Những năm gần đây, bộ môn khoa học cây trồng, khoa nông nghiệp và sinh học ứng dụng, Trường đại học Cần Thơ đã phát hiện hai cây quýt đường không hạt tại xã Tân Phước, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp và đã có nhiều nghiên cứu về hai cây này (Nguyễn Bá Phú, 2013).

Vào năm 2014, nhóm nghiên cứu tiếp tục phát hiện thêm một cây quýt đường không hạt tại xã Tân Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp.

Đến năm 2016, nhóm nghiên cứu Nguyễn Bá Phú, Nguyễn Quốc Sĩ và Nguyễn Bảo Vệ, khoa nông nghiệp và sinh học ứng dụng, Trường đại học Cần Thơ đã nghiên cứu ghi nhận đặc tính hình thái thực vật của cây quýt đường không hạt vừa được phát hiện, ở mùa nắng và mùa mưa.

Khảo sát được thực hiện bằng cách thu 30 mẫu lá, hoa, trái của cây quýt Đường không hạt và cây quýt Đường có hạt ở mùa nắng và mùa mưa, các chỉ tiêu và phương pháp khảo sát được tham khảo theo mô tả cho cây cam quýt của IPGRI (1999).

Cam, quýt là cây ăn trái quan trọng, có giá trị kinh tế cao nên diện tích trồng ngày càng tăng ở Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó quýt đường là một trong những giống cam quýt có chất lượng ngon, nổi tiếng của vùng. Tuy nhiên, giống quýt đường hiện tại có nhược điểm là rất nhiều hạt. Chính vì thế, việc chọn giống quýt đường không hạt là hết sức cần thiết và có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển ngành trồng cam quýt ở nước ta.

Nghiên cứu cho thấy trái của cây quýt đường không hạt giống với cây quýt đường có hạt (đối chứng) ở cả hai mùa nắng và mưa: trái có dạng tròn, hơi dẹp, đáy trái có núm, đỉnh trái hơi lõm. Các đặc tính này tương tự với 2 dòng SAVEBI được phát hiện năm 2007 đã được ghi nhận bởi Nguyễn Bá Phú (2013).

Cây quýt đường không hạt có chiều cao trái ở mùa nắng là 42,9 mm thấp hơn mùa mưa là 48,3 mm và cũng thấp hơn cây quýt đường có hạt trong cùng một mùa; đường kính trái mùa nắng là 49,8 mm thấp hơn mùa mưa là 57,03 mm và cũng thấp hơn cây quýt đường có hạt ở mùa nắng, tuy nhiên không khác biệt ở mùa mưa; tỷ số chiều cao trái /đường kính trái ở mùa nắng là 0,86 tương đương mùa mưa là 0,85, nhưng thấp hơn cây quýt đường có hạt trong cùng một mùa, điều này cho thấy trái của cây quýt đường không hạt có xu hướng. Ngoài ra, nó có trọng lượng trái ở mùa nắng là 62,0 g thấp hơn mùa mưa là 88,5 g và cũng thấp hơn cây quýt đường có hạt ở mùa nắng, tuy nhiên ở mùa mưa là tương đương nhau.

Theo nghiên cứu của Vũ Văn Vụ và cộng sự (2005), hàm lượng auxin ở trong bầu noãn của các loài không hạt bao giờ cũng cao hơn nhiều so với các loài có hạt. Theo Nguyễn Bảo Vệ và Lê Thanh Phong (2011), nguyên nhân tạo trái không hạt trong tự nhiên là do hàm lượng auxin nội sinh trong bầu noãn cao, cho phép bầu noãn phát triển thành trái mà không cần nguồn auxin trong hạt tiết ra. Mùa nắng nhiệt độ, ánh sáng cao hơn mùa mưa, auxin dễ bị phân hủy khi nhiệt độ cao, ánh sáng mạnh. Có lẽ điều đó đã làm cho trái của cây quýt đường không hạt phát triển mạnh hơn vào mùa mưa vì theo Trần Văn Hâu (2009) khí hậu ẩm, lạnh, trái sẽ phát triển tốt hơn khí hậu khô nóng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Kết quả khảo sát cho thấy, cây quýt đường không hạt cho trái hoàn toàn không hạt ở cả mùa nắng và mùa mưa. Đa số đặc điểm hình thái về trái của cây quýt đường không hạt giống với cây quýt đường có hạt trong cùng một mùa. Bên cạnh đó, một vài đặc điểm về trái của nó trong cùng một mùa vẫn còn thấp hơn cây quýt đường có hạt như chiều cao trái, tỷ số chiều cao trái/đường kính trái, độ Brix và hàm lượng vitamin C, và một vài đặc điểm cao hơn như chiều dày vỏ và pH dịch trái. Vài đặc điểm về trái của cây quýt đường không hạt thấp hơn cây quýt đường có hạt ở mùa nắng nhưng tương đương nhau ở mùa mưa là đường kính trái, khối lượng trái và khối lượng phần ăn được.

Hầu hết các đặc tính hình thái về trái của loại cây này tương đương nhau ở hai mùa, bên cạnh đó, một vài đặc tính như chiều cao trái, đường kính trái, khối lượng trái, chiều dày vỏ, khối lượng phần ăn được và pH dịch trái ở mùa nắng thấp hơn mùa mưa, nhưng một vài đặc điểm như độ Brix và hàm lượng vitamin C ở mùa nắng lại cao hơn mùa mưa.

Nhóm nghiên cứu đi đến kết luận, ngoại trừ một số đặc điểm của cây quýt đường không hạt có sự khác biệt theo mùa (một số đặc điểm ở mùa nắng thấp hơn mùa mưa là chiều dài phiến lá, chiều rộng phiến lá, chiều dài cuống lá, chiều dài cánh hoa, chiều cao bầu noãn, chiều cao trái, đường kính trái, khối lượng trái, chiều dày vỏ, khối lượng phần ăn được và pH dịch trái; và vài đặc điểm ở mùa nắng cao hơn mùa mưa là độ Brix và hàm lượng vitamin C) thì các đặc tính hình thái được khảo sát còn lại về lá, hoa và trái của cây quýt đường không hạt không khác biệt giữa mùa nắng và mùa mưa; đặc biệt đặc tính không hạt của cây quýt đường không hạt vẫn ổn định ở cả hai mùa (mùa nắng và mùa mưa).