Năm 2023, lĩnh vực công nghệ của Việt Nam huy động được tổng cộng 142 triệu USD, giảm 73% so với năm ngoái, theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Tracxn.

Báo cáo thường niên khu vực: Vietnam Tech 2023 của Tracxn chỉ ra rằng hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ ở Việt Nam, giống như ở các quốc gia khác, vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng bởi mùa đông gọi vốn.

Năm 2023, Việt Nam huy động được tổng cộng 142 triệu USD, giảm lần lượt là 73% và 91% so với cùng kỳ năm 2022 (527 triệu USD) và 2021 (1,6 tỷ USD). Đây là mức vốn huy động ghi nhận thấp nhất tại Việt Nam trong 5 năm qua.
Huy động vốn khởi nghiệp vào Việt Nam qua các năm. Nguồn: Tracxn, 2023
Huy động vốn khởi nghiệp vào Việt Nam qua các năm. Nguồn: Tracxn, 2023

Theo báo cáo, sự sụt giảm đáng kể được ghi nhận ở tài trợ cho giai đoạn sau, giảm đến 90%, từ 30 triệu USD năm 2022 xuống chỉ còn 3 triệu USD.

Nguồn vốn cho giai đoạn đầu giảm nhẹ hơn (70%), từ 431 triệu USD năm 2022 xuống còn 129 triệu USD.

Các khoản đầu tư cho giai đoạt hạt giống cũng giảm mạnh (84%), từ 66,3 triệu USD năm 2022 xuống còn 10,4 triệu USD.

Các con số nêu trên được tính đến ngày 5/12/2023.

Huy động vốn khởi nghiệp công nghệ của Việt Nam phân theo các vòng gọi vốn. Ảnh: Tracxn
Huy động vốn khởi nghiệp công nghệ của Việt Nam phân theo các vòng. Nguồn: Tracxn, 2023

Năm nay, Việt Nam không có bất kỳ vòng gọi vốn nào trên 100 triệu USD. Thuocsi (BuyMed), một ứng dụng thương mại điện tử dược phẩm, huy động được 51,5 triệu USD trong vòng Series B, đánh dấu mức gọi vốn cao nhất trong hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ Việt Nam năm 2023. Thuocsi (BuyMed) đang được Tracxn xếp vào danh sách các công ty dự đoán sẽ sớm trở thành kỳ lân công nghệ.

Cũng không có đợt lên sàn chứng khoán (IPO) hay xuất hiện kỳ lân (định giá hơn 1 tỷ USD) nào trong lĩnh vực công nghệ trong năm 2023.
Số lượng nhà đầu tư tham gia vào các vòng gọi vốn tại Việt Nam theo năm. Nguồn: Tracxn, 2023
Số lượng nhà đầu tư tham gia vào các vòng gọi vốn tại Việt Nam theo năm. Nguồn: Tracxn, 2023

Theo báo cáo, số lượng nhà đầu tư hoạt động trong năm cũng giảm đáng kể (60%), từ mức 114 nhà đầu tư tham gia năm 2022 xuống còn 45 nhà đầu tư. Bên cạnh đó, số lượng nhà đầu tư đã có và nhà đầu tư tham gia mới giảm lần lượt 41% và 80% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Tracxn, công nghệ y tế (healthtech), công nghệ tài chính (fintech) và ứng dụng cho doanh nghiệp (enterprise applications) là những lĩnh vực chính nhận được tài trợ.

Trong đó, lĩnh vực công nghệ y tế chứng kiến sự tăng trưởng tích cực, tăng 35% lên 53,5 triệu USD. Ngược lại, lĩnh vực công nghệ tài chính giảm hẳn 84% vốn huy động so với năm trước, ở mức 35,3 triệu USD.

Báo cáo cũng cho thấy TPHCM thu hút vốn cao nhất với 97 triệu USD; tiếp theo là Hà Nội với 45 triệu USD.
Một số công ty khởi nghiệp gọi vốn trong năm 2023. Ảnh: Tracxn
Một số công ty khởi nghiệp gọi vốn trong năm 2023. Ảnh: Tracxn, 2023

Mặc dù trải qua mùa đông gọi vốn của khởi nghiệp, Việt Nam vẫn được đánh giá có triển vọng tích cực với các bên muốn đa dạng hóa sản xuất để tránh chỉ đầu tư vào Trung Quốc thông qua chiến lược kinh doanh “Trung Quốc cộng 1”. Báo cáo lưu ý rằng chỉ riêng trong tháng 10/2023, khu vực Đông Nam Á đã nhận được hơn gấp đôi mức trung bình hằng tháng của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chủ yếu hướng tới việc thành lập các đơn vị sản xuất tại Việt Nam.

Thành lập năm 2012 tại Ấn Độ, Tracxn là một công ty nghiên cứu thị trường chuyên cung cấp thông tin, chủ yếu là dữ liệu khởi nghiệp, cho nhà đầu tư mạo hiểm và doanh nghiệp. Nền tảng này theo dõi hơn 2,3 triệu công ty trên toàn cầu, bao gồm chi tiết về tài trợ, ngành và các số liệu liên quan khác.