Năm nay nông dân vùng trồng vải thiều tập trung Thanh Hà, Chí Linh (Hải Dương), Đồng Hỷ (Thái Nguyên), Đông Triều, Tiên Yên (Quảng Ninh), Yên Thế, Lục Nam, Sơn Động, Lục Ngạn (Bắc Giang) đều lo ngay ngáy khi cây chỉ 10 - 20% ra lộc hoa, còn lại ra lộc lá.

Đây một vụ vải bất thường, chưa bao giờ tỷ lệ hoa thấp như vậy, nhiều bà con nôn nóng định chặt bỏ cây để chuyển sang các cây trồng khác. Sự thật vấn đề là thế nào, cần giải thích nguyên nhân kém hoa ở cây vài thiều để rút kinh nghiệm cho các năm sau.

Cây vải năm nay ít ra hoa do thời tiết ấm khiến người trồng vải mất ăn mất ngủ

Theo PGS.TS Mai Quang Vinh, Chủ tịch Cty CP Truyền thông nông nghiệp đa phương tiện (AgriMedia), cây vải có nhiều dòng, giống như vải lai, vải tu hú là cây bản địa vùng Á nhiệt đới, cần nhu cầu lạnh khô để phân hóa mầm hoa ít hơn vải thiều có xuất xứ từ phía Bắc, có yêu cầu rất chặt chẽ với yếu tố thời tiết, đặc biệt là thời kỳ ra chồi hoa trong các tháng mùa đông như nhiệt độ, số giờ nắng, lượng mưa, độ ẩm không khí, tốc độ gió… Đối với những cây vải đang ở thời kỳ khai thác kinh tế vòng sinh trưởng và đặc tính sinh lý, sinh thái của nó như sau:

Sau khi thời gian thu hoạch quả khoảng 4 - 6 tuần vải mới ra đọt lá theo nhiều đợt sinh trưởng gần ngọn nhất là đợt 1, có màu nâu sáng, đợt 2 xa hơn, đọt lá sẫm màu hơn, đợt 3 xa hơn nữa, đọt lá và lá từ màu nâu chuyển sang màu hơi xám.

Trong 2 tháng (tháng 12 năm trước và 1 năm sau) đọt hoa sẽ mọc từ các đọt lá phát sinh trong tháng 7 và 8. Lúc này, cây vải rất cần thời tiết lạnh dưới 16 - 18oC, không mưa, nhiều nắng hơn 6 giờ/ngày, có gió heo may khô mát thì sẽ ra nhiều lộc hoa.

Trong các tháng 2 và 3 cây vải sẽ nở hoa. Giai đoạn này cây vải cần thời tiết khô ráo, không có mưa phùn kéo dài, trời hửng nắng 3 - 4 giờ/ngày, nhiệt độ thuận lợi 20 - 22oC nhưng không nóng quá để ong bướm hoạt động, thụ phấn tốt và đậu quả nhiều.

Trong 2 tháng 4 và 5 diễn ra giai đoạn hình thành quả. Giai đoạn này cây vải trao đổi vật chất mạnh, có nhu cầu nước cao, nếu bị hạn quả rụng nhiều hoặc quả bé, chất lượng thấp.

Tháng 6 và 7 là giai đoạn quả chín. Giai đoạn này nếu thiếu nước hoặc nắng nóng cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng quả vải.

Cũng theo PGS.TS Mai Quang Vinh, kết quả quan trắc từ Trạm Thời tiết tự động iMetos đặt tại một số địa phương phía Bắc, từ năm 2013 đến nay vẫn còn lưu trữ toàn bộ số liệu thời tiết chi tiết đến từng giờ của 4 mùa đông đã qua), đã chỉ ra diễn biến về số giờ lạnh (gọi tên chuyên môn là Đơn vị lạnh - Chilling Unit) tích lũy trong mùa đông.

10-24-07_nh1-bieu-do-nhiet-do-2017-imetos-vn-lm Diễn biến số giờ lạnh tích lũy (nhiệt độ <18oC) đo tại trạm iMetos Văn Lâm, Hưng Yên

Đối chiếu số liệu của Trạm iMetos Văn Lâm (Hưng Yên),một vùng vải thiều lớn, trong 3 mùa đông trước là các năm vải thiều được mùa, cây vải thiều cần tối thiểu trên 900 giờ (tương đương 37 ngày trong 3 tháng 11, 12, 1) có nhiệt độ dưới 18oC để phân hóa mầm hoa.

“Tuy nhiên, năm nay thời tiết miền Bắc gần như không có mùa đông, nhiệt độ cao hơn trung bình năm 2 - 3oC, dẫn đến nhu cầu độ lạnh của cây vải bị thiếu nghiêm trọng. Số liệu của iMetos Văn Lâm cho thấy, tính đến thời điểm hết tháng 1, hầu hết các năm đều đạt độ lạnh trên 900 giờ lạnh dưới 18oC, riêng mùa đông năm nay, trong 3 tháng 11, 12, 1 chỉ đạt mức 640 giờ lạnh, lượng mưa trung bình 3 tháng 24,5mm, nhiệt độ 20,8oC, độ ẩm không khí cao 76,3% (chỉ đạt khoảng 60% yêu cầu cần phân hóa mầm hoa của cây), đây chính là lý do cây vải ra hoa rất ít trong vụ này”, PGS.TS Mai Quang Vinh nhấn mạnh.

Như vậy, với kinh nghiệm tích lũy sau 4 năm khảo nghiệm, theo PGS.TS Mai Quang Vinh có thể sử dụng hệ thống trạm thời tiết tự động iMetos để giám sát độ lạnh cho các cây ăn quả ôn đới nói chung và cây vải nói riêng nhằm sớm có các giải pháp chăm sóc phù hợp, giảm thiểu thiệt hại do dị thường của thời tiết gây ra trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Các nhà vườn vải đều có kinh nghiệm, năm nào ấm, mưa nhiều tháng 10 - 12, cần thiết phải hãm cây ra lộc lá. Để kích thích ra lộc hoa, cần phun các chế phẩm như nitrat kali, thuốc trừ cỏ, xiết gốc để hãm nhựa từ gốc lên cây. Như vậy, chỉ cần lưu ý theo dõi số liệu Trạm Thời tiết iMetos (nhiệt độ, độ ẩm không khí, độ ẩm đất, lượng bức xạ, lượng mưa…) vào các tháng 11 đến tháng 1 hàng năm, nếu không đủ độ lạnh, mưa ẩm nhiều, cần bổ sung chế độ điều khiển cho cây ra lộc hoa vào tháng 1 - 2.