Bằng công nghệ AI, nhóm các chuyên gia công nghệ thông tin đã tái tạo chân dung 10 nữ thanh niên xung phong hy sinh tại ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) cách đây nửa thế kỷ. Bộ ảnh vừa được ra mắt đúng vào dịp ngày Thương binh liệt sĩ 27/7.

Chân dung các chiến sĩ thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc được tái dựng lại bằng AI. Ảnh: Khánh Nguyễn
Chân dung các chiến sĩ thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc được tái dựng bằng trí tuệ nhân tạo. Ảnh: Khánh Nguyễn

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ngã ba Đồng lộc là mạch máu giao thông quan trọng để hậu phương chi viện sức người, sức của cho miền Nam. Đây cũng là nơi gánh vác nhiều trận mưa bom nhất trong lịch sử. Tài liệu tại Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc ghi lại: “Chỉ tính từ tháng 4-10/1968, ngã ba Đồng Lộc đã phải hứng chịu gần 50.000 quả bom các loại, bình quân mỗi mét vuông đất gánh trên 3 quả bom. Mặt đất bị biến dạng, đất đá bị cày đi xới lại nhiều lần.”

Trưa 24/7/1968, giống như mọi ngày, 10 nữ thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 44 ra đường làm nhiệm vụ. Đến 16 giờ chiều, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống. Một quả bom gần căn hầm chữ A nơi 10 cô gái đang trú đã phát nổ. Hầm sập xuống, tất cả đều hy sinh. Người trẻ nhất mới 17 tuổi. Ba chị lớn nhất cũng chỉ mới 24 tuổi.

Sự hy sinh của 10 cô gái trẻ măng tại Đồng Lộc đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và được tưởng nhớ bằng nhiều cách khác nhau. Một trong số đó là tái dựng hình ảnh các cô từ những bức ảnh đã phai màu do năm tháng.

Đầu tháng Ba năm nay, một nhóm các nhà công nghệ ở Hà Nội – gồm Nguyễn Công Cường, Nguyễn Văn Khánh (dự án AIcomic.art) và Lê Công Thành (dự án lietsi.com) – đã bắt tay vào hiện thực hóa ý tưởng phục dựng hình ảnh 10 cô gái anh hùng đất Hà Tĩnh bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) hiện đại như Midjourney, Stable Diffusion v.v. Đây là một phần nỗ lực trong dự án số hóa “di sản số” về các liệt sĩ Việt Nam của lietsi.com

Nguyễn Công Cường, chuyên gia về AI nghệ thuật, cho biết, sử dụng AI, chân dung nhân vật có thể được dựng lại trên cơ sở các chi tiết sẵn có. Trải qua nhiều bước, trí tuệ nhân tạo sẽ khiến bức hình được làm tốt lên, đặc biệt vẫn giữ được thần thái và biểu cảm của nhân vật.

Với tư liệu ít ỏi là một bức ảnh mờ nhòe được chụp và khắc trên bia mộ liệt sĩ, các chuyên gia đã quét lại và yêu cầu AI xử lý trước khi đưa nhân vật vào hoạt cảnh cụ thể.

Từ trái qua phải, bức ảnh chân dung gốc của liệt sĩ Võ Thị Hà được AI học tập và phục dựng
Từ trái qua phải, bức ảnh chân dung gốc của liệt sĩ Võ Thị Hà được AI học tập và phục dựng.

AI sẽ thực hiện từng bước, từ phác họa cơ bản các khối trắng/đen trước khi lên màu cho bức ảnh. Trong khi đó, những người dùng công cụ AI - gọi là các kỹ sư ra lệnh (prompt engineer) - sẽ viết ra những câu lệnh, đoạn văn bản để hướng dẫn cho AI vẽ.

Kỹ sư ra lệnh AI không cần am hiểu công nghệ hay máy tính, họ có thể đến từ các lĩnh vực lịch sử, triết học, hội họa, âm nhạc..., có kiến thức nhất định về một số vấn đề cuộc sống cũng như biết cách sử dụng câu chữ để mô tả.

"Tại bản hoàn thiện cuối cùng, chúng tôi đã hết sức bất ngờ khi khuôn mặt của liệt sĩ Võ Thị Hà hiện lên với đầy đủ thần thái, biểu cảm, đặc biệt là đôi mắt rất có hồn,” Nguyễn Văn Khánh chia sẻ.

“[…] dù còn tấm hình ở góc độ nào, mờ, ố ra sao, vẫn có khả năng phục dựng một cách sống động nhất có thể. Thậm chí, chỉ cần gia đình các liệt sĩ mô tả và có hình ảnh một ai đó giống với liệt sĩ, kết quả cho ra cũng sẽ rất tốt,” anh Khánh nói thêm.

Dưới đây là hình ảnh chân dung 10 nữ thanh niên xung phong tại ngã ba Đồng Lộc dưới góc nhìn AI. Các bức ảnh này không có thật nhưng mang thần thái khuôn mặt của các liệt sĩ.

liệt sĩ Võ Thị Tần (sinh năm 1944), người "chị cả" của Tiểu đội 4.
Liệt sĩ Võ Thị Tần (24 tuổi), tiểu đội trưởng, người "chị cả" của Tiểu đội 4. Chị sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo. Năm 1963–1964, chị là Phó bí thư chi đoàn địa phương. Trước khi nhập ngũ, chị Tần đã đính hôn với anh Nguyễn Đức Hồng, bạn học cùng lớp từ thuở ấu thơ. Chị Tần trao cho anh Hồng lọn tóc thề thay lời hẹn ước. Kỷ vật ấy của Tần theo anh Hồng suốt những tháng năm chinh chiến và sau này đã được bàn giao lại cho Ban quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc. Giữa năm 1968, anh Hồng bị trọng thương trong một trận chiến đấu tại đảo Cồn Cỏ, hiện còn 6 mảnh đạn trong người. Mẹ chị Tần cũng đã mất vì bị bom Mỹ đánh sập hầm sau ngày chị hy sinh không lâu.

Liệt sĩ Hồ Thị Cúc (21 tuổi), tiểu đội phó
Liệt sĩ Hồ Thị Cúc (24 tuổi), tiểu đội phó. Tháng 7/1965, chị Cúc tình nguyện lên đường gia nhập Thanh niên ba sẵn sàng. Chị và chị Võ Thị Tần cùng ở chung đơn vị suốt 3 năm, cùng được kết nạp Đảng ngày 3/2/1967. Lúc hy sinh, chị Cúc nấp vào hố cá nhân nên mọi người chỉ tìm được 9 cô gái trong hầm, phải 3 ngày sau mới tìm được thi hài chị ở cách chỗ 9 cô gái kia hy sinh vài chục mét.

Liệt sĩ Nguyễn Thị Nhỏ (24 tuổi), chiến sĩ
Liệt sĩ Nguyễn Thị Nhỏ (24 tuổi), chiến sĩ. Bố mẹ chị mất sớm, nhà chỉ có 2 chị em gái: chị Miên và Nhỏ. Chị Miên thay bố mẹ nuôi chị Nhỏ từ bé. Khi chiến tranh phá hoại của Mỹ ngày một ác liệt, chị Nhỏ xin vào Thanh niên xung phong. Chị hy sinh năm 24 tuổi, khi chưa lập gia đình.

Liệt sĩ Dương Thị Xuân (20 tuổi), chiến sĩ
Liệt sĩ Dương Thị Xuân (21 tuổi), chiến sĩ. Chị sinh ra và lớn lên ở vùng quê Đức Tân - Đức Thọ, trong một gia đình đông con. Trước khi đi thanh niên xung phong, chị Xuân có quen anh Tân người cùng xã. Cũng như mối tình chị Tần – anh Hồng, chị Xuân và anh Tân đã không thực hiện được lời hẹn ước vì đất nước có giặc, chuyện riêng tư đành gác lại. Trước khi chị Xuân lên đường, anh Tân trao cho Xuân một quyển điều lệ Đảng mà anh vẫn dùng và lấy sợi ni lông xanh, đỏ buộc vào cổ tay chị.

Liệt sĩ Võ Thị Hợi (20 tuổi), chiến sĩ
Liệt sĩ Võ Thị Hợi (20 tuổi), chiến sĩ. Chị là con thứ 5 trong một gia đình nông dân ở xã Thiên Lộc – Can Lộc, Hà Tĩnh. Năm 1965, học xong lớp 7, chị Hợi xung phong đi “Ba sẵn sàng”. Thi thoảng có dịp về thăm nhà, chị kể: "Bom đạn dội xuống ghê gớm lắm mẹ ạ! Tiếng bom nổ, tiếng máy bay gầm xé suốt đêm ngày, đất đá bụi tung mù mịt. Nhưng tất cả bọn con đều không sợ. Cứ đợi dứt đợt bom là chúng con ra đường ngay, để xe khỏi bị tắc trên đường vào Nam mẹ ạ!”

Liệt sĩ Nguyễn Thị Xuân (20 tuổi), chiến sĩ
Liệt sĩ Nguyễn Thị Xuân (20 tuổi), chiến sĩ. Chị nhập ngũ năm năm 1967. Tại mặt trận, chị quen anh Vĩnh, tiểu đội phó Đơn vị bộ đội công binh phá bom. Anh Vĩnh là một đảng viên, một tiểu đội phó dũng cảm và kiên quyết, 2 người viết cho nhau nhiều lá thư giữa các trận đánh. Chị Xuân tâm sự với bạn bè: "Nhiều đêm nằm em thấy anh Vĩnh về thăm. Bẵng đi một thời gian không có thư anh về, em đã lo. Em nghĩ đến tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Nhưng em vẫn đợi...”. Sau này Xuân mới biết anh Vĩnh nhiều lần bị thương. Mối tình giữa 2 người vừa chớm nở thì chị Xuân hy sinh.

Liệt sĩ Hà Thị Xanh (19 tuổi), chiến sĩ
Liệt sĩ Hà Thị Xanh (20 tuổi), chiến sĩ. Theo lời kể lại, làm việc gì cũng xốc vác, chị Xanh hay nhận việc khó về mình. Một lần được nghỉ phép, chị Xanh đã rủ chị Hà về nhà mình chơi. Chị Hà nói với mẹ chị Xanh: "Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước chúng con thực hiện phong trào “ba khoan”, nghĩa là khoan lấy chồng". Bức ảnh này cũng được phục dựng trên nguyên mẫu bức ảnh hiện đang được khắc trên bia mộ của chị tại Đồng Lộc.

Liệt sĩ Trần Thị Hường (19 tuổi), chiến sĩ
Liệt sĩ Trần Thị Hường (19 tuổi), chiến sĩ. Chị Hường là con của một liệt sĩ chống Pháp, quê ở thị xã Hà Tĩnh. Cha chị hy sinh năm 1953 ở mặt trận, khi chị mới 4 tuổi. Hai năm sau, mẹ đi lấy chồng, chị ở với bà ngoại và cậu mợ tại xóm Đông Quế, thị xã Hà Tĩnh. Chị Hường có giọng hát hay, được mệnh danh là “chim sơn ca” của tiểu đội và của cả Đại đội 522.

Liệt sĩ Trần Thị Rạng (18 tuổi), chiến sĩ
Liệt sĩ Trần Thị Rạng (18 tuổi), chiến sĩ. Chị sinh ra tại xóm chài Thọ Thủy, Đức Vĩnh, Đức Thọ (Hà Tĩnh). Thời thơ ấu theo cha mẹ làm nghề chèo lái trên sông La. Ngày 3/11/1967, chị vào Thanh niên xung phong. Ngoài giờ ra trận địa, chị Rạng cùng chị em làm toán, làm văn, tập hát, lúc nghỉ giải lao lại trêu đùa đại đội trưởng và mấy anh lái xe ủi.

Liệt sĩ Võ Thị Hà (17 tuổi), chiến sĩ
Liệt sĩ Võ Thị Hà (17 tuổi), chiến sĩ. Chị sinh ra ở thị trấn Đức Thọ, là con thứ ba trong gia đình có năm con. 17 tuổi, chị lên đường vào thanh niên xung phong.Chị Hà được coi là "em út" trong Tiểu đội. Lúc nào về nhà chị Hà cũng mang theo một vài quyển truyện để đọc và nói “Không có sách, ngoài giờ ra trận địa con buồn lắm mẹ ạ”. Mẹ chị gửi mấy con gà con đến Đồng Lộc để chị em nuôi, rồi có lần chị đem về nhà một con gà mái. Một hôm con gà mái vỗ cánh gáy như gà trống, mẹ chị bảo "thế nào Hà cũng có chuyện rồi”. 2 ngày sau thì nghe tin chị Hà hy sinh. Chị Hà cũng là người đầu tiên được nhóm chuyên gia phục dựng trong dự án của mình.

Chân dung liệt sĩ Võ Thị Hà được trí tuệ nhân tạo AI phục dựng trong bối cảnh đi lấp hố bom, vá đường tại ngã ba huyết mạch Đồng Lộc. (Ảnh: Thái Anh)
Chân dung chị Võ Thị Hà được trí tuệ nhân tạo AI phục dựng trong bối cảnh đi lấp hố bom, vá đường tại ngã ba huyết mạch Đồng Lộc.


"Di sản số" của các liệt sĩ

Việc tái hiện lại chân dung 10 cô gái ở ngã ba Đồng Lộc là bước đầu tiên trong giai đoạn 2 của dự án xây dựng website lietsi.com - dự án số hóa thông tin về liệt sĩ Việt Nam do ThS công nghệ thông tin Lê Công Thành và các cộng sự bắt tay thực hiện 11 năm về trước.

Trong giai đoạn trước, các tình nguyện viên đi chụp lại ảnh bia mộ ở các nghĩa trang liệt sĩ trên khắp cả nước và đưa lên hệ thống để xây dựng ngân hàng dữ liệu chính xác về vị trí hiện tại của các liệt sĩ. Sau 11 năm, 95% số bia mộ liệt sĩ trên toàn quốc đã được số hóa. Giờ đây, thân nhân các gia đình có thể tìm mộ liệt sĩ bằng cách tìm kiếm từ khóa trên trang lietsi.com.

Khi lượng dữ liệu không còn khả năng tăng trưởng, dự án lietsi.com bắt đầu chuyển sang giai đoạn tiếp theo: Phục dựng di sản số về các anh hùng, liệt sĩ.

Từ tháng 7/2023, dự án đã hợp tác với AIcomic để hướng dẫn tình nguyện viên viết văn, hồi ký, truyện (với ChatGPT, Bard...); vẽ tranh, vẽ truyền thần (với Midjourney, Stable Diffusion...) và giúp các gia đình thân nhân phục dựng, bảo tồn "Di sản số" của các liệt sĩ.

“Nếu giai đoạn một đơn thuần chỉ là số hóa, thì trong giai đoạn hai này, chúng tôi muốn dựa trên thông tin để khôi phục thông tin, từ đó tạo ra các giá trị tinh thần lớn hơn. Rất may mắn, đúng vào thời điểm này, công nghệ AI lại bùng nổ, tạo điều kiện hơn nữa cho ý tưởng của chúng tôi trở thành hiện thực”, anh Lê Công Thành chia sẻ.

Theo các chuyên gia công nghệ, việc viết prompt cho các công cụ AI kể trên không quá phức tạp. Tùy mức độ, có thể mất 1-2 tuần hoặc vài tháng để đào tạo một người thành kỹ sư ra lệnh, biết và ứng dụng AI tạo sinh hiệu quả trong công việc. Nhiệm vụ cốt lõi của họ là hiểu khả năng của AI, biết cách ra lệnh để trí tuệ nhân tạo trả lời đúng, cũng như hiểu vì sao hệ thống lại đưa ra câu trả lời sai để "trám" lỗ hổng của AI.