Trong mô hình này, các khâu giống, kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm đã có các cơ quan khoa học, doanh nghiệp lo trọn vẹn; người dân chỉ việc tập trung sản xuất. Nhờ đó, diện tích trồng khoai tây ở Nghệ An đã được mở rộng nhanh chóng.

Dự án “Xây dựng mô hình liên kết phát triển sản xuất khoai tây gắn với tiêu thụ từ nguồn giống khoai tây sạch bệnh bằng công nghệ khí canh” được Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh Nghệ An thực hiện từ năm 2020, trong đó Viện Công nghệ sinh học (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam) là cơ quan chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật.

Khí canh là phương thức canh tác mới trong nông nghiệp, đã được sử dụng ở nhiều nước phát triển. Trong công nghệ này, việc canh tác không sử dụng đất, nước mà trồng trong môi trường không khí, phun dinh dưỡng dạng sương mù vào bộ rễ, kích thích cây ra rễ, sinh trưởng, phát triển.

Ngoài việc nhân giống nhanh, đảm bảo giữ được nguồn gen gốc và cho ra đời thế hệ giống mới hoàn toàn sạch bệnh, sinh trưởng nhanh, công nghệ này còn giảm 90% chi phí về nước, 95% phân bón và 99% thuốc bảo vệ thực vật so với phương pháp địa canh truyền thống.

Viện Công nghệ sinh học, Trung tâmTrung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh Nghệ An phối hợp sản xuất củ giống nguyên chủng bằng công nghệ khí canh, sau đó hướng dẫn cho một số hộ dân sản xuất giống đại trà từ nguồn giống nguyên chủng này.

S
Sản xuất giống khoai tây bằng công nghệ khí canh. Ảnh: NL

Mô hình triển khai tại huyện Diễn Châu với quy mô ban đầu là 9 ha khoai tây thương phẩm và 1 ha khoai tây giống. Kết quả, trong năm đầu tiên thực hiện, năng suất sản phẩm thu được trung bình 20 tấn/ha đối với khoai tây thương phẩm và 15 tấn/ha củ giống đạt tiêu chuẩn. Trong khi năng suất canh tác theo phương pháp thông thường ở địa phương chỉ đạt khoảng 15 tấn/ha thương phẩm, khoai giống thì chủ yếu nhập khẩu.

Đặc biệt, sản phẩm được bao tiêu hết ngay sau khi thu hoạch, lợi nhuận thu về gần 70 triệu đồng/ha/3 tháng. Trước khi thực hiện Dự án, người dân nơi đây cũng trồng khoai tây nhưng chưa được bao tiêu sản phẩm đầu ra nên diện tích không mở rộng.

Sau thành công ban đầu của mô hình, phong trào sản xuất cây khoai tây vụ Đông theo chuỗi giá trị đã được nhân rộng ra những huyện trong tỉnh có điều kiện phù hợp như: Đô Lương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Thái Hòa, Tân Kỳ... Đến vụ Đông năm 2021, tổng diện tích khoai tây đã đạt gần 300 ha. Năm nay, diện tích này đạt xấp xỉ 450 ha,dự kiến sản lượng đạt trên 8.000 tấn và được các doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ.

K
Khoai tây với giống sạch bệnh được trồng tại Diễn Châu. Ảnh: NL

Với mô hình trồng khoai tây theo chuỗi giá trị, các khâu giống, kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm đã có các cơ quan khoa học, doanh nghiệp lo trọn vẹn, người dân chỉ việc tập trung sản xuất. Việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ không chỉ giúp nông dân tăng chất lượng sản phẩm, năng suất sản xuất, mà còn góp phần bảo đảm tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định. Ngoài ra, người dân còn có cơ hội tiếp cận với tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp, từ đó nâng cao trình độ canh tác.

Được biết, Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN Nghệ An đã làm chủ được quy trình công nghệ và hình thành một cơ sở sản xuất giống khoai tây khí canh đặt tại Trại thực nghiệm của Trung tâm để chủ động sản xuất, cung ứng giống khoai tây sạch bệnh cho người trồng.