCormack nói.

Ngược lại, dự án Nexus mà 5 nước ASEAN tham gia đang tiếp cận theo hướng kết nối đa phương. Chúng sẽ tiêu chuẩn hóa các các hệ thống thanh toán nội địa tức thì (IPSs) của mỗi nước và cho phép các hệ thống IPSs kết nối với nhau thông qua một cổng Nexus Gateways.